1. Facebook gây ra nỗi thất vọng, buồn bực, chán nản
Một nghiên cứu của Trường Đại học Missouri cho biết, nếu bạn dành thời gian cả ngày chỉ để ngồi lang thang xem những tin tức của mọi người trên Facebook thì mức độ ghen tị của bạn sẽ tăng lên. Lâu dần, khi tới một mức độ nhất định thì ghen tị sẽ khiến bạn trở nên thất vọng, buồn bực và chán nản.
Giáo sư Margaret Duffy, tác giả của nghiên cứu này chia sẻ: “Người dùng Facebook sẽ thường xuyên trải qua cảm giác ghen tị với những gì mà bạn bè của họ chia sẻ trên trang mạng xã hội này. Hậu quả là những người này khả năng cao sẽ cảm thấy chán nản, thất vọng về bản thân sau đó”.
Sở dĩ xảy ra hiện tượng tâm lý này bởi vì trên mạng xã hội, người ta thường chỉ có xu hướng chia sẻ những điều tốt đẹp. Khi nhìn vào những thứ ấy, chúng ta sẽ cảm thấy ghen tị, lâu dần thấy chán nản về bản thân.
2. Ảnh hưởng tiêu cực tới giấc ngủ
Rất nhiều nghiên cứu cho thấy việc sử dụng nhiều mạng xã hội sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới thói quen ngủ hàng ngày của bạn. Tới khi mất ngủ, người ta lại tiếp tục có xu hướng tìm tới Facebook một cách vô thức. Như vậy, vòng luẩn quẩn này cứ thế diễn ra, lâu dần sẽ làm sức khỏe của bạn tồi tệ đi trông thấy.
3. Gây suy giảm khả năng tập trung
Báo cáo trên The Huffington Post cho biết, trong thời đại số, khả năng tập trung của con người ngày càng giảm sút. Một trong những nguyên nhân gây ra điều này đó chính là mạng xã hội, mà điển hình là Facebook. Những thông báo từ mạng xã hội khiến bạn liên tục phải kiểm tra điện thoại, lâu dần thành thói quen, từ đó khiến bạn mất tập trung vào công việc mình đang thực hiện.
4. Gây ra trục trặc trong các mối quan hệ ngoài đời thực
Mặc dù Facebook được mặc định xem như công cụ giúp con người xích lại gần nhau hơn nhưng trên thực tế điều này không hoàn toàn chính xác. Bởi trong những mối quan hệ, dù có gắn bó như vợ chồng, cũng sẽ dễ dàng bị phá vỡ bởi mạng xã hội. Giống như việc Facebook gây ra cảm giác ghen tị cho người dùng, việc quan sát các cặp đôi khác thể hiện tình cảm trên mạng xã hội sẽ khiến bạn mang lại cảm giác không hài lòng về mối quan hệ của mình, lâu dần dẫn tới cãi vã. Hoặc trong trường hợp khác, khi đang ngồi cạnh nhau mà mỗi người chỉ khư khư giữ điện thoại để lướt Facebook, không ai nói với ai câu nào sẽ dễ khiến người ta xa nhau hơn.
5. Facebook “cô lập” bạn với xã hội
Ta tưởng rằng chỉ cần theo dõi Facebook là sẽ nắm được tất cả những thông tin của những người xung quanh. Nhưng trên thực tế, càng sử dụng Facebook nhiều thì càng khiến bạn có cảm giác khó tiếp xúc với một ai đó ở ngoài đời thực. Ngược lại, bạn bè của bạn trên Facebook cũng không quá quan tâm tới bạn như kỳ vọng.
Một nghiên cứu mới đây trên tạp chí khoa học The Royal Society Open Science đã nghiên cứu 3.375 tài khoản trên Facebook với số lượng bạn bè trung bình khoảng 150 người/tài khoản. Kết quả đã chỉ ra rằng, chỉ có 4 người trong số 150 người đó thực sự quan tâm tới những gì mà họ đăng tải.
6. Theo dõi (hay thậm chí tác động) đến cuộc sống riêng tư của bạn
Facebook có một thuật toán vô cùng thông minh và phức tạp để quyết định rằng nội dung gì sẽ hiển thị lên trang Facebook của bạn. Ví dụ, nếu bạn thường xuyên theo dõi những thông tin về thời trang thì Facebook sẽ tích cực hiển thị những nội dung liên quan tới thời trang, sao cho bạn dùng Facebook trong thời gian càng lâu càng tốt.
Nhiều chuyên gia lo ngại rằng một ngày nào đó Facebook có thể hiểu con người tới mức nó có thể tác động tới đời sống của người dùng.
7. Mất thời gian
Như đã nói ở trên, Facebook dùng thuật toán để “níu kéo” bạn dùng mạng xã hội này càng lâu càng tốt. Cũng không cần nói nhiều, chắc bạn cũng hiểu rằng lướt Facebook tốn thời gian như thế nào. Christina Sagioglou và Tobias Greitemeyer, hai nhà khoa học thuộc trường Đại học Innsbruck, thậm chí còn từng viết trong một nghiên cứu rằng, “rõ ràng là, khi so sánh với duyệt web nói chung, lên Facebook bị coi là một việc không mang lại nhiều ích lợi, thiếu ý nghĩa và mất thời gian.”
Theo Ngày Nay