.
.

‘Găng Tay Đỏ’: Ninh Dương Lan Ngọc một lần nữa ghi điểm với vai diễn của mình


‘Găng tay đỏ’ chứng kiến sự chuyển mình từ ngọc nữ sang đả nữ của Ninh Dương Lan Ngọc và một lần nữa cô khiến khán giả an tâm về tác phẩm của mình.

Ra mắt vào dịp lễ 2/9, dù phải cạnh tranh với hai đối thủ phim Việt hiện giờ là Nắng và Tấm Cám: Chuyện chưa kể, song bộ phim hành động Găng tay đỏ cũng nhận được sự chú ý không nhỏ từ khán giả.

Ninh Dương Lan Ngọc và Quang Sự kết đôi trong phim

Tất nhiên, để nói về Găng tay đỏ cũng như tìm điểm thu hút người xem ra rạp, thì bộ phim này hơi an toàn trong mọi mặt, từ kế hoạch quảng bá đến nội dung nên khó tạo được hiệu ứng dư luận.

Nhưng đôi khi, thông điệp của một bộ phim cũng nói lên được tiêu chí và cách thức vận hành của nhà sản xuất: đem lại một tác phẩm chỉn chu, thậm chí có phần cẩn trọng và tử tế.

Găng tay đỏ sở hữu một kịch bản cô đọng, kể về nữ sát thủ mồ côi, được đào tào bài bản có mật danh Số 7 (Ninh Dương Lan Ngọc). Sau nhiều năm chinh chiến ở nước ngoài, Số 7 nhận nhiệm vụ ám sát một người Việt Nam có tên Huỳnh Đại – ông trùm xã hội đen.

Tại đây, cô đã tình cờ làm quen được với Hồng Việt (Quang Sự), chàng trai ngây thơ, khù khờ không hiểu lý do gì lại say đắm cô, cứu cô thoát chết nhiều lần và giúp cô dần tìm lại được bản thân mình.

Song song với đó, một tuyến nhân vật khác của phim là Huỳnh Côn (Hiếu Nguyễn), Huỳnh Mỹ (Linh Chi) và Trần Thông (Lâm Vinh Hải) – một người là con nuôi, một người là tiểu thư duy nhất và đàn em của Huỳnh Đại cũng góp phần không nhỏ vào mạch phim.

Hiếu Nguyễn tiếp tục vào vai tay xã hội đen tràn đầy thù hận

Huỳnh Côn vì muốn chứng minh mình là hậu duệ xứng đáng, cho nên luôn dốc lòng phụng sự và trở thành cánh tay đắc lực cho Huỳnh Đại. Ngược lại, Trần Thông dù chỉ là nhân viên nhưng được ông trùm tin tưởng hơn cả để giao cho trọng trách bảo vệ Huỳnh Mỹ.

Lâm Vinh Hải vai Trần Thông

Giữa trận chiến một bên là thành viên đại diện của tổ chức sát thủ quốc tế, bên còn lại là băng nhóm xã hội đen đang tung hoành tại Nha Trang, lực lượng cảnh sát cũng bắt đầu vào cuộc để lôi mọi chuyện ra ánh sáng và đặt tên đó là chuyên án Găng Tay Đỏ.

Bộ phim có màn mở đầu khá ấn tượng khi bối cảnh ở nước ngoài hiện ra, Số 7 tiến vào một quán bar để tiêu diệt một kẻ cốt cán. Những màn đối đầu quyết liệt và gọn gàng đã cho thấy sự lợi hại của tổ chức bí ẩn đang đứng sau chi phối.

Nhưng dẫu có ấn tượng, trích đoạn ấy lại hơi ngắn so với mong đợi để làm rõ những gì đang diễn ra, khiến trích đoạn ‘thuần Việt’ tiếp theo vẫn chưa đủ dữ dội đối với một bộ phim tham vọng và chặt chẽ như Găng Tay Đỏ.

Ninh Dương Lan Ngọc phá bỏ hình ảnh ngọc nữ trở thành đả nữ

Được định vị ở thể loại hành động tình cảm, do đó sự xuất hiện của Hồng Việt (Số 3) là hoàn toàn hợp lý theo motip chỉ có tình yêu mới cảm hoá được tất cả. Phải dành lời khen cho Ninh Dương Lan Ngọc khi đã chuyển tiếp nhanh chóng cảm xúc của một đả nữ đến một nữ chính ngôn tình.

Găng Tay Đỏ tuy gai góc, nhưng vẫn dành nhiều khoảng lặng để đào sâu vào tâm lý nhân vật. Cặp đôi Số 7 và Hồng Việt được nhận xét là có màn thể hiện duyên dáng, ăn ý, đã lột tả được biến chuyển nội tâm trong hành trình tìm lại chính mình của Số 7 nhờ sự giúp đỡ của Hồng Việt.

Chuyện tình yêu đẹp của Số 7 (Lan Ngọc) và Số 3 (Quang Sự) là điểm nhấn của phim

Nhưng không thể không nhắc tới vai trò của Huỳnh Đại, Huỳnh Côn, Huỳnh Mỹ và Trần Thông trong phim. Mối quan hệ giữa họ được kịch bản ghép đôi đầy ngẫu hứng khi Huỳnh Côn chính là phiên bản thu nhỏ của Huỳnh Đại, còn Trần Thông thì bắt đầu rung động khi phải túc trực bên Huỳnh Mỹ suốt ngày.

Khoảnh khắc chàng vệ sĩ đứng ngẩn ngơ trước cô chủ shop bán hoa đã dự đoán được phần nào mối lương duyên ngang trái.

Dù nhập nhằng giữa nhiều tuyến nhân vật, nhưng phần kịch bản của phim được xử lý vô cùng gọn gàng, dàn trải để đảm bảo tiêu chí ‘ai cũng có phần’.

 

Tình yêu ngang trái của chàng vệ sĩ và cô chủ

 

Những cảnh hành động chân thực, hiệu ứng và kỹ xảo của phim cũng nằm ở mức khá, đủ sức thoả mãn nhu cầu xem phim giải trí hiện nay. Như đã nói ở trên, giá như kịch bản phim dành thêm thời lượng có bối cảnh ở nước ngoài và giới thiệu rõ hệ thống của tổ chức sát thủ thì sẽ thuyết phục hơn.

Qua trailer, nhiều người mặc định Ninh Dương Lan Ngọc sẽ độc chiếm toàn bộ, cũng bởi thời điểm hiện tại đang là giai đoạn sung mãn của cô khi góp mặt trong hàng loạt dự án phim ảnh. Tuy nhiên, kịch bản Găng Tay Đỏ lại có cách phân định hoàn toàn khác: trao đều cơ hội cho toàn bộ diễn viên.

Lan Ngọc chính thức vứt bỏ hình tượng ngọc nữ bấy lâu, khoác lên mình màu áo đen bí ẩn với nội tâm u uất. Xem xong phim, ắt hẳn có người nhìn vào diễn xuất của Lan Ngọc mà ước rằng từ giờ cô cứ ác như… Cám, hay đấm đá tưng bừng như Số 7, khỏi cần ‘hiền’ nữa làm chi!

Về phần Hiếu Nguyễn, anh tiếp tục duy trì niềm đam mê đóng vai phản diện theo kiểu đểu và ngầu. Linh Chi bắt đầu khẳng định con đường diễn xuất sau khi rời khỏi chiếc bóng của Venus. Còn Lâm Vinh Hải thì được trải nghiệm vai diễn mà anh đã yêu thích từ lâu, sẵn sàng đồng ý mức thù lao khiêm tốn trong khi phải bỏ nhiều công sức luyện lập.

Mặc dù vẫn còn những thiếu sót xong ‘Găng tay đỏ’ là bộ phim khá sạch sạn, chỉn chu.

Dù không thể phủ nhận việc sắp xếp chi tiết như thế sẽ khiến bộ phim cảm giác bị nặng nề, không làm bật lên được trọng tâm của nhân vật. Đây vừa là điểm mạnh, vừa là điểm yếu của Găng Tay Đỏ, làm cho thời lượng phim suốt 110 phút chưa thật sự trọn vẹn.

Nhưng đạo diễn Nguyễn Tuấn Anh đã chấp nhận để nói rõ quan điểm của anh: hãy làm ra một bộ phim chỉn chu, ít sạn trước thay vì sáng tạo quá đà để phá hỏng cấu trúc bên trong. Và Găng Tay Đỏ là minh chứng rõ ràng nhất, đồng thời cũng là nền tảng để dự báo về thể loại phim hành động ‘thuần Việt’ trong tương lai sẽ ngày càng hoàn thiện hơn.



Bài viết cùng chuyên mục