Biểu tượng “táo khuyết” đầy quyền lực của Apple có nhiều câu chuyện thú vị về sự ra đời.
Logo đầu tiên của Apple được thực hiện vào năm 1976 bởi Ronald Wayne. Logo của hãng công nghệ lúc đó thể hiện hình ảnh Isaac Newton đang ngồi dưới một tán cây với một trái táo treo bên trên cùng dòng chữ, “Newton… A Mind Forever Voyaging Through Strange Seas of Thought… Alone.”” (Tạm dịch: Newton… Một trí tuệ mãi mãi rong ruổi qua những đại dương suy ngẫm… Một mình.) Dù vậy, logo này chỉ được sử dụng trong vòng một năm trước khi Steve Jobs thuê một nhà thiết kế có tên Rob Janoff. Đây là thời điểm logo “táo khuyết” ra đời. (Apple giữ nguyên logo táo khuyết” tới tận hôm nay mặc dù có thay đổi các yếu tố như phương pháp thiết kế hay màu sắc).
Logo đầu tiên của Apple với hình ảnh Isaac Newton đang đọc sách dưới một tán cây.
Nhiều ý kiến cho rằng logo “táo khuyết” được Apple thực hiện để tưởng nhớ đến Alan Turing, người đã đặt những viên gạch đầu tiên cho ngành công nghiệp máy tính hiện đại và các lĩnh vực như trí thông minh nhân tạo. Cuộc đời Alan Turing là một chuỗi những bi kịch khi ông thiếu chút nữa phải ngồi tù vì đã có quan hệ đồng tính với một người đàn ông ở Manchester vào năm 1952. Hai năm sau đó, Alan Turing đã qua đời sau khi cắn một trái táo có chất độc xyanua. Vì vậy, khi tìm kiếm logo cho Apple, Steve Jobs và các cộng sự đã chọn hình ảnh trái táo cắn dở để tưởng nhớ đến Alan Turing và những đóng góp của ông.
Alan Turing, cha đẻ của ngành Khoa học Máy tính, có một cuộc đời đầy bi kịch do là người đồng tính.
Dù vậy, nhiều nhân sự của Apple lại xác nhận câu chuyện nói trên không phải lịch sử Apple một cách chính thống. Một số “giả thuyết” khác được nêu ra như Apple chọn hình ảnh “trái táo” là bởi loại trái cây này tượng trưng cho kiến thức và sự hiểu biết như trái táo của Ada và Eva hay trái táo trong câu chuyện của Sir Isaac Newton và sự phát hiện ra trọng lực.
Sự thay đổi của biểu tượng Apple từ năm 1976 cho tới nay.
Người thiết kế ra logo “táo khuyết” Rob Janoff cũng từng có những chia sẻ về sự ra đời của logo Apple. Anh cho biết logo này không có liên hệ đến ngài Isaac Newton hay trái táo trong câu chuyện Adam và Eva. Nhà thiết kế nói thêm rằng mặc dù anh rất ấn tượng với “giả thuyết” liên quan đến Alan Turing nhưng ở thời điểm thiết kế logo, anh không hề biết đến nó. Theo Rob, anh không nhận được giải thích cụ thể của Steve Jobs về logo trái táo, tuy nhiên sự ra đời của “miếng cắn” trên đó thì khá rõ ràng, “Nó ở đó để trái táo trong logo, ở một kích thước nhỏ, vẫn trông giống trái táo thay vì một trái cherry”. Về sau, nhiều câu chuyện lại được lan truyền khi bite (miếng cắn) đồng âm với byte (một yếu tố quan trọng trong máy tính), theo CNN.
Logo Apple trên các sản phẩm của Apple hiện nay.
Như vậy, cho đến nay, vẫn chưa có một lời giải cuối cùng nào cho “sự tích” ra đời logo “trái táo cắn dở” của Apple. Tuy nhiên, có một điều không thể phủ nhận rằng đây có lẽ là một trong những logo có sức ảnh hưởng và độ nhận diện cao nhất trong làng công nghệ hiện nay.
Theo Tri thức trẻ