Bàn tay mẹ vẫn cứ là bàn tay người nữ duy nhất bấy nhiêu năm ,trước mắt tôi, trong cuộc đời tôi
Hôm nay giỗ bố tôi, lần thứ bốn mươi bảy. Từ hôm qua, mẹ tôi đã chộn rộn thổi xôi vò, kỹ thuật đồ xôi bốn mươi bảy năm nay – gần nửa thế kỷ rồi chứ ít gì – mẹ giữ sao cho vẫn đúng truyền thống xôi vò Bắc từ màu sắc, hình dáng hạt gạo đến mùi vị, không được lai tạp chút nào. Đó là niềm tự hào của mẹ, nấu xôi không ai qua được, hạt nếp không được “sổ lông”, phải vẹn nguyên hình dáng thon thon như những hạt hổ phách màu vàng. Những năm còn bé, tôi thường phụ mẹ xay đậu trong chiếc cối xay nhỏ xíu, quay từng vòng nhỏ kẽo kẹt, giờ này mẹ vẫn dùng chiếc cối có núm cầm màu đỏ đã han gỉ ấy, tiếng kẽo kẹt nhè nhẹ ngoài cửa bếp khiến tôi nhớ lại ngày ấu thơ. Vậy mà gần nửa thế kỷ rồi chứ ít gì.
Mẹ tôi không phải nấu món gì cũng ngon, có khi còn có món không ăn được vì những “phát minh” ngẫu hứng không nằm trong cẩm nang gia chánh nào hết, nhưng mẹ nấu sạch, cái này thì tôi bảo đảm. Mẹ đặt phẩm chất sạch, tinh khiết lên trên mọi điều, và càng lớn tuổi mẹ càng sạch. Thực phẩm thời nay ghê quá con ạ, phải sạch. Gạo không sạch, nước không sạch, rau càng không sạch, rửa đi rửa đi con. Mẹ nhắc luôn miệng, đến độ tôi phát mệt vì cái sự sạch ấy. Âu cũng là tính tình người nữ, đã đinh ninh điều gì thì nói sao cũng không lay chuyển nổi, mẹ giữ sạch thức ăn, mẹ giữ sạch thanh danh, mẹ giữ sạch cái lề giấy dẫu cho xấp giấy đã nhàu nát. Bàn tay người nữ của tôi.
Giữ nếp nhà cần bàn tay nữ, dù bạn là công hầu khanh tướng hay nông phu thợ thuyền. Người nữ không cần học cao, không cần giỏi giang thông minh tuyệt đỉnh, họ chỉ cần đúng là người nữ: cần kiệm, kiên định, hiền từ, chịu khó. Thời đại văn minh hôm nay, thời đại của những người nữ lăn xả vào đời, xốc vác còn hơn đàn ông, thời đại tranh chấp quyền bình đẳng không còn khốc liệt nữa (vì đàn ông đã chịu thua?) mà là tranh chấp xem ai còn nhân tính hơn ai, thời đại hôm nay phải chăng càng thiếu hụt những bàn tay vỗ yên gia đạo?
Trong “Xạ điêu anh hùng truyện” của Kim Dung, cô bé Hoàng Dung chỉ mỗi kỹ thuật nấu ăn thiện nghệ mà thành truyền nhân của Bắc Cái Hồng Thất Công; và mỗi khi được nếm món Hoàng Dung nấu, ông già khất cái lẫy lừng giang hồ kia còn phải cảm thán, giá như hồi còn trẻ ta kiếm ra một mụ khất cái nấu ăn ngon, đẻ ra một nữ khiếu hóa mồm miệng lanh lẹ, nấu nướng xảo diệu như mi, thì sung sướng biết mấy. Mỗi người đàn ông dù tung hoành khắp chốn muôn phương, vẫn thầm ao ước một bàn tay người nữ vén khéo, nữ công gia chánh tươi tốt đẹp đẽ, bàn tay sạch, lành, êm ái.
Tay mẹ tôi không êm. Mẹ làm lụng (nửa thế kỷ chứ ít gì) đến mức bàn tay chai sạn như tay nông dân. Cũng chính bàn tay đó dạy tôi cầm phấn viết bảng, cầm tay quay cối xay đậu, cầm ghi đông xe đạp, giờ thì dạy con tôi viết chữ, xào rau, đánh trứng. Gần tám mươi, mẹ tôi vẫn lặng lẽ bằng hai bàn tay chai cứng của mình, giữ nếp nhà sạch. Giữ bầu không khí nhà lành.
Giữ cho những kỷ niệm ấu thơ của tôi, và mai mốt, của con trai tôi nữa, không ô nhiễm.
Theo Quốc Bảo