.
.

Hà Nội: Nóng chuyện “phạt nguội”


Chuyện “phạt nguội” đã lại “nóng” dù vừa diễn ra được 3 ngày trên địa bàn Hà Nội. Rất nhiều những băn khoăn, bức xúc về việc tài xế xe không chính chủ xử lý ra sao, xe buýt, xe biển xanh, biển đỏ có bị “lọt”, xe tỉnh ngoài nếu không xử lý tại nơi vi phạm thì làm gì?

Các thông tin vi phạm Luật Giao thông được truyền về Trung tâm xử lý. Ảnh: Cao Tuân
Các thông tin vi phạm Luật Giao thông được truyền về Trung tâm xử lý. Ảnh: Cao Tuân

Xem ảnh chụp từ CSGT vẫn… cãi!

Với cư dân đô thị, sự vội vã hình như là một đặc tính cố hữu. Ai cũng cố đi nhanh hơn người khác, thậm chí cố tận dụng vài ba giây trước khi đèn đỏ. Chỉ đến khi nhận biên bản xử phạt nguội, nhiều người mới ngỡ ngàng. Biên bản phạt chìa ra trước mặt kèm hình ảnh rõ ràng khiến họ mất không ít tiền của và thời gian. Đó là thực tế đang diễn ra ở Hà Nội.

Có mặt tại chốt giao thông Xã Đàn (Đống Đa, Hà Nội), Tổ công tác của Đội CSGT số 3 (Phòng CSGT – Công an TP Hà Nội), theo ghi nhận của PV Báo GĐ&XH, chỉ trong 2 giờ làm nhiệm vụ, có hàng chục trường hợp vi phạm lỗi giao thông được phát hiện thông qua camera giám sát giao thông. Hầu hết, lái xe khi bị dừng phương tiện đột ngột đều viện đủ lý do để phản đối việc bị dừng xe. Phải sau khi được cho xem hình ảnh có ghi đủ ngày giờ, vị trí và lỗi vi phạm, lái xe mới… đành ngậm ngùi chấp hành.

Tuy nhiên, nhiều tài xế sau khi xem ảnh vẫn cãi, không nhận lỗi, đòi xem lại clip. CSGT phải giải thích rằng việc xử “phạt nguội” tại chốt chỉ có thể cho xem được ảnh chụp, còn muốn xem clip thì người vi phạm phải ghi yêu cầu vào biên bản xử phạt rồi khi nào đến ngày hẹn xử lý thì đến Đội CSGT xem lại clip tình huống vi phạm của mình.

Lái xe Nguyễn Văn Thiêm, ở Mỹ Đình (Hà Nội) sau khi được xem lỗi vi phạm của mình qua hình ảnh nói: “Các đồng chí công an đã cho tôi xem hình ảnh vi phạm. Theo tôi, việc xử lý cũng hợp lý nhưng tôi chỉ vi phạm trong tích tắc 1 đến 2 giây trong lúc giao của đèn vàng, không vượt đèn đỏ. Vì vậy, xem qua hình ảnh rất khó nói tôi có vi phạm hay chưa?”.

Còn anh Nguyễn Ngọc Toàn (SN 1973, ở Đồng Nai) điều khiển xe ô tô Mecerdes BKS 30A-457.32 chia sẻ, mặc dù rất bất ngờ khi bị lực lượng CSGT thông báo vi phạm, tuy nhiên khi được xem lại camera ghi hình ảnh đã nhanh chóng thừa nhận lỗi của mình. Anh cho biết, rất mong việc làm này sẽ được duy trì để góp phần lập lại trật tự giao thông của Thủ đô cũng như tạo sự công bằng trong khi tham gia giao thông.

Thượng úy Nguyễn Đức Hùng, Tổ trưởng tổ công tác của Đội CSGT số 3 cho biết, tổ tuần tra luôn liên lạc chặt chẽ với đội đèn tín hiệu giao thông ghi nhận lại bằng hình ảnh những phương tiện vi phạm giao thông và gửi trực tiếp đến tổ hiện trường để xử lý.

Hai ngày, có 3 “xe công”…vi phạm?!

Hệ thống camera giám sát tại Hà Nội dễ dàng phát hiện phương tiện vi phạm giao thông.
Hệ thống camera giám sát tại Hà Nội dễ dàng phát hiện phương tiện vi phạm giao thông.

Trả lời PV Báo GĐ&XH về việc xe buýt, xe biển công vụ… khi hệ thống camera phát hiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ sẽ bị xử lý như thế nào, Trung tá Huỳnh Tấn Nam, Đội trưởng Đội Chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu giao thông (Phòng CSGT – Công an Hà Nội) khẳng định: “Sẽ xử lý nghiêm như tất cả các phương tiện khác. Trong 2 ngày đầu (từ 1 – 2/12), lực lượng CSGT đã phát hiện và xử lý 1 xe ô tô biển đỏ, 1 xe ô tô biển xanh và 1 xe buýt vi phạm. Các trường hợp này, đội quản lý xe đã tra cứu, xác minh để tiến hành gửi thông báo cho cơ quan và tài xế vi phạm”.

“Khi camera đã ghi lại hình ảnh thì tất cả các trường hợp vi phạm đều bị xử lý chứ không có ngoại lệ. Về trường hợp xe buýt, nếu vi phạm theo chế tài phải dừng hoạt động để xử phạt. Còn lại sẽ thông qua điều tuyến xe buýt, thông qua đơn vị quản lý xe buýt mời lái xe lên để xử lý, việc lưu hành của xe buýt đó vẫn hoạt động bình thường”, Trung tá Huỳnh Tấn Nam thông tin.

Về câu hỏi, những hình ảnh, video được người dân, hoặc nguồn khác cung cấp sẽ xử lý như thế nào? Đội trưởng Đội Chỉ huy giao thông cho hay: “Đó chỉ là một trong những căn cứ để xác minh, còn theo quy định thì chỉ những phương tiện, thiết bị nghiệp vụ mới được xem là những chứng cứ để mời người vi phạm đến xử phạt”.

Được biết, Phòng CSGT CA Hà Nội đã trang bị hơn 400 camera giao thông tại hầu hết các tuyến đường trọng điểm trong khu vực nội thành. Hoạt động này nhằm nâng cao tính tự giác của người dân, giúp lực lượng chức năng điều hành giao thông hiệu quả hơn và giảm thiểu tai nạn giao thông.

Phạt xe không “chính chủ” thế nào?

Thiếu tá Phạm Quang Minh, Đội phó Đội chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu giao thông cũng cho biết, trong năm 2015, Đội này đã phối hợp với CSGT địa bàn xử lý trên 2.000 trường hợp vượt đèn đỏ, đi sai làn… Trong đó, có 2 ôtô mang biển kiểm soát giả. Trước đây, chỉ là thí điểm nhỏ lẻ, khu vực nhất định, nhưng từ 1/12, Phòng CSGT – Công an Hà Nội đã triển khai xử phạt qua hệ thống camera trên toàn thành phố. Sau khoảng 10 – 15 ngày từ khi nhận được thông báo, người vi phạm cần liên hệ để giải quyết vụ việc.

Thiếu tá Minh cũng thừa nhận, trong quá trình triển khai hình thức này sẽ gặp trường hợp các phương tiện không chính chủ, chủ phương tiện thay đổi chỗ ở… “Do vậy, chúng tôi phải xác định địa chỉ mới qua cơ quan đăng ký xe, sau đó gửi thông báo về cho chủ phương tiện để họ liên lạc với lực lượng công an. Trong trường hợp chủ phương tiện không hợp tác thì chúng tôi sẽ có các biện pháp nghiệp vụ xác minh sâu hơn để làm rõ và yêu cầu họ xử lý”, Thiếu tá Minh cho hay.

Cũng theo Thiếu tá Minh, xe tỉnh ngoài sẽ gửi danh sách về Phòng CSGT của tỉnh đó cùng phối hợp xử lý. Ngoài ra, còn gửi về các điểm đăng ký xe để khi các xe đó đi sang tên đổi chủ sẽ có các biện pháp để họ thực thi trách nhiệm đối với sai phạm.

“Đối với các trường hợp vi phạm không hợp tác với cơ quan công an, chúng tôi sẽ tổng hợp gửi qua các đội tuần tra CSGT làm căn cứ xử lý các phương tiện đó. Với trường hợp người vi phạm có dấu hiệu trốn tránh trách nhiệm sẽ có các hình thức: Một là biển số phương tiện sẽ được thống kê gửi cho các tổ tuần tra kiểm soát, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, khi phát hiện họ sẽ có cơ sở để xử lý. Hai là Đội chỉ huy giao thông sẽ trực tiếp xác minh bằng nghiệp vụ riêng. Ba là sẽ gửi biển số xe vi phạm đến các cơ quan đăng kiểm trên toàn quốc. Khi các chủ phương tiện đi kiểm định, họ sẽ được yêu cầu lên Đội chỉ huy giao thông và đèn tín hiệu để thực hiện trách nhiệm, đây sẽ là yêu cầu cần thiết trước khi thực hiện công tác đăng kiểm”, Thiếu tá Phạm Quang Minh nhấn mạnh.

Vi phạm chưa xử lý sẽ lưu lại vào phần mềm

Bên cạnh đó, các đội tuần tra trên đường sẽ mang tính chất hỗ trợ, họ có công cụ kết nối với Trung tâm điều khiển đèn để cung cấp bằng chứng vi phạm đến người dân. Còn các trường hợp vi phạm chưa xử lý sẽ được lưu hết vào phần mềm xác định biển số, mỗi khi phương tiện lưu thông trên đường đi qua hệ thống camera sẽ tự động phát hiện, nhắc lại luôn trường hợp đã được xử lý hay chưa. Từ đó, có biện pháp phù hợp để xử lý phương tiện vi phạm.

Đề nghị đăng ký xe ô tô phải có tài khoản để tiện “phạt nguội”

Tại hội nghị ATGT năm 2015 tổ chức ở Hà Nội mới đây, Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng C67 – Bộ Công an đề xuất Chính phủ cho phép thí điểm trừ thẳng tiền “phạt nguội” vào tài khoản của chủ phương tiện. Theo ông, chủ sở hữu ô tô khi đăng ký phương tiện cần mở tài khoản. Điều này, giúp quản lý chặt chẽ hơn các phương tiện, nhất là trong việc phạt nguội. “Nhiều nước đã buộc chủ sở hữu ô tô phải mở tài khoản, ai vi phạm luật giao thông mà không đến nộp phạt sẽ bị tăng nặng, thậm chí có nước bắt đi tù. Để việc xử phạt vi phạm qua hình ảnh camera ghi lại được đồng bộ, tôi đề nghị thí điểm khi đăng ký xe là phải có tài khoản, trước hết là với ô tô, để dễ xử phạt”, Thiếu tướng Trần Sơn Hà lý giải.

 Theo Cao Tuân/Báo Gia đình & Xã hội



Bài viết cùng chuyên mục