Mọi người ngậm ngùi đưa mắt nhìn khi anh nắm tay tôi cất tiếng hát… Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi… Anh là bệnh nhân ung thư đang nằm đây chờ chết. Nhận ra tôi, anh cười thật tươi đón tôi. Ai dám nói rằng đây là nụ cười của người biết mình sắp chết. Tôi hát với anh một câu. Bàn tay anh siết nhẹ như một lời chào. Tôi hẹn anh sẽ gặp lại nhưng trên chiếc giường anh nằm đã là người khác.eacd8c63-6742-4ac5-8411-298d845051fb (1)

 

Hơn 40 năm xứ người, tôi không thể nhớ đã có bao nhiêu buổi hát gây quỹ xây dựng chùa, nhà thờ, thiền viện, lớp dạy tiếng Việt cho trẻ em ở khắp các tiểu bang nước Mỹ. Rồi Úc châu, Âu châu, Canada. Hát cho trẻ mồ côi. Hát cho người vượt biển. Không thể nhớ. Không thể đếm được. Chỉ biết cứ kêu là đi. Mưa bão, nắng gió cách trở cả đại dương tôi cũng đi. Thầy cho bao nhiêu cũng được. Cha cho bao nhiêu cũng được. Gia tài của tôi là niềm vui được góp tiếng, là sự trân trọng quý mến, tin tưởng của mọi người. Tôi là niềm hãnh diện của chồng tôi. Anh không bao giờ ngăn cản mà trái lại. Nhận lời đi em. Những nơi cần em dẫu không mang cho em tiền của nhưng em sẽ nhận được hạnh phúc. Sẽ thấy cuộc sống có ý nghĩa…

f65cceca-6303-41a6-99d6-4a21ceef8334

Rồi những năm sau này, từ ngày chồng tôi ra đi, anh gởi lại tôi cho Quang Thành, Quang Thành đã kéo tôi ra khỏi cái chết chậm, đưa bàn tay nắm lấy tôi miệt mài rong ruổi với “vòng tay nhân ái” nơi quê nhà. Tôi được hát tiếp những bài tình ca dang dở của Ông Trịnh Công Sơn cho người da vàng cùng dòng máu trên chính nơi tôi bắt đầu. Càng đi đường càng thêm dài, tôi thấy rất rõ mình là người hạnh phúc, giàu có hơn ai hết khi đón nhận từng ánh mắt, nụ cười, bàn tay ấm yêu thương ngay trên mảnh đất hình chữ S ấy dù cách một đại dương và gần nửa thế kỷ gặp lại.

Chúng tôi Quang Thành, Kim Anh, Oanh Đông Đô, Hùng Đà Lạt, Xuân Hòa, Xuân Hùng, BS Xáng, Vũ Mai Hương, Thanh Hà… dẫu không cùng tôn giáo, tuổi tác, chốn ở, dẫu chẳng ai yêu cầu, bất kể nắng mưa chia sẻ bữa cơm, khúc bánh với các em côi cút phong cùi. Bệnh nhân tâm thần, các em người dân tộc… Cùng hát với các em khiếm thị. Chồng tôi dẫu đã đi xa cũng đóng góp chút quà nhỏ cho hơn trăm cặp mắt cườm cho bà con nghèo.

88470d9a-3508-41ff-92b3-3ec21398ac9d (1)

Tôi nhớ lời Ông Trịnh Công Sơn về một tấm lòng. Phải từ trong cuộc tình hát lên. Phải từ trong nỗi đau mới biết thế nào là đau. Mới chung vai gánh vác, mới chia sẻ an ủi xoa dịu nỗi đau.

Phải ôm trong lòng đứa trẻ mồ côi mới cảm nhận được nỗi khát khao một vòng tay ôm siết không rời bé bỏng tội nghiệp biết nhường nào. Phải nhìn sâu vào đôi mắt đã mờ vẫn sáng lên niềm hy vọng nhỏ nhoi không bị quên lãng. Phải nhìn các em ăn mới thấy xấu hổ với những bữa tiệc ê hề, biết bao món đổ vào thùng rác…

3397ce72-2810-495c-9409-15e97a32e713

Người ta không thể đứng từ xa hát vói vào một cuộc tình không phải của mình. Người ta không thể cứ nhìn mãi lên trời mà bước đi. Bên cạnh những cao ốc trăm tầng là bùn lầy nước đọng. Là nhọc nhằn chan nước mắt. Có những hào quang từ bùn lầy mà rực rỡ ở lại luôn chối bỏ phận thân. Có những tấm lòng luôn muốn chia sẻ mọi nỗi niềm để thấy cuộc đời này còn đáng sống.

Những em bé kia sẽ lớn. Có lẽ các em không nhớ chúng tôi, những người đã một lần ôm các em trong tay với tấm lòng người mẹ. Các bạn tâm thần có thể một ngày tỉnh lại cũng không nhớ những người bạn đến chia sẻ một bữa cơm. Các em nhỏ HIV, các em vướng bệnh phong, những người lạc lõng cô đơn không một người thân, một mái nhà. Những bệnh nhân ở bệnh viện đa khoa Nha Trang. Những nghệ sĩ đơn độc tuổi xế chiều chỉ còn biết nhìn thấy nhau, nương tựa vào nhau mong đi hết đời này. Tất cả có lẽ sẽ không còn nhớ chúng tôi. Có lẽ sẽ ra đi không ai hay, không ai biết. Cuộc đời rơi nhẹ như một chiếc lá. Không một tiếng vang.

Tôi chỉ có một con đường duy nhất suốt cuộc đời này là vâng theo thánh ý Chúa Mẹ sống trong thương yêu như đã được yêu thương. Dù ở dù đi. Dù trước dù sau. Dù xa dù gần. Dù thế nào đi nữa tôi cũng nợ cuộc đời một lời tạ ơn, nợ các bạn một lời cám ơn. Dù muộn màng. Rất muộn. Cũng cho tôi được nói.

Khánh Ly – Ảnh: TLTG/Người Đô Thị