.
.

Khỉ vào truyện, lên phim


Từ Tôn Ngộ Không, Hanuman đến Tarzan, Kinh Kong…, những chú khỉ hoặc nhân vật liên quan trong văn học, sử thi, phim ảnh này đã quá quen thuộc với nhiều người khắp thế giới

Trong văn học Trung Quốc, khỉ nổi tiếng nhất chắc không con nào chiếm được ghế của Tôn Ngộ Không – Tề Thiên Đại Thánh. Song, nhiều nhà nghiên cứu văn học cho rằng tác giả Ngô Thừa Ân bị ảnh hưởng bởi con khỉ Hanuman lừng danh trong sử thi Ramayana của Ấn Độ.

Từ Tarzan đến King Kong

Có điều lạ là trong thần thoại Tây phương không hề thấy bóng dáng con khỉ. Trái lại, trong thần thoại và truyện Á Đông thì quá nhiều khỉ. Tuy vậy, trong văn học Tây phương cũng có nhiều sáng tác mượn chủ đề từ khỉ. Từ năm 1902, “Bàn tay khỉ” (nguyên tác “The monkey’s paw”), một truyện ngắn kinh dị của W.W. Jacobs, đã ra đời.

Trong câu chuyện, thượng sĩ Morris đến thăm gia đình ông White. Morris cho biết ông có một bàn tay khỉ đã khô quắt, được một đạo sĩ yểm bùa khiến ai cầm nó cũng có thể có được 3 điều ước. Morris tỏ ra rất buồn rầu, e ngại khi nói về điều ước của những chủ nhân trước đó và che giấu, không dám nói ra điều ước của chính mình, đoạn ông quăng bàn tay khỉ vào lò sưởi. Ông White đã nhanh tay chộp lại, dù Morris khuyên hãy hủy nó.

Khi Morris đi khỏi, vợ White hỏi chồng và con trai Herbert muốn ước gì. Herbert gợi ý cho cha ước có 200 bảng. Ước xong, bàn tay khỉ bỗng cử động. Hôm sau chẳng có gì xảy ra cả nhưng chiều đó, người đại diện của hãng Meggins và Maw đến báo tin Herbert đã chết vì rơi vào máy trộn bột giấy. Để đền bù, họ sẽ trao cho ông bà White 200 bảng. Tối đó, bà White nhớ đến bàn tay khỉ và bảo chồng hãy ước cho Herbert sống lại. Ông White đã từ chối nhưng rồi đành làm theo ý vợ. Ngay sau đó, có tiếng đập cửa dưới nhà. Bà White định ra mở cửa nhưng ông cố sức ngăn cản. Tuyệt vọng vì sợ hãi, ông White đã ước hãy để Herbert chết lần nữa, cho con trai ông đi mãi mãi. Câu chuyện kết thúc với tiếng gõ cửa ngưng bặt, tiếng lôi ghế sền sệt, tiếng then cửa bật mở… vô cùng rùng rợn.

Một cảnh trong phim về Kinh Kong
Một cảnh trong phim về Kinh Kong

Truyện ngắn trên đã được quay thành phim năm 2011. Song, truyện có liên quan đến con khỉ đã xuất hiện từ năm 1912, khi nhà văn người Mỹ Edgar Rice Burroughs cho ra đời tiểu thuyết “Tarzan of the apes” – cuốn đầu tiên nằm trong loạt truyện về nhân vật Tarzan, vị “chúa tể rừng xanh”. Truyện kể về Tarzan – tên thật là John Clayton, con trai một lãnh chúa nước Anh – bị lạc tới hòn đảo hoang ở châu Phi khi mới 1 tuổi. Từ đó, bầy khỉ trong rừng đã nuôi dưỡng John trưởng thành và đặt tên cậu là Tarzan (nghĩa là “da trắng” theo ngôn ngữ loài khỉ).

Sau thành công của tiểu thuyết đầu tiên, Edgar tiếp tục cho ra đời 20 cuốn tiếp theo vào những năm 1940. Nhân vật Tarzan nhanh chóng trở nên nổi tiếng khắp thế giới, đặc biệt với độc giả nhí. Từ đó, các nhà làm phim đã cho ra đời nhiều phiên bản điện ảnh của tiểu thuyết, như: “Tarzan of the apes”, “The romance of Tarzan” (1918), “Tarzan the ape man” (1932), “Tarzan, the ape man” (1959), “Tarzan, the ape man” (1981), “Greystoke: The legend of Tarzan, lord of the apes” (1984), “Tarzan of the apes” (1999) và phim hoạt hình “Tarzan” (1999) của hãng Disney.

Ngoài Tarzan, “King Kong” (1933) được xem là bộ phim về khỉ đầu tiên lên màn ảnh đã làm cho nhiều người say mê và sau này được dựng lại hiện đại hơn. Người ta say mê King Kong vì cảm động về mối tình của nó với một cô gái thị thành. Chàng King Kong có tình yêu mãnh liệt không khác gì con người.

Khỉ đóng phim… khỉ

Sau đó, một loạt phim đã ra đời mà nhân vật chính là con khỉ, như: “Planet of the apes” (1968), “Battle for the planet of the apes” (1973), “Planet of the apes” (2001), “Rise of the planet of the apes” (2011)… Trong đó, có nhiều phim do chính “tài tử khỉ” đóng.

Nếu ai từng xem phim về Tarzan vào những năm 1950-1960 chắc sẽ không thể quên được chú khỉ Chi-ta. “Diễn viên” khỉ này “nghỉ hưu” năm 59 tuổi, vẫn tỏ ra còn sung sức khi chuyển qua lĩnh vực… hội họa. Chi-ta dùng thời giờ rảnh rỗi của mình để vẽ tranh. Tranh của Chi-ta được triển lãm ở London – Anh, được dân thưởng ngoạn ưa thích nên tranh nhau mua. Tiền thu từ những bức tranh của Chi-ta đã được sung vào quỹ bảo vệ súc vật.

Tuy nhiên, trở thành diễn viên đầu tiên là chú tinh tinh có tên Jiggs, đóng vai khỉ Cheeta – một người bạn của Tarzan huyền thoại trong bộ phim “Tarzan the ape man” (1932). Sau đó, Jiggs đã bị cho nghỉ bởi thói… hay cắn người trong vài phim tiếp theo.

Khi thực hiện phim “Gorillas in the mist” – tác phẩm tiểu sử về nhà tinh tinh học Dian Fossey, người bị sát hại năm 1985, được quay tại trung tâm nghiên cứu hẻo lánh nhất Congo, nơi nữ nghiên cứu gia từng sống cùng khỉ gần 20 năm – ngôi sao Sigourney Weaver bị một con khỉ đột nặng 82 kg dọa thót tim. Nhưng chính chú khỉ có tên Pablo này sau đó lại trở nên thân thiện và là một “ngôi sao” của phim. Trong phim hài “Dunston checks in” (1996), cốt truyện xoay quanh khỉ già Dunston – kẻ đồng lõa với một tên trộm đã gây ra lộn xộn trong khách sạn đẹp đẽ nơi gia đình cậu bé Ken Kwapis đang sống. Vai Dunston do khỉ Sammy, 6 tuổi, thủ diễn.

Trong bộ phim hài hành động “Every which way but loose” (1978), diễn viên huyền thoại Clint Eastwood đã đóng cùng chú khỉ Manis (vai Clyde). Eastwood đã nhận xét về bạn diễn của mình: “Clyde là một trong những diễn viên hoang dã tuyệt nhất tôi từng làm việc cùng. Nhưng khi quay phim với Clyde, bạn phải lấy ngay được đúp đầu vì hắn rất chóng chán”! Khỉ Manis sau đó vào vai trong các phim “Going ape” và “The cannonball run”.

Lừng danh nhờ vai khỉ

Không phải lúc nào khỉ cũng đóng được phim nên nghệ thuật thứ bảy, với tài biến hóa của mình, cũng phải nhờ người đóng thay. Tài tử Anh Peter Elliott đã đóng vai khỉ trong phim “Greystoke: The legend of Tarzan”, “Lord of the apes (1984)”. Sau đó, ông không nề hà làm khỉ trong các phim “Gorrillas in the mist” hay “Congo” và “Buddy”.

Trong khi đó, đóng vai khỉ con chắc không ai hợp hơn nam diễn viên người lùn Verne Troyer trong phim “Instinct” (1999). Một nam diễn viên lùn khác là Pat Walshe, chỉ cao gần 1 m, được mời đóng vai Nikko, lãnh tụ của băng đảng phù thủy ác xứ Wicht – gồm những con khỉ biết bay, trong “The wizard of Oz (1939)”. Sau phim này, ông diễn trên sân khấu nhiều hơn.

Với nhiều khán giả Việt Nam, những diễn viên hay phim khỉ nêu trên có thể còn xa lạ nhưng khi nhắc tới Tôn Ngộ Không thì chắc không ai không biết Lục Tiểu Linh Đồng. Ai bảo đóng vai khỉ không vinh quang?

Theo Lê Văn nghĩa/ www.nld.com.vn



Bài viết cùng chuyên mục