Giới khoa học đang chia rẽ về việc tại sao virus corona mới (nCoV) xuất hiện ở Trung Quốc lây cho đàn ông nhiều hơn phụ nữ, một hiện tượng giống như virus SARS cách đây nhiều năm.
Tính đến sáng ngày 11-2, thế giới có hơn 43.000 ca nhiễm nCoV, phần lớn hơn 1.000 người tử vong đều ở Trung Quốc đại lục.
Theo báo Business Insider, một nghiên cứu mới trên gần 140 bệnh nhân ở Bệnh viện Đại học Y Vũ Hán cho thấy một bức tranh rõ ràng hơn về cách thức loại virus corona mới tấn công con người.
Theo đó, các nhà nghiên cứu phát hiện nCoV ảnh hưởng nặng trên đàn ông lớn tuổi có sẵn các vấn đề về sức khoẻ (bệnh nền). Hơn 54% bệnh nhân trong nghiên cứu là đàn ông, tuổi trung bình là 56.
Các nghiên cứu khác gần đây cũng cho ra kết quả tương tự. Thống kê trên 99 bệnh nhân ở Bệnh viện Jinyintan Vũ Hán ghi nhận tuổi trung bình là 55,5, đàn ông chiếm khoảng 68%.
Một nghiên cứu thứ 3 trên gần 1.100 bệnh nhân nCoV (vẫn đang chờ đánh giá) tính ra tuổi trung bình là 47, đàn ông chiếm khoảng 58% tổng số ca bệnh.
Các dữ liệu nói trên khiến một số nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng đàn ông có những đặc điểm sinh học nào đó khiến họ dễ bị virus corona tấn công, dù điều này chưa được chứng minh rõ ràng.
Có một sự trùng hợp là SARS, loại virus corona có bộ gen giống 80% với nCoV, cũng lây nhiễm ở đàn ông nhiều hơn phụ nữ trong trận dịch hồi năm 2002-2003.
Năm 2017, các nhà nghiên cứu của Đại học Iowa (Mỹ) tìm hiểu bằng cách cho virus SARS lây nhiễm ở chuột đực và cái. Nghiên cứu trên chuột không hẳn đúng ở người, nhưng họ cũng nhận thấy chuột đực dễ bị nhiễm virus hơn chuột cái.
Nhóm nghiên cứu phỏng đoán nhiễm sắc thể X và các hormone như estrogen đã góp phần ngăn virus bám trụ trong cơ thể phụ nữ,
Các bác sĩ của Bệnh viện Jinyintan Vũ Hán cũng đưa ra lời giải thích tương tự cho hiện tượng nam dễ bị dính virus corona hơn nữ.
Mặt khác, họ quan sát thấy nhiều bệnh nhân phát triệu chứng nặng đã mắc sẵn các bệnh như tim mạch, tiểu đường… mà những bệnh này xuất hiện nhiều hơn ở đàn ông trung niên so với phụ nữ trung niên.
Ông Aaron Milstone, nhà dịch tễ học ở Đại học Johns Hopkins (Mỹ), nhận định rằng yếu tố giới tính trong nguy cơ nhiễm virus corona là không rõ ràng. “Khi xuất hiện một loại virus mới, tất cả dân số đều mang nguy cơ như nhau”, ông nói.
Ủng hộ quan điểm này, nghiên cứu của Đại học Vũ Hán ghi nhận tỉ lệ bệnh nhân nam/nữ trong đơn vị chăm sóc đặc biệt của bệnh viện là gần như nhau, cho thấy triệu chứng của đàn ông không nhất thiết nặng hơn phụ nữ (dù thực tế có thể thay đổi khi dịch vẫn đang tiến triển).
Chuyên gia Milstone nhìn nhận rằng dữ liệu về dịch nCoV còn rất giới hạn tính đến thời điểm này.
“Con số thống kê có thể không đầy đủ vì năng lực xét nghiệm còn yếu, cho đến giờ vẫn chưa có phương pháp xét nghiệm quy mô thương mại được áp dụng. Chúng ta chưa hiểu hết chuyện gì đang xảy ra”, ông đánh giá.