Khoa học công nghệ là con dao hai lưỡi. Những công nghệ, ứng dụng mới hỗ trợ đắc lực cho hoạt động báo chí nhưng đồng thời gây ra những vấn đề nghiêm trọng trong lĩnh vực truyền thông.
Công nghệ thúc đẩy sự phát triển của báo chí hiện đại
Sự phát triển của công nghệ qua các thời kỳ đã tác động vô cùng mạnh mẽ tới hoạt động truyền thông, báo chí. Trong đó có những tác động cực kỳ tích cực không thể phủ nhận.
Trong đó, một ảnh hưởng tích cực dễ thấy nhất là sự đa dạng hóa các hình thức thể hiện và truyền tải thông tin dựa trên những nền tảng khoa học – kỹ thuật mới.
Live stream đang là xu thế mới của ngành truyền thông.
Nếu báo chí hơn 10 năm trước đây được biết đến chủ yếu là những bản in trên giấy thì ngày nay, độc giả có rất nhiều lựa chọn khác nhau từ báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, infographic… Và mạng xã hội cũng nghiễm nhiên trở thành kênh thông tin quan trọng, không thể thiếu với người đọc.
Theo thống kê, số lượng việc làm trong lĩnh vực báo điện tử ở Mỹ đã tăng từ 67.000 trong năm 2007 lên 206.000 trong năm 2016. Đây cũng là xu thế chung ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Các hình thức đa dạng kể trên cho phép người làm báo không bị gò bó trong việc thể hiện nội dung tin tức như trước kia mà có thể thoải mái lựa chọn, sáng tạo các hình thức phù hợp với nội dung cần truyền tải.
Sự phát triển của ngành truyền hình, báo điện tử cũng như sự xuất hiện ngày càng phổ biến của các hình thức thể hiện thông tin mới như infographic hay live stream trực tiếp là một minh chứng rõ ràng cho tác động của công nghệ đến ngành truyền thông, báo chí.
Một hoạt động khác được hỗ trợ bởi công nghệ là việc tiếp cận thông tin của những người làm báo. Các hình ảnh, video có thể chia sẻ dễ dàng qua mạng giúp cho người làm báo nhanh chóng tiếp cận và nắm được thông tin từ xa.
Ngoài ra, dù độ chính xác của thông tin vẫn cần được xác thực nhưng những thông tin được chia sẻ trên các diễn đàn, các mạng xã hội cũng là một trong những nguồn tin quan trọng của báo chí hiện đại. Thực tế, không ít các sự việc gây chấn động dư luận đã được phanh phui nhờ vào nguồn tin này.
Một tác động nữa không thể không nói đến chính là việc công nghệ đã thay đổi hoàn toàn sự tương tác giữa báo chí và người xem. Trước đây tương tác này cơ bản chỉ là một chiều nhưng hiện nay, sự phản hồi, đánh giá của người được xem là một yếu tố sống còn của các tổ chức báo chí.
Việc người xem thoải mái thể hiện ý kiến đánh giá về sản phẩm báo chí, truyền thông tạo ra áp lực tự hoàn thiện, đổi mới lên các tổ chức truyền thông. Điều đó tạo ra động lực thúc đẩy các sản phẩm báo chí ngày càng nhanh, cụ thể và hấp dẫn hơn.
Những thử thách của ngành báo chí trong thời kỳ mới
Tuy nhiên, khoa học công nghệ cũng bị xem là “con dao hai lưỡi” vứi truyền thông, báo chí. Những công nghệ, ứng dụng mới hỗ trợ đắc lực cho hoạt động báo chí nhưng đồng thời gây ra những vấn đề nghiêm trọng trong lĩnh vực truyền thông.
Cùng với sự phát triển không ngừng của những loại hình báo chí mới, chúng ta cũng chứng kiến sự khủng hoảng trầm trọng trong ngành báo in truyền thống. Số liệu thống kê cho thấy, số nhân viên làm việc trong các tòa soạn báo in của Mỹ đã giảm từ 412.000 trong tháng 1/2001 xuống chỉ còn 174.000 người trong tháng 9/2016.
Sự phát triển của công nghệ đã kết thúc thời kỳ hoàng kim của báo in.
Nhận xét về điều này, ông Lê Quốc Cường – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM nhận định: “Những phương tiện mạnh mẽ cho phép nhiều người cùng làm báo, nhiều người cùng truyền thông và tạo ra sự cạnh tranh rất gay gắt. Do vậy, với sự phát triển của công nghệ, người làm báo cần nhanh nhẹn, thích ứng với thị trường và những thay đổi, những vấn đề của xã hội để đưa ra những thông tin kịp thời”
Trong bài viết trên Tạp chí Khoa học ĐH Quốc gia Hà Nội, tác giả Nguyễn Khắc Giang đã nhắc đến một trong những thách thức đáng ngại khác với ngành báo chí trong giai đoạn mới: Xu hướng “lá cải hóa” báo chí.
Xu hướng “lá cải hóa” thể hiện qua việc nhiều tờ báo lợi dụng việc đưa các tin tức giật gân, “cướp, giết, hiếp” để thu hút sự chú ý của độc giả. Cơ chế lan truyền thông tin dễ dàng dựa trên nền tảng công nghệ mới cùng với áp lực tăng lượng truy cập của các báo điện tử đã góp phần không nhỏ gia tăng xu hướng “lá cải hóa” trong môi trường báo chí.
Nóng lên từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua, vấn đề tin giả (fake news) nhanh chóng trở thành mối quan tâm hàng đầu không chỉ trong giới truyền thông mà còn của toàn xã hội.
Trong cơn bão thông tin hiện nay với hơn khoảng 2 triệu bài viết được xuất bản trên mạng mỗi ngày, phần lớn các độc giả khó có thời gian để kiểm tra lại các tin tức và do đó, nhiều người trở nên dễ dãi hơn trong việc tiếp nhận thông tin. Trong điều kiện như vậy, không có gì lạ khi tin giả liên tục xuất hiện và lan truyền với tốc độ chóng mặt.
Nói về cách thức hạn chế sự phát triển của vấn nạn tin giả, ông Lê Quốc Cường cho rằng: “Cái gì cũng có hai mặt. Internet cũng thế, tin tốt cũng có, tin xấu cũng có và quan trọng nhất là chúng ta khó xác thực được.
Để ngăn chặn, hạn chế mặt tiêu cực này đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bên. Nhà nước cũng phải tăng cường các biện pháp quản lý để hạn chế tin giả, tin thất thiệt. Người dân, người sử dụng cũng phải nâng cao ý thức của mình qua việc đánh giá, phân biệt tin giả, tin thất thiệt và cũng có văn hóa trên mạng để những ứng xử của chúng ta khi vào mạng phù hợp”.
Những tiến bộ công nghệ và sự vận động của xã hội đã làm ảnh hưởng cực kỳ sâu rộng đến các hoạt động báo chí nhưng có một điều không bao giờ thay đổi. Cung cấp đến người xem những thông tin chân thực nhất, đấu tranh với cái xấu để góp phần xây dựng một thế giới Chân – Thiện – Mỹ vẫn luôn là tôn chỉ tối cao của những người cầm bút chân chính.
Theo khám phá