Ngồi lặng thinh giữa một khu vườn nhỏ ở TP Mexico, Karla Jacinto ngắm nhìn những bông hoa và lắng nghe tiếng bước chân người qua lại. Giọng cô run run, ngập ngừng khi nói đến con số muốn mọi người ghi nhớ: 43.200.
Đó là số lần bị hãm hiếp mà Karla ước tính sau khi rơi vào tay những kẻ buôn người. 30 lần một ngày, bảy ngày một tuần và trong suốt bốn năm.
Câu chuyện của Karla cho thấy thực tế tàn nhẫn về nạn buôn người ở Mexico và Mỹ, một thế giới ngầm đã phá hủy cuộc sống của hàng vạn cô gái Mexico như cô.
Karla, nạn nhân được cứu thoát khỏi của nạn buôn người sau bốn năm địa ngục. Ảnh: CNN
Nạn buôn người đã trở thành một nghề béo bở, tràn lan không có biên giới, nối từ các thị trấn ở trung tâm Mexico tới những TP như Atlanta hay New York của Mỹ.
Giới chức hai nước đều chú tâm tới một thị trấn nằm ở miền Trung Mexico. Trong nhiều năm trời, thị trấn này là nguồn cung chính các đường dây buôn người và là nơi các nạn nhân được chuyển qua trước khi bị ép hành nghề mại dâm. Thị trấn này là Tenancingo.
Theo Susan Coppedge, biệt phái viên của Bộ Ngoại giao Mỹ tại Mexico về chống nạn buôn người, dù dân số chỉ khoảng 13.000 người nhưng Tenancingo lại nổi danh thế giới là mảnh đất của mại dâm.
“Đó là nghề của thị trấn này, là ngành công nghiệp của họ” – bà Coppedge nói -“Thế nhưng ở những vùng thôn dã, những cô gái trẻ không hề biết đến tai tiếng của thị trấn này, họ không hề nghi ngờ những người đàn ông đến từ đây. Họ cứ nghĩ rằng mình sẽ có một tương lai tươi sáng với kẻ đó. Họ nghĩ họ đang yêu nhưng thường những vụ dụ dỗ, lừa đảo đều diễn ra như vậy”.
Bị ngược đãi từ khi lên 5
Karla kể rằng cô bị lạm dụng từ rất sớm, từ lúc cô có thể ghi nhớ được và luôn cảm thấy bị mẹ mình chối bỏ. “Tôi có một gia đình không bình thường. Tôi bị một người thân lạm dụng tình dục và ngược đãi từ khi lên 5” – cô nhớ lại.
Năm 12 tuổi, Karla bị một kẻ buôn người dụ dỗ bằng lời lẽ ngon ngọt và một chiếc xe hơi sang trọng. Cô kể: khi cô đang chờ bạn bè gần một trạm tàu điện ngầm ở TP Mexico thì một cậu bé bán kẹo chạy tới và nói rằng ai đó gửi tặng cô một viên kẹo. Năm phút sau, một thanh niên tới bắt chuyện, tự giới thiệu với cô anh ta là một người kinh doanh xe hơi cũ.
Những lúng túng ban đầu ngay lập tức biến mất khi anh này chia sẻ rằng mình cũng từng bị lạm dụng khi còn bé. Anh ta tỏ ra rất tình cảm và lịch thiệp, cô kể. Họ trao đổi số điện thoại cho nhau. Karla thừa nhận cô cảm thấy thích thú khi anh ta gọi cho cô một tuần sau đó. Hắn mời cô đi cùng một chuyến tới Puebla và làm cô lóa mắt khi xuất hiện với một chiếc xe hơi thời thượng.
“Khi tôi nhìn thấy chiếc xe, tôi không thể tin vào mắt mình. Tôi rất ấn tượng với nó. Tôi cảm thấy rất thú vị. Hắn mời tôi lên xe đi khắp nơi” – Karla kể lại. Không mất nhiều thời gian để anh chàng 22 tuổi thuyết phục Karla bỏ nhà đi theo mình, đặc biệt sau khi mẹ cô không cho cô vào nhà trong một đêm về muộn. “Ngay hôm sau tôi bỏ đi cùng hắn. Trong suốt ba tháng sống cùng nhau, hắn đối xử với tôi rất tốt. Hắn yêu tôi, quan tâm tới tôi , mua quần áo, giày, hoa, chocolate, mọi thứ đều tuyệt vời” – Karla kể.
Tuy vậy, anh ta cũng có nhiều dấu hiệu bất thường.Theo lời Karla, bạn trai có lúc bỏ cô một mình cả tuần ở căn hộ. Người anh họ của hắn luôn xuất hiện cùng một cô gái mới vào mỗi tuần. Cuối cùng, khi Karla có đủ can đảm để hỏi công việc của họ là gì, hắn nói với cô sự thật rằng cả hai đều là những kẻ môi giới mại dâm. “Vài ngày sau, hắn bắt đầu nói cho tôi những việc phải làm, các vị trí, tôi phải đòi bao nhiêu tiền, những gì tôi cần làm với khách hàng và trong bao lâu, tôi phải đối xử với họ ra sao, nói chuyện thế nào để họ cho tiền” – cô kể.
Bốn năm địa ngục
Đó là khởi đầu cho bốn năm địa ngục. Trong lần đầu tiên bị ép buộc làm gái mại dâm, Karla bị đưa đến Guadalajara, một trong những thành phố lớn nhất Mexico. “Tôi bắt đầu “làm việc” lúc 10 giờ sáng và kết thúc vào nửa đêm. Chúng tôi ở Guadalajara trong một tuần. 20 lần mỗi ngày trong suốt một tuần. Thử tính mà xem. Một vài gã còn cười nhạo vì tôi khóc. Tôi đã nhắm mắt để không phải nhìn thấy những gì họ đang làm với mình, để không cảm thấy gì” – cô kể.
Tiếp đó là những thành phố khác. Karla bị đưa đến nhà thổ, nhà nghỉ, những con phố nổi tiếng về mại dâm và thậm chí cả nhà riêng. Không có ngày nghỉ hay ngày lễ. Sau vài ngày đầu tiên, cô phải tiếp ít nhất 30 khách mại dâm mỗi ngày, bảyngày một tuần. Karla cũng kể rằng cô cũng bị những kẻ buôn người tấn công sau khi được khách hàng tặng cô một món đồ.
“Hắn ta đánh tôi bầm dập. Hắn đấm, đá tôi, giật tóc, nhổ nước bọt vào mặt tôi và gí sắt nung vào người tôi. Tôi nói muốn rời khỏi đây và hắn buộc tội tôi đã yêu một vị khách. Hắn nói rằng tôi chỉ là con điếm” – cô kể. Một ngày, khi Karla đang làm việc tại một khách sạn nổi tiếng về mại dâm thì cảnh sát ập đến. Họ đuổi tất cả khách ra ngoài và đóng cửa khách sạn. Cô nghĩ đó là một ngày may mắn bởi đó là một chiến dịch giải cứu của cảnh sát.
Sự hy vọng của cô nhanh chóng chuyển thành nỗi sợ hãi khi khoảng 30 viên sĩ quan đưa các cô gái vào một vài phòng và bắt đầu ghi hình họ ở những chỗ nhạy cảm. Các cô gái bị đe dọa rằng nếu không nghe lời, những đoạn video sẽ được gửi về gia đình. “Bọn họ thật kinh tởm. Họ biết chúng tôi là trẻ vị thành niên. Chúng tôi thậm chí chưa phát triển hết. Có những cô bé mới 10 tuổi. Họ nói với cảnh sát rằng họ chưa thành niên nhưng không ai quan tâm” – Karla kể lại. Cô chỉ mới 13 tuổi vào thời điểm đó.
Karla mang thai. Trong thế giới địa ngục ấy, việc mang thai không đem lại niềm vui mà là một nỗi kinh hoàng. Karla hạ sinh một bé gái khi mới 15 tuổi. Tên dắt gái sẵn sàng sử dụng đứa bé để uy hiếp cô. Nếu cô không đáp ứng những gì hắn muốn, đứa trẻ sẽ bị làm hại hoặc bị giết. Hắn cướp đứa bé khi mới được một tháng tuổi. Karla không được gặp con mình cho đến hơn một năm sau.
Karla cuối cùng được giải cứu vào năm 2008 trong một chiến dịch chống mại dâm ở TP Mexico. Cô đã trải qua bốn năm dài sống trong dày vò và tủi nhục. Khi tất cả chấm dứt, Karla vẫn còn là một cô bé chưa thành niên, mới 16 tuổi nhưng cuộc sống kinh hoàng trong quá khứ sẽ ám ảnh cô suốt đời.
Nhìn vào sự thật
Karla giờ đây 23 tuổi. Cô chống lại nạn buôn người bằng cách kể lại câu chuyện của mình ở những hội nghị hay sự kiện công cộng. Cô thậm chí đã kể chuyện của mình cho Giáo hoàng Francis tại Vatican hồi tháng 7. Hồi tháng 5, cô cũng phát biểu trước Quốc hội Mỹ.
Lời khai của Karla được dùng làm bằng chứng hỗ trợ cho Luật về quyền con người 515 hay đạo luật Megan, trong đó chính phủ Mỹ có trách nhiệm chia sẻ thông tin liên quan tới các tội phạm lạm dụng tình dục trẻ em muốn trốn ra nước ngoài. Karla muốn truyền đi thông điệp rằng nạn buôn người, cưỡng ép bán dâm vẫn đang tiếp diễn và là một vấn đề ngày càng nghiêm trọng trên thế giới.
“Những đứa trẻ đang bị bắt cóc, dụ dỗ và bị kéo ra khỏi gia đình. Đừng chỉ nghe tôi. Bạn cần phải hiểu những gì đã xảy ra với tôi, hãy nhìn vào sự thật” – Karla nói. Theo cô, nếu không có hành động nào, rất nhiều cô gái sẽ bị đẩy vào tình cảnh bị buôn bán, hãm hiếp nhiều năm như cô từng phải trải qua.
Theo khám phá