Nằm nép mình ở đầu nguồn sông Thu Bồn, làng Trung Phước, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn (Quảng Nam) từ lâu được biết đến là làng tỷ phú trầm hương mỹ nghệ nức tiếng…
Những sáng tạo từ cây dó trầm
Đi khắp làng nghề trầm hương Trung Phước, nơi nào cũng thoang thoảng hương thơm lan tỏa từ dó trầm. Hàng mỹ nghệ dó trầm Trung Phước khá phong phú, đa dạng. Các sản phẩm luôn mang phong cách riêng, không trùng lặp bất kỳ làng nghề nào.
Bằng tài năng và bàn tay khéo léo, những người thợ nghề trầm mỹ nghệ Quảng Nam đã tạo nên những sản phẩm độc đáo. Ảnh: Đ.N
Ông Nguyễn Văn Hòa – Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết, để tạo chỗ đứng bền vững cho sản phẩm trầm hương Trung Phước, huyện Nông Sơn đang đầu tư nhiều biện pháp xây dựng thương hiệu làng nghề và xem đây là mục tiêu quan trọng tạo cú hích cho sự phát triển kinh tế địa phương. |
Anh Trần Như – một nghệ nhân có nhiều kinh nghiệm ở làng trầm hương Trung Phước chia sẻ: “Từ những cây dó bầu, chúng tôi đã chế tác thành những cây trầm cảnh độc đáo. Để có những sản phẩm chất lượng, bán được giá cao, mỗi tác phẩm đều phải tốn rất nhiều công sức đục, đẽo, chỉnh sửa cầu kỳ cho đến dán ghép thành tác phẩm ưng ý”.
Chị Lê Thị Nhung – chủ một cơ sở trầm hương mỹ nghệ quy mô lớn ở Trung Phước cho biết, để tạo ra một sản phẩm từ cây dó trầm không hề đơn giản. Ngoài thời gian sinh trưởng của cây khá dài, còn phải đợi tạo trầm cho cây dó. Khi cây dó đã được tạo trầm thành công, người ta chặt cây mang về xưởng, sau đó phải mất rất nhiều thời gian, công sức, sự kiên trì và tỉ mỉ để tạo ra một sản phẩm trầm hương mỹ thuật độc đáo. Vì vậy, những người làm nghề đều phải có sự đam mê, lòng kiên trì…, bù lại nghề này cho thu nhập khá cao.
Để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, trầm hương mỹ nghệ Trung Phước cũng có những sản phẩm đơn giản, chỉ cần làm vài tiếng đồng hồ là xong như: Chuỗi hạt, vòng đeo tay, đeo cổ… Những sản phẩm công phu, mang tính thẩm mỹ cao như tượng, tranh treo tường thì phải có 2 -3 thợ lành nghề làm cật lực cả tháng trời mới thành.
Thu nhập tiền tỷ
Nghề trầm mỹ nghệ ở Trung Phước đã có từ 20 năm trước, tuy nhiên phát triển mạnh nhất là từ năm 2010 đến nay. Những năm 2011 – 2013, làng trầm đặc biệt thịnh vượng, nhiều hộ dân ở Trung Phước còn xuất bán sản phẩm sang cả Trung Quốc, Nhật Bản,… Từ một vài hộ ban đầu, nay làng nghề đã phát triển lên đến hàng trăm hộ và cơ sở lớn nhỏ.
Người thợ nghề trầm mỹ nghệ Quảng Nam đã tạo nên những sản phẩm độc đáo. Ảnh: Đ.N
Theo chị Nhung, những năm trước, cơ sở của chị và các cơ sở, doanh nghiệp khác ở đây có doanh số bán hàng lên đến vài chục tỷ đồng, lợi nhuận vài tỷ đồng/năm là chuyện bình thường. Hiện nay, mặc dù việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn hơn trước, song mấy chục lao động của cơ sở chị vẫn sống được với nghề với thu nhập từ 6 – 7 triệu đồng/người/tháng.
Theo ông Nguyễn Văn Hòa – Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn, nghề trầm hương mỹ nghệ ở địa phương đã giúp cho nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo và làm giàu; những hộ này đã tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động ở địa phương. Ngoài việc đầu tư xây dựng nhà cửa khang trang, ở Quế Trung đã có hơn chục doanh nghiệp trẻ ra đời. Nhiều đại gia phất lên cũng nhờ trầm mỹ nghệ như anh Trương Thanh Hiền, anh Lê Thành Chính, anh Nguyễn Trường Bộ…
“Mặc dù đầu ra sản phẩm đang gặp một số khó khăn, giờ chủ yếu tiêu thụ trong nước, nhưng nghề làm trầm mỹ nghệ ở Quế Trung, đặc biệt là ở làng Trung Phước vẫn không hề giảm với gần 180 cơ sở và hộ gia đình làm nghề, giải quyết việc làm cho gần 500 lao động, với mức thu nhập từ 5 – 6 triệu đồng/người/tháng” – ông Hòa cho biết.
Theo Dân Việt