MC Kỳ Vọng của bản tin “Chào buổi sáng” chia sẻ lý do thực sự khiến hàng loạt BTV rời khỏi VTV thời gian gần đây.
Trong một khoảng thời gian ngắn, hàng loạt BTV, MC kỳ cựu tại VTV như BTV Diệp Anh, Vân Anh quyết định nghỉ việc tại VTV khiến khán giả không khỏi bất ngờ và tò mò về nguyên nhân phía sau.
Phóng viên đã gặp BTV Kỳ Vọng, người đã gắn bó với chương trình Chào buổi sáng của VTV1 trong suốt hơn 10 năm để nghe anh trải lòng về nguyên nhân khiến anh và những người đồng nghiệp quyết định từ bỏ công việc tại VTV.
BTV Kỳ Vọng
Nghỉ việc không chỉ vì áp lực
– Cơ duyên nào đưa anh đến với nghiệp truyền hình?
Đầu tiên, tôi tham gia casting một show ngắn trong chương trình Văn nghệ chủ nhật của VTV3. Sau đó, tôi được đạo diễn Khải Hưng và đạo diễn Đỗ Thanh Hải lựa chọn và nhận làm cộng tác viên. Sau hơn một năm, khi Đài tổ chức thi công chức, tôi đăng ký và may mắn trở thành một trong số 15 thí sinh trúng tuyển.
Thời điểm đó người đăng ký dự tuyển rất đông. Có đến hàng ngàn thí sinh tham gia. Các anh chị đi trước khuyên tôi không nên thi vì cho rằng rất ít cơ hội. Nếu thi trượt chưa chắc đã được giữ lại làm cộng tác viên, nhưng tôi nghĩ việc ứng tuyển là cơ hội công bằng với tất cả mọi người nên vẫn quyết định nộp hồ sơ. Sau đó tôi trúng tuyển trước sự ngỡ ngàng của nhiều người vì thực tế có những người làm cộng tác viên gần 10 năm, thi cùng đợt với tôi nhưng vẫn trượt.
Sau đợt tôi thi, chỉ có đúng một đợt thi tuyển mở rộng nữa rồi Đài giao quyền tuyển dụng nhân sự độc lập cho các đơn vị chuyên môn nên việc thi tuyển không rầm rộ như trước, thành ra cơ hội cho các bạn sinh viên mới ra trường đến với VTV không nhiều.
– Bén duyên với VTV từ “Văn nghệ chủ nhật” nhưng khi được tuyển dụng chính thức, anh lại gắn bó với chương trình “Chào buổi sáng”, thuộc Ban thời sự trong suốt nhiều năm. Anh có thể chia sẻ về đặc thù công việc của mình?
Công việc vất vả, thời gian làm việc của chúng tôi là “ngủ ngày, cày đêm”. Về mặt nguyên tắc, cứ 4 giờ chiều, chúng tôi có mặt tại cơ quan. Kịch bản phải hoàn tất trong đêm, 7 giờ sáng hôm sau mới được nghỉ. Nhưng sau đó, chúng tôi còn phải tham gia các cuộc họp và những phần việc chuyên môn khác nên mất nguyên một buổi sáng.
Nếu làm việc liên tiếp trong 2 ngày liền gần như chúng tôi chỉ được nghỉ một quãng thời gian ngắn vào buổi trưa. Trong khi điều kiện ăn, nghỉ ở cơ quan còn nhiều hạn chế nên đa phần anh em tiện đâu ngủ đấy, có khi ngủ gục trên bàn làm việc hoặc nằm ngủ dưới sàn nhà. Nam giới còn dễ khắc phục, nhưng với các PV, BTV nữ rất vất vả.
Xét riêng phòng Chào buổi sáng, nhân lực chỉ vỏn vẹn hơn 20 người, nhưng chúng tôi phải làm bản tin 365 ngày/năm, không nghỉ ngày nào. Hơn nữa, đó lại là bản tin được phát sóng sớm nhất, có thời lượng dài nhất trong khung các chương trình Thời sự, kéo dài 1 tiếng rưỡi, từ 5h30 đến 7h.
Chưa kể đến các ngày Lễ, Tết chúng tôi phải chuẩn bị cho chương trình đặc biệt nhưng vẫn phải hoàn thành tốt bản tin đều đặn hàng ngày.
– Gần đây, có một số nữ BTV kỳ cựu quyết định từ bỏ công việc tại VTV sau nhiều năm gắn bó. Liệu có phải vì công việc áp lực quá chăng?
Cách thức quản lý, tổ chức tại VTV thời gian gần đây có nhiều xáo trộn nên nhiều anh, chị đồng nghiệp rất giỏi nhưng vẫn quyết định ra đi.
Thực ra, nếu do áp lực mọi người đã không lựa chọn công việc ở Đài Truyền hình chứ không phải chờ đến thời điểm hiện tại mới đưa ra quyết định. Ở góc độ nhãn quan của những người làm báo, việc những gương mặt kỳ cựu quyết định nghỉ và chuyển đi trong một thời gian ngắn, chắc chắn phải có những lý do mà mọi người đều khó nói ra trước công luận.
Vì trên thực tế, bất cứ ai gắn với công việc này, đều rất tâm huyết. Rất nhiều người không bị áp lực về thu nhập nhưng vẫn say sưa cống hiến.
Tôi chỉ có thể nói rằng cách thức quản lý, tổ chức tại VTV thời gian gần đây có nhiều xáo trộn. Nên nhiều anh, chị đồng nghiệp rất giỏi nhưng vẫn quyết định ra đi. Tôi cảm thấy rất tiếc.
– Cũng chính vì những nguyên nhân đó nên anh quyết định từ bỏ công việc tại VTV?
Một phần là như vậy! Có những thời điểm công việc quá nhiều áp lực, tôi và nhiều đồng nghiệp như bị rơi vào vùng trũng tâm lý. Nhưng những người lãnh đạo trực tiếp không nắm bắt được tâm tư nên mọi người nảy sinh tâm lý chán nản.
Mà bạn biết đấy, nếu chán nản trong công việc bạn sẽ không thể làm tốt công việc của mình. Cộng với sự căng thẳng kéo dài do áp lực khác ở cơ quan nên nhiều người đã lựa chọn con đường mới.
– Vậy về vấn đề tài chính có phải là một trong số các lý do khiến anh và nhiều BTV khác chuyển công tác?
Bạn đề cập đến vấn đề này, với cá nhân tôi không phủ nhận, nhưng điều đó có thể không đúng với người khác. Như tôi đã chia sẻ, có những người làm việc không hề vì áp lực thu nhập nhưng cuối cùng vẫn quyết định rẽ sang hướng khác.
Vì thực ra ở VTV trước đây, thu nhập thuộc diện khá so với các cơ quan báo chí khác. Nhưng hiện giờ, không còn được như vậy nữa. Nói chẳng ai tin nhưng có những phóng viên kỳ cựu làm ở Thời sự VTV, thu nhập không nổi 10 triệu/tháng.
– Đã khi nào anh cảm thấy tiếc vì dù sao VTV cũng là nơi anh cống hiến, trưởng thành trong suốt quãng thời gian tuổi trẻ của mình?
Nếu nói tiếc tôi chỉ tiếc cho những anh chị PV, BTV có lượng khán giả lớn hơn mình, giỏi nghề hơn mình, có bề dày công tác vững vàng hơn mình nhưng vẫn quyết định rời khỏi vị trí mà nhiều bạn trẻ ao ước.
Tôi cảm thấy tiếc cho họ hơn là tiếc cho bản thân mình. Bởi hiện tại tôi vẫn còn có thể cống hiến và tiếp tục làm việc tại Đài truyền hình khác. Đó là Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC.
Có nhiều trường hợp rẽ sang hướng đi hoàn toàn khác, làm những công việc không còn liên quan chút xíu nào đến công việc mình đã gắn bó hàng chục năm. Như vậy mới đáng tiếc!
Hôn nhân lận đận chỉ vì… nghề
– Nhiều người nói rằng làm truyền hình không có thời gian để yêu. Tư duy này có đúng không ?
Cá nhân tôi nghĩ rằng, yêu hay không yêu đều do bản thân mình, chứ không phải do áp lực công việc. Nếu yêu những người không hiểu về nghề báo, họ sẽ thường xuyên nghi ngờ. Bởi mình suốt ngày đi công tác, giờ giấc làm việc lại thất thường.
Những người bạn của tôi chưa bao giờ dám đặt niềm tin trong hôn nhân với những người làm truyền hình. Ngay cả phụ huynh của họ cũng vậy. Họ có những cái nhìn thiếu khách quan về công việc của chúng tôi.
Nhiều người khuyên tôi nên yêu đồng nghiệp. Nhưng với ngay cả bạn, cũng đang là đồng nghiệp với tôi nhưng đề cập hôn nhân với một người cùng nghề, chưa chắc bạn đã ủng hộ, đúng không?
– Áp lực công việc lớn, chuyện hôn nhân lại chưa ổn định, anh có từng cảm thấy cô đơn?
Không! Tôi có khá nhiều bạn bè, lại là người náo động nên ngoài thời gian dành cho công việc chuyên môn khoảng thời gian tôi dành cho bạn bè cũng không ít. Chính vì vậy, khi về nhà, tôi chỉ muốn ngủ. Ít thời gian trầm lắng để cảm thấy mình cô đơn lắm!
Nếu cô đơn có chăng là lúc tôi thấy thực sự cô đơn trong công việc vì có những khi rõ ràng tôi không sai nhưng nếu chỉ cần lãnh đạo nói là tôi sai thì không ai dám đứng về phía tôi. Có lẽ là mọi người sợ liên lụy!
– Vậy ở môi trường mới anh thấy thế nào?
Tôi thấy tiếc, tại sao mình không gia nhập ngôi nhà mới này sớm hơn!
Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện!
(Theo VTC)