Chưa năm nào xuất hiện 16 cơn bão, hồ Hòa Bình phải xả tấp cập 8 cửa đáy, lũ lịch sử ở Ninh Bình, Thanh Hóa.
Thiên tai bất thường, trái quy luật
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai năm 2017, thiên tai liên tục xảy ra và gây thiệt hại trên khắp cả nước, điển hình như 16 cơn bão và 6 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) xuất hiện, hình thành trên biển Đông. Trong đó có 05 cơn bão (số 2, 4, 10, 12, 14) và 3 cơn ATNĐ đổ bộ trực tiếp vào nước ta. Đặc biệt hai cơn bão số 10 và số 12 đã ảnh hưởng vào khu vực Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ, đây là những cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào khu vực trong vòng nhiều năm qua và đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người, sản xuất và cơ sở hạ tầng trong khu vực và để lại hậu quả rất nặng nề.
Bên cạnh đó, các đợt mưa lớn kéo dài liên tục từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 10/2017 với tổng lượng vượt từ 10-30% so với trung bình nhiều năm.
Mưa lớn trái mùa giữa tháng 10 làm lưu lượng về các hồ tăng cao đột ngột (có thời điểm về hồ Hòa Bình đến 15.940m3/s) trong khi các hồ chứa đã tích đầy nước theo quy trình, lần đầu tiên hồ Hòa Bình đã phải xả cấp tập 08 cửa đáy với lưu lượng xả lớn nhất là 16.520m3/s.
Ngoài ra, mưa lớn đã gây một đợt lũ ở mức lịch sử tại một số sông thuộc các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa làm ngập lụt trên diện rộng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn hệ thống đê điều trong khu vực.
Lũ đặc biệt lớn xấp xỉ mức lịch sử vào đầu tháng 11/2017 sau bão số 12 tại các tỉnh miền Trung, gây ngập sâu tại thành phố Huế và thị xã Hội An đúng vào tuần lễ Hội nghị cấp cao APEC đã ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động bên lề hội nghị.
Lũ quét, sạt lở đất trên diện rộng tại các tỉnh miền núi từ ngày 02-04/8/2017 và từ ngày 10-12/10/2017, trong đó đặc biệt nghiêm trọng tại Mường La (tỉnh Sơn La), Mù Căng Chải (tỉnh Yên Bái) và các huyện Tân Lạc, Đà Bắc, TP Hoà Bình (tỉnh Hòa Bình),…
Mặc dù thiên tai khắc nghiệt nhưng công tác phòng, chống thiên tai được triển khai quyết liệt, đồng bộ các cấp, các ngành với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị cùng sự hỗ trợ giúp đỡ của bạn bè quốc tế nên đã đạt được những kết quả tích cực, giảm thiểu đến mức thấp thiệt hại. Công tác dự báo, cảnh báo từng bước được cải thiện.
Thiệt hại 60.000 tỷ đồng
Ông Trần Quang Hoài, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết: Từ đầu năm 2017 đến nay, thiên tai đã làm 386 người chết và mất tích, 654 người bị thương; hơn 8.126 nhà bị sập đổ, cuốn trôi, hơn 561.696 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái; 352.943 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; hơn 2,65 triệu gia cầm, gia súc bị chết, nhiều vị trí đê điều bị sự cố phải xử lý khẩn cấp, nhiều km kênh mương và đường giao thông bị sạt trượt. Tổng thiệt hại ước tính trên 60.000 tỷ đồng (tương đương trên 2,65 tỷ USD).
Theo ông Hoài, nguyên nhân một phần do tình hình thiên tai ngày càng lớn cả về cường độ, số lần xuất hiện và trái quy luật; khó dự báo, cảnh báo, nhiều tình huống bất ngờ, vượt quá năng lực chống chịu.
Năng lực của cơ quan làm công tác phòng chống thiên tai các cấp còn rất hạn chế từ con người cho tới trang thiết bị, công cụ hỗ trợ,… nên chưa đủ năng lực cũng như chuyên tâm theo dõi, giám sát, cảnh báo và tham mưu kịp thời.
Mặt khác, do thiếu hiểu biết của lực lượng chuyên môn về nhận dạng thiên tai và giải pháp xử lý; thiếu hiểu biết, kỹ năng phòng chống thiên tai của nhiều bộ phận dân cư, doanh nghiệp như làm nhà tại khu vực trong lòng, sát bờ sông, suối, chân, sườn núi; khi xuất hiện thiên tai nhưng không phòng, tránh kịp thời…
Bên cạnh đó, khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, công trình phòng, chống thiên tai còn hạn chế. Hệ thống cảnh báo, thông tin, truyền thông tới cộng đồng, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa còn hết sức khó khăn do địa hình chia cắt, dân cư phân tán.Thiếu nguồn lực để thực hiện công tác di dân vùng thiên tai…