Năm 2020 có thể ghi nhận các đợt nắng nóng chưa từng thấy và kéo dài chuỗi năm có nền nhiệt tăng trên thế giới.
Tháng 4/2020, tại một thị trấn ở Bắc Cực là Qaanaaq (thuộc đảo Greenland), cơ quan khí tượng đo được nhiệt độ cao nhất nơi này đã lên ngưỡng 6 độ C. Trước đó, vào tháng 1, nhiều nơi ở Bắc Cực thậm chí không có tuyết.
Trong quý I/2020, nền nhiệt ở khu vực Đông Âu và châu Á cao hơn 3,1 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Nhiều nơi ở Mỹ cũng ghi nhận mức nhiệt cao chưa từng có.
“2020 có thể là năm nóng nhất trong lịch sử mà ngành khí tượng từng ghi nhận. Mặc dù virus corona tạm thời khiến bầu trời trong lành hơn, nó không thể làm nền nhiệt dịu đi”, tờ The Guardian dẫn lời các nhà khoa học.
Nóng lên toàn cầu
Theo The Guardian, nhiều nhà khoa học trên thế giới đã vô cùng ngạc nhiên khi chứng kiến những kỷ lục về nhiệt độ liên tục bị phá vỡ kể từ đầu năm 2020, mặc dù không hề có sự tác động của El Nino.
Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết kỷ lục về nền nhiệt đang được ghi nhận vào năm 2016, khi nhiệt độ tăng vọt vào đầu năm do hiện tượng El Nino dữ dội khác thường và đã giảm xuống ngay sau đó.
Hiện, cơ quan này nhận định có đến 75% khả năng 2020 sẽ là năm nắng nóng lịch sử, chưa từng có trên toàn cầu.
Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), màu đỏ càng đậm chứng tỏ nước biển ở khu vực đó càng nóng. Ảnh: NOAA.
Cùng lúc, Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh (Met Office) nhận định 2020 là một trong những năm nóng kỷ lục, với nhiệt độ toàn cầu có thể tăng 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Điều này sẽ kéo dài số năm ấm nhất liên tiếp thêm ít nhất 1 năm nữa, kèm theo đó là tính bất ổn định cao của khí quyển trên toàn khu vực.
Theo Karsten Haustein, một chuyên gia về ngành Khí tượng của Đại học Oxford, mặc dù đại dịch do virus corona gây ra đã góp phần gián tiếp làm giảm lượng khí thải mới, việc tích tụ khí nhà kính trong khí quyển vẫn là một mối lo ngại lớn.
“Cuộc khủng hoảng về biến đổi khí hậu chưa có dấu hiệu suy giảm. Trong năm nay, mức độ về khí thải sẽ giảm nhưng nồng độ vẫn tiếp tục tăng”, Karsten Haustein nhận định với báo giới.
Vị chuyên gia cho biết chưa thể nhận thấy bất kỳ dấu hiệu gì của việc suy giảm hiệu ứng nhà kính. Nhưng hiện tại, ông cho rằng mọi người có cơ hội để xem xét lại các lựa chọn và tận dụng cuộc khủng hoảng do virus corona gây ra để xây dựng lại hệ thống giao thông và sản xuất năng lượng bền vững hơn.
Hà Nội nóng 40 độ C
Tại Việt Nam, các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đang bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng đầu tiên trong năm 2020.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nắng nóng xuất hiện tại Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ từ ngày 5/5. Đợt nóng này diễn ra gay gắt với mức nhiệt cao nhất có thể lên ngưỡng 40 độ C.
Nền nhiệt tại Hà Nội trong các ngày nắng nóng cao điểm sắp tới. Ảnh: Mỹ Hà.
Trong nửa đầu tháng 5, nhiệt độ trung bình trên toàn quốc phổ biến cao hơn 1-1,5 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Riêng các tỉnh Tây Bắc Bộ và từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên – Huế, nền nhiệt cao hơn 1,5-2,5 độ C.
Tại Hà Nội, cơ quan khí tượng dự báo nắng nóng gay gắt bắt đầu từ ngày 6/5. Nền nhiệt cao nhất phổ biến trong khoảng 36-38 độ C. Trong các ngày 7-9/5, cường độ gay gắt liên tục gia tăng khiến khu vực có nắng nóng đặc biệt gay gắt. Mức nhiệt cao nhất có thể chạm ngưỡng 40 độ C.
Trạng thái này cũng sẽ duy trì trên toàn Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong những ngày tới. Nền nhiệt cao kéo theo độ ẩm trong không khí giảm, chỉ đạt 30-50%.
Do ảnh hưởng của nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió tây nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh, cơ quan khí tượng cảnh báo người dân cần đề phòng nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư.
Ngoài ra, các tỉnh Trung Bộ, vùng núi Bắc Bộ và Tây Nguyên cũng cần đề phòng nguy cơ cháy rừng. Nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.