Cần quán triệt rằng “Nerve” là phim ngôn tình, và rõ là bọn nhóc trong phim không chịu bỏ tiền ra rạp xem phim tình cảm mà thích bỏ tiền vào một kênh ảo để xem trực tiếp, thích quyết định nhân vật phải làm gì luôn. Ít kì vọng và so sánh, đảm bảo bạn sẽ không thất vọng.
Nerve là bộ phim tội phạm công nghệ khá lãng mạn được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Jeanne Ryan. Phim kể về một xã hội tương lai, nơi trò chơi “Truth or Dare” (Thật hay Thách) được phát triển lên thành một mạng xã hội thời thượng. Các bạn trẻ đăng kí để xem hay thi đấu cùng những Người Chơi liều lĩnh từ khắp nơi trên thế giới. Thử thánh được máy chủ Nerve đặt ra và tăng tiến sau mỗi vòng chơi. Nếu hoàn thành, bạn nhận một số tiền hậu hĩnh, thua cuộc bạn mất trắng và lỡ dại mà “mách lẻo” người lớn hay cảnh sát thì bạn tiêu tùng.
Nhân vật chính của Nerve là Vee (Emma Roberts), một cô gái trẻ nhút nhát, hơi “quê quê” hệt như các nữ chính khác của phim hay tiểu thuyết lãng mạn dành cho thiếu nữ. Vee yêu thầm cậu bạn trong đội tuyển thể thao của trường nhưng lại quá nhút nhát để có thể bắt chuyện với cậu. Trái ngược với Vee là Sydney, cô bạn thân nóng bỏng, liều lĩnh và là hot girl mạng ảo Nerve. Trong một lần bị Sydney thách thức, Vee tham gia vào Nerve và trở thành một người chơi được yêu thích và khiến Sydney ganh ghét.
Đúng như mô-típ chung, đã có nữ chính lơ ngơ thì phải có một anh nam chính đẹp lồng lộn, nghĩa hiệp, chả biết ở đâu chui ra nhưng lại dính vào nàng một cách bí ẩn và tung tăng cùng nàng hết thử thách này đến thử thách khác. Trong Nerve, đó chính là “soái ca” Ian (Dave Franco) đủ xôi đủ thịt, nhìn sau lưng đã biết đẹp trai. Cả hai trải qua những thử thách khác nhau: từ việc Vee không quen không biết mà phải hôn Ian cho đến việc họ phải phóng moto 60 dặm/giờ trong lúc bịt mắt, xăm mình, “naked” và chạy ra đường…
Những thử thách này đôi lúc nguy hiểm, nhưng phần lớn là đáng yêu và chỉ nhằm phục vụ mối tình chưa đầy một đêm của Vee và Ian. Nhanh chóng, cặp đôi trở thành điểm sáng của mạng xã hội Nerve: số lượng người theo dõi tăng vọt, số lượng người đăng ký mới và trở thành người xem của Nerve cũng tăng theo cấp số nhân, cả hai bắt đầu nhận những thử thách khó khăn hơn và số tiền “khủng” tương đương cũng chạy vào tài khoản.
Theo sự cuốn hút của trò chơi, những thử thách rất tế nhị bắt đầu được đặt ra: Vee và Ian bắt đầu bị thao túng nhiều đến mức họ phải làm tổn thương bạn bè của mình rồi làm tổn thương chính mình. Đám đông cũng điên rồ hơn và sẵn sàng ủng hộ Người Chơi làm trò liều lĩnh. Vee và Ian chính thức trở thành hai con rối của Nerve.
Công bằng mà nói, Nerve có ý tưởng khá mới mẻ. Bổ trợ cho nội dung chính là phần hình ảnh với những góc quay sáng tạo, ánh sáng đèn neon càng lúc càng chói chang, gay gắt theo chân các nhân vật. Đặc biệt, hình ảnh của Vee ở trong một chiếc hộp với những cây đèn neon xanh, chiếc màn hình cũ hiện lên hình ảnh kì quái. Những bản nhạc Pop, EDM thời thượng cũng tạo nên một bầu không khí vừa phấn khích vừa căng thẳng.
Khá tiếc là cộng đồng mạng trong Nerve còn hiền lành và “ngôn tình”. Thật ra nếu muốn, họ có thể tìm những thử thách khó khăn, thậm chí bệnh hoạn hơn việc “thách” người chơi bám một tay trên cần cẩu trong vòng 5s hay xông vào giết người chơi khác. Nếu tăng tiến các thử thách, tạo nên một cộng đồng khát máu và bầy đàn như The Purge thì sẽ phản ánh chân thực sự điên rồ và bất cần của các “anh hùng bàn phím” thời nay.
Cặp đôi nam và nữ chính của Nerve vừa thú vị vừa đáng tiếc. Hai nhân vật này đẹp, tương tác tình cảm với nhau tốt nhưng bước ra khỏi những phân cảnh này thì hơi nhạt; chí ít là thiếu hấp dẫn hơn cô bạn liều lĩnh bốc đồng Sydney hay anh bạn “nam phụ trong truyền thuyết” Tommy – hacker mũ trắng đáng yêu. Vào cuối phim sự tỏa sáng của nhân vật phụ sẽ là một điểm khá thú vị và hay ho trong nội dung phim.
Dẫu sao, Nerve cũng là một phim dễ xem và có đề tài mới lạ. Vào lúc cộng đồng mạng đang điên đảo với Pokemon Go và bắt đầu có những biểu hiện biến chứng thì Nerve lại mang tính thời sự khá cao. Đây là một phim đáng để xem vào mùa hè này.