Chỉ những người lao động biết thích nghi và đồng cảm với doanh nghiệp mình làm việc mới có thể trụ vững tới cuối cùng.
Dịch Covid-19 bùng phát đã khiến nhiều doanh nghiệp và dịch vụ phải ngừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất, dẫn tới tình trạng hàng trăm nghìn người lao động bị mất việc làm. Ngay cả những người được ở lại cũng phải chật vật làm đủ thứ công việc không tên nhằm hỗ trợ công ty của mình vượt qua thời điểm khó khăn này. Dù vậy, không phải nhân viên nào cũng coi đây là điều may mắn.
Mới đây, chuyên gia Nguyễn Phi Vân đã đăng tải một bài viết về vấn đề này trên trang cá nhân của mình. Bà hiện là người sáng lập và phát triển Công ty World Franchise Associates khu vực Đông Nam Á, kiêm Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia, Cố vấn về nhượng quyền thương hiệu cho Chính phủ Malaysia… Ngoài ra, bà cũng từng phụ trách một số thương hiệu thuộc các tập đoàn quốc tế như Unilever, Abbott, Johnson & Johnson, Gloria Jeans’, Mastercard, Nestlé…
Là một nhà đầu tư, cố vấn, diễn giả có tiếng chuyên về ngành bán lẻ và nhượng quyền quốc tế, chuyên gia Nguyễn Phi Vân đã đúc kết những kinh nghiệm của mình và viết nên cuốn sách “Nhượng quyền khởi nghiệp – Con đường ngắn để bước ra thế giới”.
Dưới đây là bài chia sẻ của bà:
“COVID JDs
Hôm qua, gọi hỏi thăm đối tác ở Thái Lan xem ứng phó thế nào trong tình hình đóng cửa và hạn chế đi lại. Cô đối tác thở dài, bảo mới họp team xong, thông báo cắt giảm lương và giao việc mới để chạy mô hình online. Một số nhân viên phàn nàn, vì phải làm những việc không có ghi trong JD – Job Description – Bảng mô tả công việc, và họ phải làm nhiều thứ mới linh tinh, nhỏ nhặt, không xứng với vị trí họ được tuyển vào. Cô nói, nếu tình hình diễn biến cứ như này thì ngân sách tiền mặt để trả lương chỉ còn khoảng 6 tháng. Rồi sẽ đến lúc phải đưa ra quyết định rất khó khăn về việc cắt giảm nhân sự, và cũng không có cách nào khoa học hơn là bắt đầu từ những nhân sự phàn nàn về JD.
Trong cái mùa mà doanh thu bằng không hoặc may mắn thì được 10-20% doanh thu trung bình, ai còn tâm trí nào nữa mà nói chuyện JD. Doanh nghiệp chết thì nhân viên đương nhiên mất job. Cho nên, JD mùa Covid đơn giản là làm tất cả những gì có thể, làm tất cả những gì được giao một cách nhanh nhất, tốt nhất, hiệu quả nhất, rồi tự nghĩ thêm và làm thêm cả những việc không được giao. What else can I do? What more can I do? Ai không đủ linh hoạt, không thay đổi thái độ cho phù hợp với thời thế, không đủ tâm để đồng cam cộng khổ cho sự sống còn của doanh nghiệp, người đó đương nhiên nên là người ra đi trước.
Nếu bạn vẫn đang được hưởng lương 100% cho đến ngày hôm nay, hãy tỏ lòng biết ơn, vì rất nhiều người khác không được hưởng cái phúc này. Nếu bạn đang được hưởng một phần lương, hãy tỏ lòng biết ơn, vì bạn vẫn còn khá hơn rất nhiều người vừa mất việc. Khi bóng tối đổ lên từng đường ngang ngõ hẹp, là lúc ta nên nhìn về ánh sáng để tìm đường. Look on the brighter side of life! Xin hãy nhìn về nửa bên ánh sáng của cuộc đời. And learn to appreciate – và học cách biết ơn những gì mình đang có.”
Người xưa từng nói: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Dịch Covid-19 không chỉ là một phép thử của trách nhiệm cộng đồng mà còn là thước đo năng lực và bản lĩnh của người lao động.
Khi một nhà tuyển dụng tìm kiếm ứng viên, họ luôn đề cao kỹ năng thích nghi và linh hoạt hơn cả. Bởi lẽ, những người có khả năng thích nghi và linh hoạt cao sẽ được trang bị đầy đủ hơn để tiếp nhận những nhiệm vụ mới, học hỏi những công nghệ mới, phát triển những năng lực mới cần thiết để giúp công ty bắt kịp với sự thay đổi của thời đại. Trong tình cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, điều này lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Giông bão nào cũng sẽ qua đi, chông gai nào rồi cũng biến mất. Do đó, đừng để chút khó khăn nhỏ nhặt che mờ đi lý trí của bạn lúc này. Hãy biết ơn vì cuộc đời vẫn còn cho mình một lối thoát, cũng như một cơ hội để học hỏi, trau dồi và rèn giũa năng lực và bản lĩnh của mình để chuẩn bị cho một tương lai tươi sáng đang chờ đợi phía trước.
Theo CafeF