Nhiều nghệ sĩ Việt: Thu Minh, Trấn Thành, Đông Nhi, Ông Cao Thắng, Hoàng Thùy Linh, Tiên Tiên… tham gia loạt ảnh thuộc chiến dịch “Những kẻ cắn móng tay” (tên tiếng Anh: Nail Biters) kêu gọi bảo vệ tê giác. Bảo vệ động vật hoang dã là việc tốt nhưng vì sao lại “cắn móng tay” mà không phải là hình thức kêu gọi khác hợp với Việt Nam và vệ sinh hơn?
Theo thông cáo từ ban tổ chức, 26 người từ ca sĩ, siêu mẫu, diễn viên cho đến nhà báo, nhiếp ảnh gia cùng tham gia loạt ảnh thuộc chiến dịch trên. Với hình ảnh chủ đạo là hành động cắn móng tay được thể hiện tinh tế, bộ ảnh được giới thiệu nhằm châm biến những người sử dụng sừng tê giác và nhấn mạnh thông điệp “Bỏ ra hàng trăm triệu để mua mẩu sừng tê giác giống móng tay? Thật ấu trĩ!” dựa trên các nghiên cứu khoa học cho thấy sừng tê giác chỉ có cấu tạo chủ yếu từ keratin, hoàn toàn giống móng tay.
Không chỉ vậy, thông qua bộ ảnh này, chiến dịch còn kêu gọi các bạn trẻ Việt tham gia “Thử thách cắn móng tay cùng sao Việt”. Cuộc thi khuyến khích người tham gia chụp một tấm ảnh bất kì với hành động “cắn móng tay” một cách sáng tạo và đăng tải lên trang mạng xã hội của mình nhằm lan tỏa thông điệp.
Theo ban tổ chức, “Những kẻ cắn móng tay” giữ nguyên hình ảnh chủ đạo và thông điệp cùng sự tham gia của các đại sứ là những người nổi tiếng trong làng giải trí như Richard Branson, Maggie Q, Lý Băng Băng, Trần Khôn,…
Các chiến dịch kêu gọi bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ tê giác, chấm dứt sử dụng sừng tê giác… luôn tốt và được hưởng ứng nhiệt tình trong cộng đồng. Tuy nhiên, việc thể hiện hành động chống mua mẩu sừng tê giác bằng cách “cắn móng tay” và vận động mọi người cùng thực hiện loạt ảnh “cắn móng tay” lại không phù hợp với Việt Nam.
Bởi từ trước đến nay, chúng ta luôn giáo dục trẻ nhỏ cắn móng tay là thói quen xấu, mất vệ sinh. Tại sao chúng ta không thể hiện hành động chống mua sừng tê giác bầng những việc làm khác văn minh hơn nhưng đủ tạo chú ý thay vì “cắn móng tay”.
Hơn thế, ngay khi thông tin chiến dịch trên lan tỏa, một số cư dân mạng đã lên tiếng bình luận phản đối “cắn móng tay”. “Tôi luôn ủng hộ việc bảo vệ các loài thú hoang dã trong thiên nhiên. Và tôi sẽ rất hạnh phúc, rất hãnh diện nếu con gái 4 tuổi của tôi cũng hiểu được ý nghĩa của việc tuyên truyền này. Nhưng nếu con gái tôi bắt chước hình ảnh này, chỉ cần đưa tay vào miệng là sẽ không yên với tôi!” – một cư dân mạng viết; “Bảo vệ tê giác sao phải cắn móng tay, đưa tay vào miệng không hợp vệ sinh tí nào!” – cư dân mạng khác bình luận… Đừng biến việc vốn dĩ có mục đích tốt đẹp thành hành động phản cảm!