Ai cho rằng gấp giấy chỉ là trò chơi con trẻ, chắc sẽ đôi phần ngỡ ngàng trước nghệ thuật gấp giấy đỉnh cao Việt Nam.
Vài nghệ nhân Việt có sách xuất bản ở nước ngoài, được mời ra nước ngoài dạy gấp giấy. Họ cũng thường làm việc với khách hàng nước ngoài và có thể sống tốt chỉ bằng gấp giấy. Có nghiên cứu chỉ ra rằng, gấp giấy giúp phát triển não bộ và tư duy cho trẻ nhỏ. Có lẽ vì thế mà hồi bé ai cũng từng gấp hạc, gấp thuyền… nhưng rồi nhanh chóng bỏ tờ giấy qua một bên. Vậy với những người thủy chung gấp giấy thì sao?
Dấn thân
Tại phòng sinh hoạt CLB Gấp giấy Hà Nội ở Cung Văn hóa Hữu nghị, Nguyễn Hùng Cường cho tôi xem cả thùng sách gấp giấy. Trong đó, có hai tuyển tập các tác phẩm Việt Nam xuất bản tại Pháp, cỡ A4 bề thế không kém sách ngoại. Nhuận bút chia đều cho chừng hai chục tác giả. Cuốn đầu tiên ra mắt 2011, nhóm phải rậm rịch từ 2008. Cuốn thứ hai chỉ mất một năm. Cuốn thứ ba còn phải chờ một thế hệ gấp giấy mới. Vì mỗi lứa sinh viên ra trường, CLB lại vợi thành viên. Mỗi buổi sinh hoạt hàng tuần, CLB thu hút 12-15 thành viên tuổi từ thiếu nhi đến mới tốt nghiệp ĐH, thường chỉ có 1-2 nữ. Như vậy ít nhất một nửa thành viên nữ đã “thuộc về” Cường vì anh vừa cưới vợ cùng CLB.
Sư tử và gà trống của Hoàng Tiến Quyết đều gấp từ giấy dó. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Hội Gấp giấy Việt Nam (Vietnam Origami Group- VOG) thành lập 2005 được đánh giá là phát triển nhanh trên thế giới. Một trong những lý do theo Cường: “Bản quyền mình không chặt lắm. Photocopy, down-load các kiểu làm cho kỹ thuật gấp phát triển nhanh, các nước khác chậm hơn. Tất nhiên vẫn không thể bằng Nhật. Những mẫu với ta là phức tạp thì học sinh Nhật lớp 5 đã gấp được”. Hiện nhiều người thường gấp theo các clip hướng dẫn trên YouTube nhưng không phải nguồn nào đưa lên đây cũng chính chủ hoặc xin phép chủ nhân. “Nước ngoài biết mình xâm phạm bản quyền tràn lan, họ vẫn lên án”- theo Cường.
Dạo trước, ít ai để ý tác giả sách dạy gấp giấy ở Việt Nam. Năm rồi lần đầu tiên có sách dạy gấp giấy mà tất cả các mẫu do chính tác giả sáng tác. Đó là Thế giới đại dương của Nguyễn Tú Tuấn ở TPHCM. Tuấn, thế hệ 7X là thành viên đầu tiên của VOG ra sách riêng. Nguyễn Hùng Cường và Hoàng Tiến Quyết- hai đại diện nổi bật của Hà Nội đều ở ngưỡng “tam thập nhi lập”, xác định gấp giấy là sự nghiệp cả đời.
Bản sắc?
“Quyết mềm mại còn Cường rất phức tạp, tôi chỉ đơn giản thôi,” Nguyễn Tú Tuấn cho hay. Anh thích được thách đố một thứ gì đó để sau 10-15 phút có ngay sản phẩm. Thậm chí có mẫu anh hoàn thiện sau 30 giây. Chẳng hạn một mẩu giấy dài uốn mấy đường thành con rắn hay cô gái… “Những mẫu đó mình làm mình thích thôi, còn ra sách phải làm mẫu bắt mắt nhưng dễ hiểu- để người ta phải gấp được”, Tuấn cho hay.
Quyết và Cường mỗi khi công cán nước ngoài hay đem giấy dó tặng đồng nghiệp. Nhiều người thích và hỏi chỗ mua. Nhưng sản lượng giấy này ít, chẳng đủ bán ra nước ngoài. Chất lượng cũng giậm chân tại chỗ, không đảm bảo bằng giấy washi (nghe nói còn có sau, và do người Nhật ứng dụng cách làm giấy dó của Việt Nam) hay hanji của Hàn Quốc.
Theo cảm nhận của Quyết thì giấy dó có độ dai nhưng vẫn mềm mại: “Giấy dó chất lượng tốt nhưng nhu cầu thị trường ít nên mai một nhiều. Washi làm thủ công hoàn toàn còn trong dó có pha cả giấy công nghiệp, cho nên có cảm giác bở hơn chút.”
Theo Cường, giấy dó đòi hỏi nhiều công đoạn xử lý tiền kỳ hơn. Vì quá mềm nên trước khi gấp, nó cần được quết thêm lớp keo. Nó cũng chỉ có hai màu (vàng tự nhiên và trắng do tẩy) nên khi cần màu khác, người gấp phải tự tạo. Nhưng cũng chính vì thế mà có thể tùy ý lựa màu độc đáo. Ở Việt Nam, giấy dó tất nhiên rẻ hơn, dễ kiếm hơn so với giấy ngoại, hiệu quả cũng ngang ngửa.
Hiện dân gấp giấy chỉ xài loại giấy dó đại trà vẫn dùng để làm nội thất, chao đèn… “Người làm giấy dó không xác định làm giấy chất lượng cao hơn. Giấy thường họ bán đủ sống rồi. Giấy kia làm mất công mà lại ít người mua (dù giá gấp mấy chục lần) nên các bác ngại,” Cường cho hay.
Giấy trả ơn
Cường bắt đầu gấp giấy từ hồi tiểu học. Sau khi gấp hết quyển hướng dẫn, năm lớp 5, cậu đành tự nghĩ mẫu mới. Cường tự thấy điểm chung của những người gấp giấy từ bé như mình là hướng nội và đoán chắc: “Nếu ai hoạt bát hướng ngoại hẳn là vào nghề muộn.”
Vừa bảo vệ luận văn Thạc sĩ ở ĐH Kinh tế Quốc dân, giờ là lúc Quyết toàn tâm toàn ý cho origami. Cường và Quyết đều từng được Nhật mời sang dự đại hội gấp giấy quốc gia. Lưu ý rằng, mỗi kỳ họ chỉ mời (và đài thọ) 1-2 khách nước ngoài. Còn lại vẫn được tham dự thoải mái với điều kiện tự trang trải.
Thảng hoặc lắm khi Quyết hay Cường nhận được đơn đặt hàng trong nước. Ở Việt Nam gấp giấy được trả theo ngày công như lao động phổ thông. Tuy nhiên một năm họ chỉ cần 2-3 hợp đồng với nước ngoài (thường liên quan đến quảng cáo) cũng tạm đủ sống. Mà có khi khách hàng chỉ yêu cầu gửi ảnh chụp tác phẩm. Ngoài ra, tác giả ngồi ở Việt Nam có thể vẫn bán được tác phẩm tại các triển lãm nước ngoài. Được biết, giá của một tác phẩm gấp giấy khoảng 500-1.000USD.
Tuy nhiên, để có một mẫu mới, họ phải đầu tư 1-3 tháng, chủ yếu là thời gian nuôi ý tưởng. Cũng có khi đang gấp thấy tác phẩm bị ảnh hưởng người khác, Quyết bỏ đấy. Chừng vài tháng/năm sau mới quay lại hoàn thiện theo cách của riêng mình.
Tuấn từng làm marketing cho một tập đoàn lớn nhưng đang nghỉ, dành thời gian cho gấp giấy. Sau Thế giới đại dương, anh lên chủ đề cho 6 cuốn dạy gấp giấy tiếp theo. Anh hồ hởi thông báo: “Mỗi nước có thể bán bản quyền sách một lần. Vấn đề là tiếp thị. Làm 5-7 cuốn người ta biết, mình bán được là sống thoải mái rồi!”