Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng đứng ra thú nhận rằng:“Nhân vật của tôi hoàn toàn là hư cấu”.
Cách đây không lâu, một vị học giả bỗng tung tin, Nguyễn Nhật Ánh thuê hẳn 20 người viết để cho ông đứng tên. Chưa có lời xin lỗi nào sau cáo buộc này, chỉ biết những thị phi vô căn cứ ấy vẫn chẳng thể làm tắt đi ngọn lửa sáng tác vốn luôn cháy trong tâm trí “nhà văn của tuổi thơ”.
Hình thành một kỷ luật lao động
Trước những tin đồn kể trên, Nguyễn Nhật Ánh không giải thích, cũng không phân trần. Trong một cuộc gặp mặt giới trẻ mới đây ở Hà Nội, khi một lần nữa lại có câu hỏi: Vì sao sức viết Nguyễn Nhật Ánh lại dồi dào đến vậy? Ông lấy năng lượng ấy từ đâu ra? Nguyễn Nhật Ánh trả lời rất đơn giản rằng, lịch trình viết lách của ông là đều đặn 4-5 tiếng đồng hồ một ngày và ngày nào cũng vậy.
Những trang viết của Nguyễn Nhật Ánh lúc nào cũng có sức hút lạ kỳ với độc giả trẻ
Nhưng quan trọng là làm sao ngày nào cũng viết được như vậy, khi xung quanh còn bao nhiêu cám dỗ, niềm vui cuộc sống khác? Với Nguyễn Nhật Ánh thì nếu không yêu, không hứng thú với nghiệp viết thì “việc mỗi ngày viết 4 tiếng đồng hồ sẽ dễ dàng trở thành một thứ lao động khổ sai”. Sức sáng tạo của Nguyễn Nhật Ánh quả là phi thường, việc “cày trên thửa ruộng chữ” đã trở thành một thói quen, một thứ kỷ luật lao động thôi thúc ông không ngừng sáng tạo trong suốt 30 năm qua.
Nếu nhiều người cho rằng viết văn cần cảm hứng thì một trong những cảm hứng lớn nhất của Nguyễn Nhật Ánh chính là cô con gái của ông. Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ, thời kỳ ông viết “Kính vạn hoa”, vì chưa có máy tính nên thường phải gõ trên máy chữ. Cứ mỗi sáng gõ xong, ông để sang tệp hồ sơ bên cạnh. Đến chiều đi học về, cô con gái lúc đó mới học lớp 5 lại sà vào xem bố viết gì. Và lúc nào cô bé cũng thúc giục, nài nỉ bố viết thêm vì quá tò mò phần sau của câu chuyện.
Khi không có bản thảo mới, cô bé lại mang những cuốn đã in ra đọc. Nguyễn Nhật Ánh kể lại: “Hồi đó tôi dặn con, đọc gì cũng được trừ “Mắt biếc” vì nó có những chuyện tình cảm người lớn. Con tôi cũng vâng dạ nghe theo. Đến năm lớp 9, một ngày đẹp trời, tôi nói với con: “Giờ con đủ tuổi rồi, ba cho đọc “Mắt biếc”. Con tôi trả lời: “Con đọc hồi… lớp 7 rồi ba”. Thế mới thấy những trang viết của Nguyễn Nhật Ánh có sức hút lạ kỳ.
“Nhân vật của tôi hoàn toàn hư cấu!”
Để viết được nhanh và nhiều như Nguyễn Nhật Ánh, chắc ai cũng nghĩ ông phải chuẩn bị một đề cương chi tiết và chặt chẽ lắm. Nhưng thực ra, nhà văn của tuổi thơ ấy lại chẳng có một đề cương cụ thể nào. Bởi theo Nguyễn Nhật Ánh, nếu cứ vạch ra một cái đề cương quá chi tiết, quá cụ thể, bắt nhân vật phải đi theo lối đó thì văn chương sẽ trở nên gò bó. Nhà văn tạo ra thế giới, rồi bỏ nhân vật vào trong thế giới đó, để nhân vật có đời sống riêng, tự quẫy đạp, tự vùng vẫy.
Không khó để nhận ra nhân vật nào của Nguyễn Nhật Ánh cũng cá tính, sống động đến nỗi người đọc dễ dàng tìm thấy hình bóng mình trong đó. Đó là cậu bé Mùi trong “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, như Trâm trong “Còn chút gì để nhớ” hay Khoa trong “Bảy bước tới mùa hè”… Đến nỗi chính tác giả chia sẻ, khi bộ “Kính vạn hoa” được xuất bản thì rất nhiều bạn đọc viết thư cho NXB Kim Đồng xin… làm quen với 3 nhân vật Quý ròm, nhỏ Hạnh và Tiểu Long, thậm chí đòi đến tận trường của các bạn để chụp ảnh.
Đại diện NXB lúc ấy cũng toát mồ hôi “bịa” ra đủ các lý do, nào là Tiểu Long đang đi học, nhỏ Hạnh đang bận… để khất lần độc giả. Sau này khi gặp phải tình huống như vậy quá nhiều, chính cha đẻ của tác phẩm phải đứng ra thú nhận: “Nhân vật của tôi hoàn toàn là hư cấu”.
Có người hỏi: “Nguyễn Nhật Ánh thành công ở thể loại truyện dành cho thiếu nhi như vậy, liệu có bao giờ ông nghĩ mình sẽ lấn sân sang mảng sách cho người lớn?”. Nguyễn Nhật Ánh chỉ đùa: “Viết sách cho trẻ em được nhiều người đọc thì không có lý gì tôi bỏ ngang viết cho người lớn. Cũng như đang sản xuất nước hoa được nhiều người ưa chuộng, chẳng tội gì bỏ ngang đi sản xuất… nước mắm”.
Nói vui vậy, Nguyễn Nhật Ánh luôn tâm niệm viết cho thiếu nhi như là một nhu cầu của tâm hồn, để cảm thấy mình không xa rời với sân ga tuổi thơ. “Tôi có may mắn là viết ra được nhiều độc giả nhỏ tuổi đón nhận. Nếu không viết nữa, tôi sẽ cảm thấy như mình có lỗi với các em. Nên hiện tại, tôi chưa nghĩ đến chuyện ngừng viết” – nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ.