.
.

Nhạc sĩ Quốc Bảo: ‘Bản Nguyên, một giấc mơ đầy ẩn dụ’


‘Căn cước của tâm hồn Trần Thu Hà về cơ bản vẫn là bi kịch. Một bi kịch đẹp hay là nó đẹp vì nó bị thương?’ – Đấy là một ‘Bản Nguyên’ của Hà Trần trong suy nghĩ nhạc sĩ Quốc Bảo.

Tôi gọi Bản Nguyên là một công trình âm nhạc. Ta chưa nói đến chất lượng công trình, chỉ riêng ý niệm xây dựng và công sức đổ vào Bản Nguyên cũng đủ để gọi đấy là “công trình”. Và tôi đồ rằng cái tên dự án được gợi hứng từ bản dịch cuốn L’identité của Milan Kundera (1998), với ý nghĩa “căn cước, bản ngã gốc, cái tôi chân thật”. Mang vác một triết lý Tây phương như thế, tâm hồn Hà Nội của Trần Thu Hà hẳn có một chút (hay nhiều chút) xáo động, có lúc bế tắc, lạc lối, đuối sức.

Thăng Hoa – Hà Trần & Bản Nguyên Group [OFFICIAL MV]

Nhưng Bản Nguyên không chỉ của Hà. Nó là tác phẩm của một nhóm nghệ sĩ: Dominik Nghia Do, Trần Thanh Phương (guitarist mà tôi rất mến mộ). Và vì Bản Nguyên không dừng ở một audio album mà là một dự án đa phương tiện (game, nghệ thuật thị giác, trình diễn), chúng ta chỉ nói trong phạm vi hẹp của bài viết này phần audio.

Ban Nguyen (4)

Bản Nguyên của Hà Trần.

Hà dịch Bản Nguyên sang tiếng Anh là To the Core. Chạm vào cốt lõi. Vào tủy. Bỏ qua những lớp vỏ sắc màu lấp lánh bên ngoài. Vứt hết phần da thịt. Khoan vào tận xương. Đấy là ẩn dụ của Trần Thu Hà về sức mạnh tinh thần; vậy thì hãy quên đi mọi thứ mang tính hình thức, vén lớp màn sương mờ ảo che phủ sự vật, để sự vật hiện ra như-chính-nó. Sức mạnh nằm ở đấy, năng lượng nằm ở đấy.

Bạn cần quan tâm đến đoạn văn trên của tôi trước khi bắt đầu nghe Bản Nguyên!.

Bản nguyen (2)

Nhạc sĩ Quốc Bảo

Điều mà những xạ thủ bắn tỉa, những diễn viên xiếc đi dây phải thực tập cho đến thành thạo là: họ không cầm một khẩu súng hay bước trên sợi dây, mà vũ khí hay sợi dây dưới chân trở thành một với họ. Đấy là quá trình tiến về sự hợp nhất tối thượng. 80% những gì Trần Thu Hà đã hát, kể từ bản thu âm đầu tiên năm 1997 đến hôm nay, là sự hợp nhất giữa một giọng hát với âm nhạc, của một tâm hồn người với hồn nhạc. Khi ấy, bản nhạc tự vang lên và Hà trở nên một thành tố của nó. Cốt lõi nằm ở đó.

To the Core. Bằng con đường alt. rock.

Bản nguyen (4)

“Hà dịch Bản Nguyên sang tiếng Anh là To the Core. Chạm vào cốt lõi. Vào tủy. Bỏ qua những lớp vỏ sắc màu lấp lánh bên ngoài. Vứt hết phần da thịt. Khoan vào tận xương”.

Thăng Hoa và Rũ Cánh làm thành một bộ đôi progressive rock gợi nhớ Procol Harum, tuy rằng hệ ca từ kiểu “thiên thần rũ cánh mây”, “ly cà phê sóng sánh đam mê í à” và “thăng hoa tôi vẫn chơi vơi” thì lại là một tâm thức Hà Nội. Cũng chẳng sao khi Hà hoàn toàn làm chủ được (hay như cách nói bên trên, hợp-nhất) thứ âm nhạc của mình.

Mở Mắt là một nhạc phẩm pop điệu thứ không có gì đặc biệt, chắc chỉ để chiều đãi những cái tai quen ballad ngọt. Không Tưởng cũng êm ái, cũng ngọt, nhưng nhiều sáng tạo hơn ở cách chuyển hành guitar dây sắt đan quyện, đối đáp với giọng hát và điệu thức bàng bạc tính Nhật Bản với giai điệu trượt xuống nghe rất thú vị. Trầm Khúc là khúc hát ru êm dịu dù không thanh thản, nếu không muốn nói là giấu rất nhiều ẩn ức và ẩn ức nổ tung ở đoạn điệp khúc. Không êm dịu nổi nữa, không gượng nhẹ nữa. Lột toang mặt nạ.

Mặt Nạ sử dụng một vài hiệu ứng âm thanh và những “hooks” giai điệu biểu hiện sự nổi loạn; lời bài hát cũng “to the core” nhất trong các bản nhạc của Bản Nguyên: “Ơi ai mua mặt nạ, mau mau mua mặt nạ. Mặt che nỗi đau, mặt che nỗi sung sướng”. Bồ Công Anh không có gì đáng chú ý lắm, để dành cảm xúc cho bài kế tiếp Hoan Ca. Mà Hoan Ca không hề… hoan. Một rock ballad viết khéo, đậm chất Việt (chất ca trù Phó Đức Phương), âm ỉ cháy cho đến khi đúng lúc thì vỡ tung. Đoạn gian tấu hai tuyến guitars kẹp chặt lấy nhau được xem là “chữ ký” của Nguyên Lê nay được sử dụng đúng chỗ, đem lại hiệu quả rất mạnh.

Đêm là đêm hương xa với lục lạc và giọng hơ hờ xa vắng như một giấc mơ từ Hà Nội mơ về xứ cát. Đêm của Hà là đêm sa mạc. Đêm hoang dại. Đêm của vô thức tầng sâu trồi lên mặt. Đêm của giấc mơ hoảng hốt và sau khi tỉnh mơ thì lại mong được mơ thêm.

Bản Nguyên của Hà xét chung, có thể cũng là một giấc mơ hoảng hốt như vậy. Với cung đàn buốt giá, giọng hát hóa đá và những ẩn dụ vô thức không thể giải thích bằng logic thông thường. Chỉ thấy cần được nghe lại, nghe thêm, nghe thêm nữa. Nghe thêm những điều phi lý và khá buồn bã.

Bản nguyen (3)

Căn cước của tâm hồn Trần Thu Hà về cơ bản vẫn là bi kịch. Một bi kịch đẹp hay là nó đẹp vì nó bị thương?.

 

Theo Saostar



Bài viết cùng chuyên mục