Nhiều dự án phim sử dụng công nghệ hiệu ứng hình ảnh ra đời cũng là lúc các nhà làm phim tin vào việc xuất hiện ‘Game of Thrones bản Trung’. Nhưng đến giờ, họ chưa thành công.
Năm 2016, các nhà phê bình đặt niềm tin vào sự tỏa sáng của dòng phim viễn tưởng sử dụng công nghệ kỹ xảo. Báo chí trong nước gọi đây là trào lưu mới của phim truyền hình với loạt phim đầu tư lớn như Vương quốc ảo (Huyễn thành), Cửu Châu Thiên không thành, Tru Tiên: Thanh Vân chí.
Tuy nhiên nói tới công nghệ kỹ xảo trong nước, khán giả thường than ngắn thở dài: ‘Không cần xem, chắc chắn chỉ là kỹ xảo 5 xu’. Đại diện các đơn vị sản xuất tỏ ý không hài lòng trước những lời quy chụp này và tự tin rằng phim truyền hình Trung Quốc không kém Hollywood.
Cảnh kỹ xảo trong phim Trung Quốc bị so sánh với game online. Như cảnh phim đối kháng trong Vương quốc ảo, khán giả cảm thấy chẳng khác phim Tây du ký 1986
Cách nhà làm phim Hoa ngữ làm kỹ xảo
Vài năm trở lại, nhà sản xuất ở thị trường đông dân nhất thế giới tìm tòi sự bứt phá thông qua hợp tác cùng phía Hollywood. Các nhà sản xuất cho rằng muốn vượt Hollywood thì con đường nhanh nhất là bắt tay với họ. Vương quốc ảo với sự tham gia của Phùng Thiệu Phong, Mã Thiên Vũ, Victoria là phim làm theo mô típ này.
Bên cạnh công ty Trung Quốc, các hãng lớn trong ngành kỹ xảo điện ảnh như Dan Hennah, Pixomondo, Primefocus cũng là đội ngũ sáng tác tạo cảm hứng.
Đơn vị hậu kỳ cho biết bối cảnh chính của phim là Băng tộc và Hỏa tộc – đều là sản phẩm của trí tưởng tượng. Để tạo ra khung hình đầy băng nhiều góc cạnh trên phim, ê-kíp tổng hợp và chi tiết từng tấm hình trước khi đưa vào xử lý.
‘Một cảnh tòa lâu đài như phim châu Âu trên phim tốn kém nhiều kinh phí, là sự cắt ghép của hàng triệu chi tiết. Hay cảnh phim nhân ngư xuất hiện từ mặt biển yêu cầu đội ngũ thực hiện khoảng 8 người làm việc liên tục nhiều ngày’, giám chế Quản Minh Kiệt chia sẻ.
Trong Vương quốc ảo, đoàn phim chi tới 16 triệu NDT (tương đương 54 tỷ đồng) để tạo dựng hình ảnh sư tử tuyết và tuyết điểu của Băng tộc. ‘Chúng tôi vẽ ra mô hình trên máy tính. Sau đó sử dụng công nghệ 3D nhuộm màu. Nghe thì đơn giản nhưng làm việc hơn 30 tiếng mới hoàn thành’, Quản Minh Kiệt nói thêm.
Tuyết điểu và Sư tử tuyết được dựng từ vi tính. Ảnh: Douban
Những cảnh tượng tráng lệ như chốn thần tiên luôn là thử thách với các ê-kíp. Giám chế Triệu Cương của phim Tru Tiên tạo ra hình ảnh Thanh Vân môn, Long Hổ Sơn, Thiên Môn sơn đẹp như tranh vẽ từ 100 thiết bị máy móc.
‘Tôi tự hào khi lên phim, khán giả như chìm trong không gian thần tiên. Chúng tôi đã chi ra 50 triệu NDT (gần 200 tỷ đồng) dành riêng cho kỹ xảo bối cảnh, thực hiện không nghỉ trong hai tháng’, Triệu Cương nói.
Nhà làm phim tự tin ngang đẳng cấp Hollywood
Các nhà làm phim không giấu sự tự hào sau mỗi tác phẩm, nhưng khán giả trong nước lại đón nhận với sự hời hợt. Họ bày tỏ sự thất vọng khi đến giờ chưa có một bộ phim kỹ xảo ‘xứng tầm Hollywood như quảng bá’.
Giám chế Vương quốc ảo cho rằng sự đòi hỏi giống hệt phim Mỹ là điều khó thành vì những lý do khách quan.
Những bối ảnh được ê-kíp Tru Tiên tự hào. Ảnh: Tru tiên
‘Đừng so sánh trong nước với quốc tế và đòi giống 100%. Chuyện gì cũng là tương đối, tôi không thích chỉ trích làm phim kỹ xảo 5 xu. Thị trường Trung Quốc có khác biệt. Ví dụ như Vương quốc ảo chiều dài hơn 60 tập với 2.000 phút kỹ xảo trên phim. Chúng tôi quay phim trong 160 ngày và sau đó nửa năm làm hậu kỳ.
Hollywood không làm nhanh như thế. Game of Thrones mỗi năm quay khoảng 7 đến 10 tập. Hãy cung cấp cho chúng tôi từng đó thời gian và ngần ấy kinh phí, chúng tôi có thể làm ngang họ và thậm chí hơn’, Quản Minh Kiệt nói.
Đạo diễn Dương Lỗi phim Cửu Châu Thiên không thành cũng tán đồng quan điểm này. ‘Mỗi đoàn phim hơn 100 người, kinh phí không lớn. Nếu đủ thời gian và dự toán, chúng tôi cam kết kỹ xảo vượt xa Hollywood’, ông nói.
Đại diện ê-kíp Tru Tiên mạnh miệng hơn: ‘Nêu đưa Hollywood làm phim như chúng tôi, e rằng họ không thể làm nổi đâu’.
Khán giả bắt lỗi
Tại Trung Quốc, đánh giá về kỹ xảo trên màn ảnh, các nhà làm phim và khán giả có quan điểm đối nghịch. Những người xem tỏ ra nghiêm khắc hơn khi cho rằng điện ảnh Trung Hoa chưa thoát khỏi cái bóng ‘kỹ xảo rởm như Tây du ký bản 1986’.
Trên trang Chuansong, một nhà phê bình viết: ‘Với kỹ xảo trong phim do nội địa sản xuất, người xem luôn có sự bao dung. Nhưng các nhà sản xuất nói một đằng làm một nẻo, coi người xem như trò đùa’.
Sự so sánh nhỏ nhât cũng thấy, phim Trung Quốc khung cảnh cổ trang nhưng đứng trên nền gạch hiện đại. Nhiều người phỏng đoán đây là kết quả từ việc thuê bối cảnh ở biệt thự (ảnh trên). Trong khi đó, Game of Thrones của Mỹ chuẩn xác đến từng chi tiết nhỏ (ảnh dưới)
Nhiều khán giả thất vọng khi những cảnh phim cơ bản không đòi hỏi kỹ xảo cao nhưng vẫn lộ sạn. Ví dụ như cảnh Hoa Thiên Cốt ăn bánh bao giả, nhân vật thần tiên lại bước trên sàn gạch lát từng ô vuông như thời hiện đại.
‘Các nhà làm phim Hollywood bên cạnh tài chính, họ còn yêu cầu cao trong công việc. Chúng ta gần như không thể bắt những lỗi nhỏ nhất trên phim. Logic và chặt chẽ – đó là những điều chúng ta thiếu’, khán giả tới từ Trùng Khánh đưa ý kiến. Đây là lý do Vương quốc ảo hay Cửu Châu Thiên không thành bị chấm điểm dưới trung bình trên trang phim ảnh Douban.
Lý giải về sự thất bại của dòng phim kỹ xảo tại Trung Quốc phải kể đến việc sản xuất nhanh thành ẩu. Thông thường, các nhà sản xuất quay trước và sau đó chuyển cho phía hậu kỳ biên tập. Quá trình chỉnh sửa kỹ xảo hiếm khi song song với việc quay phim. Tình trạng này dẫn đến hiện tượng ‘trống đánh xuôi, kèn thổi ngược’ khi lên sóng.