Bên cạnh điểm sáng là những bộ phim hay, truyền hình Hàn Quốc năm 2016 cũng không ít lần khiến công chúng phải ngán ngẩm vì những chuyện thị phi nơi hậu trường.
Trong năm 2016, đã có rất nhiều những tác phẩm truyền hình xuất sắc lên sóng màn ảnh nhỏ và tạo nên cơn sốt trong cộng đồng những người yêu phim Hàn. Song bên cạnh đó, cũng có không ít những câu chuyện hậu trường không mấy hay ho đã xảy ra. Dưới đây chính là 5 phi vụ ồn ào nhất trong năm vừa qua của truyền hình xứ kimchi.
1. Mâu thuẫn giữa đạo diễn và diễn viên Cheese in the Trap
Dự án chuyển thể từ webtoon Cheese in the Trap là một trong những bộ phim được yêu thích nhất nửa đầu năm 2016. Tuy nhiên, vụ lùm xùm giữa nam diễn viên chính Park Hae Jin và đạo diễn Lee Yoon Jung đã khiến không ít khán giả quay lưng với tác phẩm này.
Câu chuyện bắt đầu bằng việc Park Hae Jin, một nghệ sĩ vốn khá kín tiếng, bất ngờ có những chia sẻ gây sốc trên truyền hình về sự biến mất của các phân cảnh do anh đảm nhận trong phim. Bức xúc này của nam diễn viên đã khiến cho anh “không còn tin được ai nữa”.
Mâu thuẫn ngày một lớn khi tác giả bộ truyện tranh Cheese in the Trap là Soonkki cũng lên tiếng chỉ trích đạo diễn bản truyền hình. Người này cho biết, đạo diễn đã không làm đúng như yêu cầu của chủ nhân webtoon khi để lộ các chi tiết về cái kết vốn được dành cho phiên bản gốc.
Sau đó, câu chuyện drama còn trở nên phức tạp hơn khi các fan Trung Quốc chế poster phim từ Cheese in the Trap thành The Piano Trap để phản đối những phân cảnh của nam thứ Seo Kang Joon. Về cơ bản, người có công mang Cheese in the Trap tới Trung là Park Hae Jin, và sự việc lần này đã khiến cho các khán giả “quyền lực” của thị trường sôi động bậc nhất châu Á cảm thấy bị phản bội.
Để xoa dịu dư luận, tvN cho biết các phân cảnh bị cắt của Park Hae Jin sẽ được phát sóng trong tập đặc biệt của Cheese in the Trap. Tuy nhiên, hành động chữa cháy của nhà đài không đủ để các khán giả hết bất bình vì cái kết “trời ơi” của phim. Sau khi phim hết, Seo Kang Joon trở thành mục tiêu bị netizen chỉ trích trong một thời gian, còn Park Hae Jin thì đăng tải một hình ảnh lên mạng xã hội cùng lời nhắn ngắn gọn: “Tôi ổn”.
2. Loạt diễn viên bị tố hiếp dâm, lộ clip nóng
Ngày 13/6/2016, nam ca sĩ – diễn viên Park Yoo Chun mở màn cho danh sách dài các nghệ sĩ nam xứ Hàn dính nghi án hiếp dâm. Đây được xem là một trong những phi vụ gây chấn động làng giải trí nước này nhất năm qua. Sau Park Yoo Chun, 3 nam diễn viên Lee Jin Wook của Goodbye Mr. Black, Lee Min Ki của Haeundae và Uhm Tae Woong của Wanted lần lượt trở thành mục tiêu chỉ trích của các cư dân mạng với những lí do tương tự như thành viên nhóm nhạc JYJ.
Dù đã được chứng minh trong sạch, Lee Min Ki vẫn bị mất vai chính trong dự án mới khởi động lúc đó là Tomorrow with You của đài tvN. Trong khi đó, vợ của nam diễn viên Uhm Tae Woong đã trả lời điện thoại của phóng viên bằng giọng nức nở: “Tôi không có gì để nói”. Về phía Lee Jin Wook, ngôi sao sinh năm 1981 lại gây nhiều ngạc nhiên khi xuất hiện tại buổi điều tra với hình ảnh tươi cười tràn đầy vẻ tự tin.
Nửa năm sau đó, các chàng soái ca màn ảnh Hàn lại tiếp tục mất hình tượng trầm trọng trong mắt người hâm mộ, khi nam diễn viên Seo Ha Joon được cho là cố ý để lộ clip nóng bị phát tán trước đó. Hậu scandal, ngôi sao này vẫn “mặt dày” xuất hiện đều đều tại các sự kiện. Thậm chí, việc anh được trao giải Nam diễn viên xuất sắc tại MBC Drama Awards cho vai diễn trong The Flower in Prison cũng bị chỉ trích nặng nề.
3. Cuộc chiến tranh giành Jealousy Incarnate của KBS và SBS
Năm 2016 là một năm đấu đá khá quyết liệt giữa hai đài lớn KBS và SBS. Sau khi vì chủ quan mà để mất Signal vào tay tvN và đặc biệt là Hậu Duệ Mặt Trời vào tay KBS, đài SBS đã cho thấy những động thái “báo thù” đối thủ rõ rệt trong nửa sau năm 2016. Danh hiệu cuộc chiến tốn nhiều giấy mực của báo chí Hàn Quốc nhất năm qua chắc chắn phải là màn tranh giành dự án Jealousy Incarnate giữa hai đài KBS và SBS.
Sau khi Jo Jung Suk và Gong Hyo Jin xác nhận sẽ là hai ngôi sao chính của Jealousy Incarnate, cả SBS và KBS đều cùng lúc xác nhận dự án này sẽ lên sóng trên đài của họ trong mùa thu 2016. Tuy nhiên, công ty sản xuất đã cho biết mọi chuyện vẫn chỉ đang trong quá trình cân nhắc.
Tại thời điểm dàn cast được công bố, KBS thông báo Jealousy Incarnate sẽ là drama tháng 7 của họ, nhưng sau đó đối thủ lại tuyên bố bộ phim này sẽ được chiếu ở khung giờ thứ Tư – thứ Năm vào tháng 8 trên SBS. Sau đó nữa, KBS bất ngờ điều chỉnh phát ngôn trước đó của mình, rằng Jealousy Incarnate sẽ lên sóng vào tháng 9, ngay sau khi Uncontrollably Fond kết thúc.
Trong hai ngày đỉnh điểm của drama là 19/4 và 20/4, liên tục các bài báo được tung ra từ các nguồn tin của KBS và SBS. Mỗi lần KBS thông báo đã có được Jealousy Incarnate thì chỉ vài phút ngay sau đó, sẽ xuất hiện một thông tin SBS mới là đơn vị sở hữu quyền phát sóng bộ phim này.
Trận chiến chỉ chính thức kết thúc vào 6 giờ 03 phút tối ngày 20/4, khi SBS “đập chậu cướp hoa” thành công sau một tuần lễ “choảng” nhau chan chát giữa hai nhà đài. Trang TV Report khép lại màn đấu đá vô tiền khoáng hậu bằng tít báo: “Jealousy Incarnate sẽ là phim thứ Tư – thứ Năm của SBS trong tháng 8… trừ khi KBS đâm đơn kiện?”.
4. Huyền Thoại Biển Xanh và Pied Piper bị tố đạo nhái
Huyền Thoại Biển Xanh của biên kịch Vì Sao Đưa Anh Tới cùng cặp đôi Lee Min Ho và Jeon Ji Hyun – dự án được SBS chọn ngay mà chưa cần tới “cái nhìn kịch bản đầu tiên” – bất ngờ lại là một trong những tác phẩm lùm xùm nhất 2016 vì nghi án đạo nhái.
Ngay sau khi hai tập đầu tiên lên sóng, bộ phim này được cho là đã “tham khảo” phim điện ảnh Splash (sản xuất năm 1984) và series truyền hình nổi tiếng Sherlock, với những chi tiết giống nhau đến đáng ngờ trong cốt truyện, cảnh quay lẫn hiệu ứng hình ảnh.
Đây không phải là lần đầu tiên biên kịch Park Ji Eun bị cáo buộc đạo nhái tác phẩm. Trước đó, bộ phim Vì Sao Đưa Anh Tới của bà cũng từng bị một họa sĩ truyện tranh người Hàn Quốc có tên Kang Kyung Ok tố ăn cắp ý tưởng. Tuy nhiên, cáo buộc này đã nhanh chóng bị nhà sản xuất bác bỏ.
Ngoài ra, nghi án với Huyền Thoại Biển Xanh còn lần nữa khiến Vì Sao Đưa Anh Tới bị “đào mộ” và tung bằng chứng đạo nhái phần hình hiệu mở đầu của series phim Mỹ năm 2008 tên “New Amsterdam”.
Ngoài Huyền Thoại Biển Xanh, một bộ phim khác trong năm 2016 cũng dính nghi án đạo ý tưởng, đó là Pied Piper (biên kịch Ryu Yong Jae) của đài tvN. Go Dong Dong, một họa sĩ webtoon người Hàn, cho biết mình đã xây dựng một câu chuyện hiện đại cho truyện cổ tích Người Thổi Sáo từ cách đây 10 năm, và tới năm 2014, anh đã gửi tác phẩm của mình tới một cuộc thi viết kịch và lọt tới vòng 3.
Go Dong Dong khẳng định, Ryu Yong Jae chính là giám khảo vòng 1 của cuộc thi và đã dành nhiều lời khen ngợi cho anh. 1 năm 3 tháng sau đó, Pied Piper lên sóng tvN và bị họa sĩ họ Go tố rằng đã ăn cắp cả ý tưởng lẫn tên gọi của sản phẩm mà anh từng trình bày trước Ryu.
Ryu thừa nhận mình chính là giám khảo của cuộc thi năm đó. Tuy nhiên, dù rất nhiều bằng chứng đạo nhái đã được chỉ ra, vị biên kịch này khẳng định Pied Piper hoàn toàn là sản phẩm của mình. Ông còn cho biết, ông chỉ là giám khảo vòng 1 của cuộc thi nên không có quyền tiếp cận chi tiết ý tưởng của Go, đồng thời tên ban đầu của họa sĩ Go là Ring Road chứ không phải Pied Piper.
Trước bác bỏ của Ryu, Go nhanh chóng phản hồi tên ban đầu của truyện đúng là Ring Road, nhưng đã được đổi sang Pied Piper ở vòng 2 và 3, và Ryu hoàn toàn có quyền xem xét tác phẩm của anh trong thời gian cuộc thi diễn ra. Ngoài ra, Go còn cho biết anh đang nắm giữ nhiều bằng chứng thuyết phục để chống lại Ryu.
Ngày 21/4, tvN đưa ra thông báo đang trong quá trình điều tra Ryu Yong Jae về nghi án đạo nhái. Trong khi đó, Pied Piper, một bộ phim có sự tham gia của nam diễn viên nổi tiếng Shin Ha Kyun, dù khởi đầu với rating ấn tượng 3.3% nhưng lại sớm tuột dốc không phanh ở những tập sau, chỉ còn đạt hơn 1% mỗi tập.
5. MBC gây tranh cãi với cách thức lựa chọn chủ nhân giải Daesang
Scandal cuối cùng khép lại năm cũ 2016 đến từ sự kiện MBC Drama Awards. Năm nay, MBC quyết định thay đổi chính sách trao nhận giải Daesang – giải thưởng quan trọng nhất ở các lễ trao giải của Hàn. Thay vì chính tay lựa chọn ra nhân vật xuất sắc nhất năm, nhà đài này lại trao quyền quyết định cho các khán giả thông qua… bình chọn.
6 đề cử cho giải thưởng năm nay là Kim So Yeon (Happy Home), Lee Jong Suk (W – Two Worlds), Jin Se Yeon (The Flower in Prison), Han Hyo Joo (W – Two Worlds), Seo Jin Guk (Shopping King Louie) và UEE (Marriage Contract). Hệ thống bình chọn sẽ được mở trong suốt quá trình diễn ra lễ trao giải. Sau khi kết thúc bình chọn, người nhận được số phiếu cao nhất sẽ trở thành chủ nhân giải Daesang.
Với cách làm này, giải Daesang của MBC Drama Awards bị đánh giá là không khác gì giải Ngôi sao được yêu thích nhất, hạng mục mà các nghệ sĩ càng đông fan càng có lợi thế. Và khá dễ dàng, Lee Jong Suk, chàng diễn viên 7 năm kinh nghiệm sở hữu fandom hùng hậu nhất trong số 6 cái tên được đề cử, đã chính thức giành được giải Daesang trước sự ngỡ ngàng của nhiều người và bình thản của những người khác.
Chiến thắng của Lee Jong Suk ngay lập tức trở thành đề tài gây nhiều tranh cãi tại Hàn. Nhiều người chỉ trích MBC cùng thành tích của nam diễn viên trẻ tuổi. Một số khác thậm chí còn cho rằng vẻ mặt của anh lúc nhận giải chính là tâm trạng không quá hạnh phúc hay bất ngờ dù nhận được giải cao nhất. Bài phát biểu của Lee Jong Suk cũng bị chê là quá ngắn. May mắn là vụ lùm xùm này đã lắng xuống khá sớm, và vẫn còn nhiều khán giả ủng hộ ngôi sao họ Lee tại đêm trao giải vừa qua.
Năm cũ đã qua đi, năm mới đã tới. Mong rằng trong năm mới 2017 này, truyền hình Hàn Quốc sẽ còn mang tới nhiều tác phẩm hơn nữa cho các khán giả và cũng thật quá tốt nếu như thị phi cũng ngày một ít đi.
Theo Tri thức trẻ