Cuộc đời mỗi con người chắc hẳn ai cũng đã từng hơn một lần nhận thấy rằng mình hết sức kém cỏi, từng cảm thấy bản thân rơi vào tình trạng bế tắc như thể đang đi vào ngõ cụt.
Cũng giống như đi phỏng vấn xin việc vậy, nếu thành công thì đồng nghĩa với việc bạn có thể thỏa sức vẽ nên tương lai của mình. Còn nếu thất bại, không được nhận việc thì cảm giác chán nản, tuyệt vọng là điều không thể tránh khỏi.
Sau đây, CareerLink.vn (https://www.careerlink.vn/) sẽ chia sẻ một vài gợi ý để giúp bạn có thể bình tâm lại sau khi thất bại trong cuộc phỏng vấn xin việc.
Cho phép bản thân được “buồn”
Thông thường, bạn sẽ nhận được những lời khuyên từ bạn bè, người thân rằng “hãy vui lên, cười lên, không sao đâu” khi phỏng vấn thất bại. Điều này sẽ giúp bạn cải thiện được tinh thần nhưng trước tiên đừng ép bản thân mình quá, hãy cứ khóc nếu bạn cảm thấy “sốc”, cứ buồn nếu cảm thấy không chịu đựng được, mặc dù hơi tiêu cực nhưng điều này là cần thiết. Nhưng phải nhớ, chỉ nên buồn trong chốc lát, trong vài giờ và thời gian còn lại bạn hãy nên trở về là chính bạn trước đây, bắt đầu lại từ đầu.
Tự vấn lại bản thân
Hãy tự vắt tay lên trán suy nghĩ lại chính bản thân mình, chỉ ra đâu là điểm mấu chốt khiến bạn không thể nhận được cái gật đầu từ nhà tuyển dụng. Lấy lại tinh thần sau sự thất vọng bằng cách gặp gỡ bạn bè, người quen để nhận được lời khuyên hoặc có thể mua sắm, đi du lịch ngắn ngày, điều này sẽ khiến bạn quên đi sự buồn chán.
Rút kinh nghiệm cho những lần phỏng vấn kế tiếp là điều cần thiết nhất vào lúc này và bắt đầu hành trình “vá lỗ hổng” cũng như các kĩ năng của bạn chưa đáp ứng được nhu cầu của công ty, từ đó hoàn thiện bản thân hơn trong tương lai.
Nhờ sự tư vấn của nhà tuyển dụng
Nếu bạn vẫn cảm thấy hụt hẫng hoặc chưa hài lòng về buổi phỏng vấn vừa rồi, bạn muốn biết những điểm yếu cũng như điểm mạnh của mình thì có thể mạnh dạn soạn một email trình bày những nguyện vọng, đề xuất và chú ý sử dụng câu từ chuẩn mực để nhờ nhà tuyển dụng chỉ ra những thiếu sót cho bạn. Từ đó mà bạn có thể cải thiện trong lần phỏng vấn tiếp theo, vì đôi khi ý kiến nhận xét từ họ mang ý nghĩa khách quan và chính xác hơn rất nhiều so với đánh giá chủ quan của bản thân.
Tùy vào khả năng giao tiếp khéo léo mà đôi khi bạn gây thiện cảm với nhà tuyển dụng, thậm chí có nhiều trường hợp họ sẽ giới thiệu với bạn 1 chỗ làm khác phù hợp hơn với bạn vào lúc này thông qua mối quan hệ mà họ biết.
Tự tìm cơ hội mới
Sau những lần thất bại, điều đầu tiên bạn cần làm là phải biết đứng dậy từ chính nơi đã vấp ngã. Củng cố tinh thần và lên kế hoạch để lựa chọn ứng tuyển vào công ty phù hợp với sở trường hơn và phát huy tối đa điểm mạnh của bạn.
Đọc kĩ những yêu cầu từ phía nhà tuyển dụng trước khi quyết định nộp hồ sơ, tránh vị trí vượt quá khả năng mà từ đó chọn được cho mình công ty thực sự phù hợp với năng lực bản thân.
Bất kì ai cũng có thể tự tạo riêng cho mình những cơ hội, có quyền được quyết định tương lai của bản thân mình. “Thất bại là mẹ thành công”, chỉ sau khi thất bại, vấp ngã mới giúp chúng ta trưởng thành và mạnh mẽ hơn. Phỏng vấn không thành công chẳng đáng sợ, điều đáng sợ hơn cả là bạn chưa một lần nếm mùi thất bại.