.
.

Photoshop: Từ công cụ sửa ảnh đến vũ khí phá án ấu dâm


Photoshop là công cụ chỉnh sửa ảnh tuyệt vời khi không chỉ mang tới những bức ảnh đẹp mà còn là công cụ giúp các chuyên gia lần tìm được những manh mối dù nhỏ.

Năm 2012, một vụ án ấu dâm được giới hành pháp tại Mỹ phá thành công chỉ nhờ một bức ảnh. Đó là tấm hình chụp một phụ nữ và một bé gái trong dịp nghỉ, trên tay đang cầm những con cá tươi vừa bắt được. Những chi tiết rất nhỏ này chính là chìa khóa dẫn đến một cuộc điều tra liên quan tới ấu dâm tại Mỹ.

photoshop tu cong cu sua anh den vu khi pha an au dam

Tấm hình giúp các nhà điều tra lần ra manh mối của một vụ án ấu dâm năm 2012.

Tấm hình chụp một khu cắm tại ngoài trời tại Richville, bang Minnesota. Tại đây, giới chức Mỹ đã phát hiện, giải cứu được những nạn nhân của một đường dây ấu dâm và buộc tội các bị cáo vào tháng 12/2012.

Đầu tiên, các thám tử phải xác minh được địa điểm chụp tấm hình đó. Họ dùng phần mềm Photoshop để cắt rời hình con cá rồi gửi đến trường Đại học Cornell để xác minh. Các giáo sư tại trường sẽ xác định giống cá từ bức ảnh, qua đó khoanh vùng địa lý nơi có loài này sinh sống.

“Bước tiếp theo, các nhà điều tra sẽ cắt bỏ hình người khỏi ảnh rồi gửi bức hình chỉ còn phông cảnh đến các đơn vị chuyên quảng cáo địa điểm cắm trại ngoài trời ở khu vực được khoanh vùng, nhờ họ xác định vị trí chính xác hơn”, Jim Cole – chuyên viên Chương trình Xác định danh tính nạn nhân tại Lực lượng Quản lý Việc nhập cư ICE, một đơn vị trực thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ nhắc lại.

Ông cho hay, khi các thanh tra tới nơi đã phát hiện tấm hình giống hệt đang dán trên tường văn phòng quản lý cắm trại. “Chúng tôi phải bới tung đáy bể để tìm cây kim”, Jim chia sẻ.

Đó chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp mà Bộ An ninh Nội địa Mỹ cũng như các cơ quan tương tự trên khắp thế giới đang làm mỗi ngày. Họ sử dụng hình ảnh, video và cả những công cụ phân tích âm thanh nhằm tìm và giải mã các vụ án ấu dâm vẫn diễn ra.

Tổ chức phi lợi nhuận có tên Trung tâm quốc gia về Trẻ mất tích và bị lợi dụng tại Mỹ (NCMEC) chỉ tính riêng năm 2016 đã phải làm việc với khoảng 500.000 hồ sơ có liên quan tới việc lạm dụng, bóc lột trẻ em mỗi tuần. Nguồn tin và dữ liệu khổng lồ này được phát hiện trong các cuộc điều tra và gửi đến cơ quan có thẩm quyền thông qua các phương thức liên lạc thông thường hay qua Internet, từ cộng đồng.

Một phần công việc hàng ngày của Jim Cole là phải xem những bức ảnh kinh khủng như vậy. Dù ông và các đồng nghiệp đã phần nào chai sạn với những điều như vậy, nhưng Jim “vẫn thấy có những thứ gây sốc”.

Ông chia sẻ, việc đầu tiên mỗi khi nhận được một tấm hình là xác định xem nạn nhân từng được định danh trước đó hay chưa. Các nhà điều tra sẽ sử dụng phương pháp so sánh đối chiếu hoặc so sánh sử dụng những thông tin được mã hóa của từng ảnh.

“Nhưng điều này cũng không 100% đáng tin”, ông nói. Trên thực thế, các bức ảnh đồi trụy có thể được chia sẻ giữa người này với người khác cả nghìn lần, và có mặt trên rất nhiều website chia sẻ khác nhau. Nếu chỉ một pixel (điểm ảnh) khác, thì dữ liệu cũng thay đổi, hoặc nếu bức ảnh được nén theo một cách khác, thì việc so sánh cũng không còn chính xác.

Thay vào đó, Cole dùng Photo DNA, một công cụ do Microsoft phát triển cho phép tạo “dấu vân tay” riêng dựa trên từng ảnh, từ đó cho phép các nhà hành pháp so sánh nó với các mẫu thử tương tự nhằm tìm ra bức ảnh giống. Nếu nạn nhân chưa từng được định danh trước đó, điều tra viên sẽ tải tấm hình lên kho dữ liệu ảnh liên quan tới trẻ bị lạm dụng tình dục của Interpol (Cảnh sát quốc tế).

Khi phải đào sâu vào thông tin của từng bức ảnh hay video để tìm ra manh mối, Cole sử dụng nhiều chương trình khác nhau cho mỗi giai đoạn để phục vụ việc điều tra.

Bắt đầu bằng Analyze DI, công cụ hữu ích để tìm ra các phần khác nhau trong bức ảnh, từ đó ông có thể xác định bức ảnh nào có giá trị điều tra rồi chuyển nó sang phần mềm Photoshop để tăng cường chi tiết, làm rõ. Adobe Premiere sẽ dùng với video, còn Adobe Audition dành cho file âm thanh. Đây đều là các phần mềm thông dụng trên máy tính và không ít người quen dùng. Ngoài ra còn một số chương trình khác ít nổi tiếng hơn, với các công dụng riêng biệt.

“Photoshop thực sự rất hữu dụng”, Cole nói. Ông thậm chí còn được hãng Adobe lắng nghe những gợi ý về tính năng cần trên các phần mềm của họ, hoặc được cung cấp quyền sử dụng một số công cụ mới mà chưa ai được dùng.

“Chúng tôi sẽ chia bức hình ra, tìm mọi yếu tố, tất cả những gì có trong tấm ảnh đó”, ông cho hay. Không chỉ nội dung bức ảnh, dữ liệu EXIF cũng được dò tìm cẩn thận. EXIF sẽ cung cấp rất nhiều thông tin không hiển thị trên nội dung như loại máy, lọa ống kính dùng để chụp, thời gian chụp…

photoshop tu cong cu sua anh den vu khi pha an au dam

Logo trên ngực áo tố giác kẻ ấu dâm tại Maryland (Mỹ).

Trong một bức ảnh thu được từ nguồn tin, nghi phạm mặc chiếc áo màu xám và phần logo màu xanh hải quân ở ngực rất khó nhận ra. Để có thể đọc dòng chữ đó, Cole đã tăng độ sáng nhưng vẫn chưa đủ. Việc tiếp theo là giảm độ mờ ảnh, thêm các bộ lọc làm tăng độ sắc nét rồi sử dụng công cụ thay đổi màu. Từng lớp ảnh được bóc tách bằng công nghệ cho tới khi dòng logo cho thấy đây là đồng phục của một công ty chuyên về nhiệt, điện tại Maryland (Mỹ).

Nghi phạm trong vụ án sau đó được xác định là một nhân viên cũ tại đây. Vụ án được phá và 4 nạn nhân được giải cứu nhờ việc xác minh được logo áo trong bức hình.

Mỗi vụ án sẽ có những cách khác nhau để lần tìm manh mối, dù chỉ là đọc được dòng mô tả trên lọ thuốc hay làm rõ logo cửa hàng đồ ăn nhanh in trên cốc soda trên ảnh. Một số vụ chỉ mất vài tiếng để tìm ra sự thật, nhưng cũng có những vụ vẫn bỏ ngỏ sau cả thập kỷ điều tra.

Công cụ mà Cole dùng không chỉ giúp ông tìm ra manh mối, mà còn bị chính những kẻ ấu dâm sử dụng để che dấu thân phận, thứ mà Cole gọi là “kỹ năng chống nhận dạng”.

Khánh Linh

Theo VNM – PL.XH



Bài viết cùng chuyên mục