Cứ tối 30 Tết, nhà nhà lại mong chờ chương trình Táo quân với những màn diễn hấp dẫn nhưng đằng sau những tiếng cười người ta lại được thấy quá khứ buồn ít biết của các Táo.
Cứ tối 30 Tết, nhà nhà lại mong chờ chương trình Táo quân với những màn diễn hấp dẫn nhưng đằng sau những tiếng cười người ta lại được thấy quá khứ buồn ít biết của các Táo.
Chương trình Táo quân đêm giao thừa luôn là “món ăn” tinh thần không thể thiếu đối với người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc. Nhìn họ diễn hay, cười chân thành như thế nhưng ai thấu hiểu để có một tên tuổi như ngày hôm nay, các Táo đã phải trải qua những nốt trầm buồn không phải ai cũng hiểu.
“Cô đẩu” Công Lý: Ám ảnh trung thu không có đồ chơi bị bạn bè xa lánh
Nói đến danh hài Công Lý là người ta nhớ đến một “Cô Đẩu” chảnh chọe, lòe loẹt và lắm chiêu trò và xét về cuộc sống đời tư dư luận cũng nhìn thấy lắm rối rắm. Đã từng trải qua hai đời vợ lại sống kiếp con chung con riêng và giờ đây lại có bạn gái mới nên người ta càng có một cái nhìn “là lạ” về Công Lý.
Có một “Cô Đẩu” như thế trong “Táo quân” cuối năm.
Có người nói rằng anh đào hòa sát gái, có kẻ lại miệng lưỡi cho rằng anh quá đa tình, tất cả đều tạo nên một Công Lý khá xa cách với một Công Lý tài năng trên sân khấu. Nhưng trên tất cả những thị phi ấy, “Cô Đẩu” lại im lặng hoặc ngó lơ tất cả.
Phải đến thời gian gần đây khi gặp được PV Tri thức trẻ cũng là một người em thân thiết, Công Lý mới thực sự cởi tấm lòng của mình. Người đàn ông trải qua hai lần đò và có khả năng sắp cập bến lần 3 lại thẫn thờ tìm một vé về tuổi thơ. Cái tuổi thơ ám ảnh bởi cái nghèo quay quắt nhưng anh vẫn đau đáu bởi điều đó làm nên tính cách trong con người danh hài.
Anh đã kể với Tri thức trẻ về một kỉ niệm khiến anh bật khóc mỗi khi hồi tưởng. Đó là trung thu của năm ấu thơ nọ, bố mẹ nghèo túng đến mức đã không mua đồ chơi cho con. Vậy là cả Công Lý và chị gái chẳng có mặt nạ đẹp để hòa chung không khí “phá cỗ” đêm rằm cùng bạn bè trong xóm.
Nỗi buồn thuở ấu thơ ít biết của Công Lý.
Ấy vậy là, Công Lý và chị tự vẽ mặt nạ ra giấy rồi kỳ công làm nên một món đồ chơi để hòa chung niềm vui với các bạn. Tiếc thay, bao công sức cố gắng đã tan tành thành bong bóng xà phòng khi bạn bè Công Lý không cho anh chơi vì mặt nạ xấu xí.
Nỗi đau bị chính “đồng đội” của mình bỏ rơi, nỗi cô đơn lạc lõng xâm chiếm đã trở thành ký ức đau thương của Công Lý. Cho đến tận bây giờ khi đã thành danh, Công Lý vẫn đắng đót mỗi khi nhắc đến.
“Táo Giao thông” Chí Trung xót xa nghĩ về ngày cưới
“Táo quân” Chí Trung được xem là danh hài có nụ cười vô tư cùng gương mặt trẻ trung đem lại tiếng cười sảng khoái cho tất cả mọi người. Cuộc sống hạnh phúc đầm ấm hiện tại của anh cũng khiến cho bao người ngưỡng mộ nhưng ít ai biết rằng đã có lúc Chí Trung phải trải qua những năm tháng vất vả.
Nhí nhảnh hồn hậu và chân thành là cách “Táo Giao thông” gây ấn tượng cho mọi người.
Theo như anh chia sẻ, cha mẹ anh chia tay, anh phải sống tự lập, trong những năm tháng khó khăn ấy anh đã trải qua rất nhiều cơ cực mà điều anh nhớ nhất chính là kỉ niệm về đám cưới của mình. Trong đám cưới năm ấy, Chí Trung kể anh đã phải mượn quần áo của một người bạn.
Anh kể: “Nhà vợ tôi được xem là “có của ăn của để” thời bấy giờ nên cỗ cưới rất to nhưng về phía nhà tôi thì tổ chức lại rất giản dị. Nhà tôi nghèo nên mọi thứ chỉ làm đơn giản thôi chứ có đâu để mà làm rình rang. Thậm chí, trong đám cưới, quần áo chú rể tôi còn phải đi mượn. Vậy nên, khi mặc lên trông buồn cười lắm, bởi người bạn cho tôi mượn thì cao còn tôi lại thấp”.
Nhưng quá khứ của Chí Trung cũng có nốt trầm khiến nhiều người xót xa.
Nói về đám cưới đơn sơ, anh đã trải lòng khi viết tâm thư gửi vợ: “Anh là một thanh niên nghèo như hàng triệu thanh niên thời đó, đến đón em bằng chiếc xe đạp cà tàng vừa đi vừa rút búa thủ trong người ra để gõ lại cái đinh ca vét chốt ở bàn đạp. Tại nhà anh lúc đó cũng “linh đình” nhưng chỉ là một mâm cơm để cám ơn mấy người bạn bè rất thân sau khi ở phòng cưới, đêm về ăn cho đỡ đói lòng”.
Thậm chí, Chí Trung còn kể đêm tân hôn, đêm hạnh phúc của các cặp vợ chồng mới cưới mà anh và vợ còn phải ngủ ở căn phòng 7m2 cùng 2 cặp vợ chồng khác. Nói về điều này, “Táo Giao thông” chỉ cười: “Chắc là em chẳng bao giờ tưởng tượng như chuyện đó là có thật”.
Thời làm đủ nghề để “kiếm cơm” của “Táo Tinh thần”
Say mê nhiệt huyết với sân khấu chính là cách Tự Long trả ơn khán giả.
NSND Tự Long được biết đến là nghệ sĩ đa năng và luôn nhận được tình cảm yêu mến của khán giả. Mỗi mùa “Táo quân” về là nhà nhà xóm xóm lại chộn rộn khấp khởi chờ đón sự xuất hiện của anh. Và không phụ lòng người xem, Tự Long diễn say mê đắm đuối trên sân khấu với những giọt mồ hôi ướt đẫm trên mặt và vạt áo. Cống hiến trên sân khấu với những vai diễn hài hước nhưng đằng sau những điều đó Tự Long đã phải trải qua muôn vàn cay cực trong cuộc sống.
Tự Long đã từng trải lòng về quá khứ riêng tư ít biết của mình.
Trước khi trở thành một diễn viên hài, một lãnh đạo nhà hát, Tự Long từng trải qua đủ nghề để “có bát cơm”. Anh từng là lơ xe tuyến Bắc Ninh – Hà Nội với tiếng hò hét: “Lên xe bà con ơi, Hà Nội – Bắc Ninh đê”. Từ một lơ xe “cà lơ phất phơ” với đầu trọc da đen nhẻm, Tự Long lại chuyển nghề làm thợ mộc. Sau đó anh lại xoay qua làm thợ hồ để có đủ tiền trang trải cuộc sống. Sau tất cả những thăng trầm từ Nam chí Bắc cuối cùng cái duyên nghề đã giúp Tự Long tỏa sáng ở sân khấu Hài.
(Theo Giadinh.net.vn)