Hội thảo kéo dài hai ngày lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam đã quy tụ các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia quản lý về bình đẳng, đa dạng và khuyết tật, những người làm việc trong mảng này, các chuyên viên tư vấn, cố vấn và chuyên gia y tế, đến cùng xác định và xóa bỏ rào cản để người khuyết tật có thể theo học các chương trình giáo dục và đào tạo bậc đại học.
Hội thảo ‘Thực hành Tiếp cận và Hội nhập trong giáo dục sau phổ thông tại Việt Nam’ diễn ra tại Đại học RMIT Việt Nam được tổ chức dựa trên các quy tắc thực hành tiếp cận và hội nhập, với nhiều loại hình hỗ trợ và dịch vụ dành cho người tham dự với các nhu cầu khác nhau.
Phó hiệu trưởng (Phụ trách đào tạo) của Đại học RMIT Việt Nam Giáo sư Rick Bennett cho biết hội thảo cung cấp kiến thức lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn của chuyên gia trong nước và quốc tế.
“Qua các bài tham luận, tác phẩm nghệ thuật, áp phích thông tin, trưng bày và buổi ra mắt sách, cộng đồng sẽ có cơ hội hiếm có nâng cao hiểu biết về lĩnh vực này”, Giáo sư Bennett chia sẻ. “Hội thảo đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ các chuyên gia đang hoạt động trong lĩnh vực này cũng như ngành giáo dục nâng cao chuyên môn, đồng thời khuyến khích các phiên thảo luận và tranh luận nhằm đóng góp cho ngành và đảm bảo rằng tất cả đều đồng tâm hướng đến thực hiện mô hình tốt đẹp hơn”.
Phó hiệu trưởng (Phụ trách đào tạo) của Đại học RMIT Việt Nam Giáo sư Rick Bennett cho biết hội thảo cung cấp kiến thức lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn của chuyên gia trong nước và quốc tế. Bài phát biểu của ông và tất cả các diễn giả khác được trình bày bằng ngôn ngữ ký hiệu để hỗ trợ khán giả gặp khó khăn về thính giác.
Thống kế cho thấy cứ 25 người ở Việt Nam sẽ có khoảng một người bị khiếm thị, và 15-20% dân số thế giới được cho là gặp khó khăn trong học tập liên quan đến ngôn ngữ (LBLD). Năm 2013, RMIT Việt Nam đã ra mắt Bộ phận Bình đẳng giáo dục và Hỗ trợ người khuyết tật nhằm tạo điều kiện để mọi sinh viên có thể tiếp cận với tài liệu học một cách bình đẳng, không sinh viên nào bị bất lợi và nhằm đem đến một hệ thống bình đẳng cho tất cả mọi người.
Thừa hành Phó chủ tịch (Phụ trách đào tạo) kiêm Phó giám đốc Đại học RMIT Úc Giáo sư Belinda Tynan cho biết nhờ dùng đúng phương tiện và có cách nhìn đúng đắn về tiếp cận và hòa nhập, nhiều sinh viên khiếm thị và mắc LBLD đã “đạt kết quả học tập tốt hơn với các tài liệu học bình đẳng”.
Bạn Nguyễn Tuấn Tú, sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh doanh (Hệ thống thông tin trong kinh doanh) RMIT Việt Nam là sinh viên khiếm thị đầu tiên theo học tại ngôi trường này. Tú cũng có bài tham luận chia sẻ với đại biểu tham dự hội thảo về hành trình của bạn với RMIT, qua đó thể hiện rõ nét về cam kết và những nỗ lực của trường trong hỗ trợ sinh viên có khiếm khuyết.
Khởi đầu với tư cách sinh viên học tiếng Anh, Tú đã thử dùng nhiều cách khác nhau để hỗ trợ việc học và gặt hái được nhiều thành công ở nhiều mức độ khác nhau.
“Thách thức lớn nhất tôi từng gặp phải là tham gia đầy đủ vào các hoạt động trong lớp và hiểu rõ tài liệu học”, Tú chia sẻ. “Tuy nhiên, ý thức về hoàn cảnh của mình, tôi đã tự thiết lập chiến lược học riêng, cũng như giúp nhiều thầy cô và nhân viên trường biết cách hỗ trợ những sinh viên như tôi một cách thích hợp”.
Kể từ khi tốt nghiệp vào năm 2017, Tú tiếp tục hỗ trợ RMIT thực hiện nhiều dự án giúp người khuyết tật, đồng thời tìm kiếm cơ hội chia sẻ kinh nghiệm với các trường và tổ chức khác nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng.
Hội thảo bàn luận về nhiều chủ đề như tiếp cận và hoà nhập trong giáo dục bậc đại học, tiếng nói và hành trình của sinh viên, truy cập và quản lý kỹ thuật số, chuyển tiếp sang thế giới công việc, dạy theo hướng hòa nhập và thiết kế phổ quát cho học tập, và giới thiệu Quy chế Đa dạng và Hoà nhập cũng như bộ phận Bình đẳng Giáo dục tại RMIT.
Qua bài tham luận của ông Đặng Hoài Phúc, Giám đốc Trung tâm Sao Mai dành cho người khiếm thị, khách tham dự được biết thêm về chương trình hỗ trợ giáo dục ở Việt Nam, bàn về những thách thức và khó khăn ngăn cản sinh viên khiếm thị tiếp cận bình đẳng và hiệu quả giáo dục bậc đại học.
Trong bài tham luận của ông Đặng Hoài Phúc, Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp và Công nghệ trợ giúp cho người mù Sao Mai (bên trái), ông đã chia sẻ về chương trình hỗ trợ giáo dục ở Việt Nam, bàn về những thách thức và khó khăn ngăn cản sinh viên khiếm thị tiếp cận bình đẳng và hiệu quả giáo dục bậc đại học.
Hai mươi năm sau khi bị mất thị lực vào năm chín tuổi hậu quả từ một vụ nổ mìn, ông Phúc đã có nhiều đóng góp cho cộng đồng và nắm giữ vai trò đầu tàu trong nhiều dự án lớn dành cho cộng đồng người khiếm thị như ra mắt mạng lưới đào tạo máy tính từ xa vào năm 2003, phát triển thư viện tài liệu học số trực tuyến và phần mềm hỗ trợ dành cho người khiếm thị, và xây dựng chương trình hỗ trợ giáo dục bậc cao.
Trong suốt hai ngày hội thảo, người tham dự còn được nghe những chia sẻ quý báu từ giảng viên cấp cao Đại học Nam Úc, chuyên gia tiếp cận kỹ thuật số và tác giả sách Tiến sĩ Scott Hollier, Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Quỹ vì Người mù Malaysia ông Silatul Rahim Dahman, Cán bộ Quyền của Người khuyết tật tại chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc bà Đào Thu Hương, chuyên gia thiết kế học tập điện tử cho người khiếm thị Tiến sĩ Ruchi Permvattana và cố vấn bộ phận Bình đẳng giáo dục tại RMIT Tiến sĩ Tori Jackson.
Những thông tin quý báu được chia sẻ bởi giảng viên Đại học Nam Úc và Đại học Edith Cowan, chuyên gia tiếp cận kỹ thuật số và tác giả sách, Tiến sĩ Scott Hollier – cũng là một người khiếm thị tại hội thảo.
Hội thảo do Đại học RMIT Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Sao Mai tổ chức vào ngày 8 và 9/1/2020 tại cơ sở Nam Sài Gòn của trường.
RMIT