.
.

RMIT hợp tác với Mindshare Việt Nam nâng cao trải nghiệm cho sinh viên


Khoa Truyền thông và Thiết kế (Đại học RMIT) và Mindshare Việt Nam vừa ký Biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm nâng cao năng lực học tập cũng như trải nghiệm cho sinh viên ngành sáng tạo trong quá trình các bạn theo học tại RMIT.

Photo 1

(Từ trái sang) Ông Shankar Rajagopal (Giám đốc Mindshare Việt Nam) và Giáo sư Rick Bennett (Phó hiệu trưởng – Phụ trách đào tạo kiêm Trưởng khoa Truyền thông và Thiết kế RMIT Việt Nam) tại lễ ký kết.

Là một trong những tổ chức giáo dục và đào tạo truyền thông hàng đầu Việt Nam với sứ mệnh giúp sinh viên sẵn sàng cho cuộc sống và công việc, RMIT hợp tác chặt chẽ với đối tác trong ngành nhằm mang đến cho sinh viên trường những trải nghiệm, kiến thức và kỹ năng thực tiễn.

Trong những năm gần đây, Đại học RMIT thường xuyên hợp tác với Mindshare và các công ty trực thuộc Group M và WPP [những tập đoàn hàng đầu thế giới về truyền thông và quảng cáo] thông qua các hoạt động như thực tập, đào tạo và diễn giả khách mời.

Với hơn 6.000 nhân viên trên 82 quốc gia, Mindshare là công ty toàn cầu đầu tiên được WPP thành lập vào năm 1997, chuyên cung cấp giải pháp truyền thông và marketing cho các thương hiệu. Đơn vị này dùng phương thức sáng tạo và công nghệ để quảng bá hình ảnh cũng như việc kinh doanh của khách hàng.

Giám đốc Mindshare Việt Nam Shankar Rajagopal chia sẻ: “Chúng tôi tin tưởng rằng yếu tố quan trọng góp phần vào vị thế hàng đầu của mình trong lĩnh vực truyền thông quảng cáo chính là nguồn nhân lực tài năng ở Việt Nam, cũng như tại các quốc gia khác trên thế giới. Với phương châm này, Mindshare quyết định hợp tác với RMIT nhằm giúp đào tạo ra những nhân sự tốt nhất trong lĩnh vực báo chí và truyền thông cho tương lai ngành quảng cáo Việt Nam. Việc giáo trình học song hành cùng trải nghiệm thực tế chuyên sâu sẽ cho ra trường những nhân viên ưu tú – những người sẵn sàng bắt tay vào làm việc ngay từ ngày đầu tiên”.

Photo 2

(Từ trái sang) Ông Richard Parker (phụ trách Đối tác và Chiến lược), ông Sudarshan Saha (Giám đốc phụ trách nhãn hàng Unilever), ông Shankar Rajagopal (Giám đốc Mindshare Việt Nam), Giáo sư Rick Bennett (Phó hiệu trưởng – Phụ trách đào tạo kiêm Trưởng khoa Truyền thông và Thiết kế RMIT Việt Nam), Phó giáo sư Jerry Watkins (Chủ nhiệm ngành Truyền thông), Giáo sư Julia Gaimster (Phó trưởng khoa Truyền thông và Thiết kế), và cô Trần Thị Ngọc Thanh (Giảng viên Khoa Truyền thông và Thiết kế) tại lễ ký kết.

Trong khuôn khổ dự án tốt nghiệp năm cuối, qua hàng loạt yêu cầu công việc [brief] từ khách hàng, sinh viên sẽ được trang bị sẵn sàng cho môi trường làm việc thật sự. Các bạn sẽ có cơ hội giải quyết các vấn đề thật hoặc mô phỏng do Mindshare thiết kế. Các bạn sẽ trình bày giải pháp, và lắng nghe nhận xét và hướng dẫn từ chuyên gia trong ngành.

Bên cạnh các dự án trong lớp học, sinh viên sẽ tự tích lũy được kinh nghiệm từ năng lực lên kế hoạch truyền thông cũng như phương pháp phân tích xuất sắc của Mindshare qua các chuyến tham quan văn phòng làm việc, các buổi hội thảo, chia sẻ từ khách mời và các hoạt động ứng dụng bản chất của chơi game, vào suốt quá trình học của các bạn.

Theo Giám đốc phụ trách nhãn hàng Unilever của Mindshare Việt Nam Sudarshan Saha, “Cách mạng công nghiệp đã và đang thay đổi quá trình mua sắm của người tiêu dùng. So với trước đây, quá trình này không còn là một đường thẳng đơn thuần, nên chúng ta phải học cách sử dụng dữ liệu để kết nối thương hiệu với khách hàng theo cách giúp tăng thêm giá trị cho cuộc sống của họ”.

Chương trình Đối thoại về Sáng tạo do RMIT tổ chức là sự kiện khởi động cho những hoạt động thể hiện trong Biên bản ghi nhớ hợp tác, với sự hiện diện Mindshare Việt Nam gồm ông Richard Parker (phụ trách Đối tác và Chiến lược) và ông Sudarshan Saha (Giám đốc phụ trách nhãn hàng Unilever). Buổi đối thoại giới thiệu về ý tưởng phát triển dữ liệu trong truyền thông giữa thương hiệu và khách hàng.

“Trong thời đại định hướng theo dữ liệu, các thương hiệu đã và đang chuyển đổi chiến lược marketing từ đại chúng sang cá nhân hóa”, ông Sudarshan chia sẻ. “Thương hiệu và người làm tiếp thị cần chú trọng việc lắng nghe điều mà dữ liệu đang cố nói với chúng ta”.

Biên bản ghi nhớ có hiệu lực ba năm kể từ ngày ký.

 

Lisa Thúy/starpressvn.net



Bài viết cùng chuyên mục