.
.

Sài Gòn nhìn lâu càng đẹp


Hồi tôi còn nhỏ xíu, mỗi lần nghe nhắc đến Sài Gòn, tự dưng trong lòng luôn dậy lên một niềm hào hứng và thèm được một lần đặt chân đến.

Thoáng đó, đã bao nhiêu năm tôi định cư tại vùng đất chói chang nắng ấm Sài Gòn? Chẳng nhớ nữa. Ngày tháng cứ trôi qua, từng ngày, từng ngày theo công việc mà mình đã gắn bó.

Trong truyện dài Sân trường kỷ niệm (NXN Trẻ – 1990), tôi có kể lại: “Tôi vốn là dân miền Trung, nhưng mấy năm theo học ở Sài Gòn tôi bỗng nhiên mê giọng nói của họ một cách lạ lùng. Ngày xưa, ngày tôi còn nhỏ, tôi còn nhớ ông dượng – chồng bà dì ruột tôi thường xuyên đi Sài Gòn. Với tôi Sài Gòn là một địa danh, một vùng đất xa vời vợi mà tôi không thể hình dung nổi họ sống họ sinh hoạt như thế nào cả. Ở quê tôi mỗi lần có người đi Sài Gòn là cả xóm vây quanh đến hỏi “tình hình trong nớ” ra răng! Có người còn giữ được giọng Quảng Nam, nhưng cũng có người cố tình nói theo giọng Sài Gòn. Kỷ niệm tôi còn giữ lại trong ký ức là có lần ông dượng tôi nói bằng giọng hai miền cộng lại: “Tao vào trỏng đi xe buýt sướng dễ sợ, xe chạy vù vù… Tao vào trỏng uống la-de và ăn mì xồ”. Lẽ ra nói “mì xào” thì ông dượng tôi lại nói “mì xồ” rặt Quảng Nam nên mọi người cười như nắc nẻ”.

Sài Gòn nhìn lâu càng đẹp - 1

Sài Gòn nhộn nhịp, sôi động từ xưa tới nay. Ảnh tư liệu chụp sau năm 1975

Lại nhớ thêm kỷ nệm những ngày sinh viên khốn khó từ Thủ Đức đạp xe về trung tâm quận 1, sau bữa ăn trưa: “Chúng tôi kéo nhau vào rạp Bến Thành. Lâu lâu mới có dịp về Sài Gòn nên chúng tôi tranh thủ thời gian để tận hưởng những gì mà trong đời sống tinh thần thiếu thốn. Hơn thế nữa, do không có nhà bà con cư ngụ tại thành phố nên lúc nào chúng tôi cũng chọn rạp chiếu bóng làm nơi nghỉ trưa. Ở đó thật thuận tiện. Chúng tôi vừa có nước rửa mặt, vừa có ghế nằm dài nếu thức thì mở mắt ra xem phim, còn không thì cứ việc… ngáy khò khò”… Mà cách lựa chọn này, nhà văn Mạc Can có lần kể lại, rạp chiếu bóng vẫn là nơi thời trẻ ông lui tới nhiều lần cũng vì lý do đó.

Thoáng đó, tôi đã sinh con đẻ cái và có một mái ấm nơi này. Hạnh phúc quá, chứ còn gì nữa. Sài Gòn, âm vang của nó luôn gợi lại trong tôi kỷ niệm êm đềm. Mới đây nhất, khi thực hiện chương trình Vui sống mỗi ngày (VTV 3) nhân kỷ niệm ngày 30.4 năm nay, MC đã bất ngờ hỏi: “Có câu thơ nào khiến anh nhớ nhất khi nghĩ về Sài Gòn?”.

Dù không chuẩn bị trước, ngoài kịch bản nhưng tôi vụt nhớ đến câu thơ của nhà thơ Hưởng Triều: “Sài Gòn nhìn lâu càng đẹp”. Đúng thế, với cư dân nơi khác đến, có thể ban đầu họ khó chịu vì sự ồn ào, tấp nập, “Ngựa xe như nước, áo quần như nêm” (Truyện Kiều), bụi bặm, âm thanh nhộn nhạo nhưng rồi càng ở lâu thì lại… càng mê!

Sài Gòn nhìn lâu càng đẹp - 2

Những con đường rợp bóng me ở Sài Gòn. Ảnh: Saostar

Một trong những cái đẹp khiến tôi mê nhất, nhà thơ Diệp Minh Tuyền đã viết: “Con đường có lá me bay/ Chiều chiều ta lại cầm tay nhau về”. Những hàng me trên phố xá Sài Gòn, nhất là lúc chiều rực nắng, ngước mắt nhìn lên vòm xanh mới thấy hết vẻ đẹp lung linh của thiên nhiên ban tặng. Lá me nhỏ xíu ấy, có lần nhà thơ Lê Thị Kim cảm nhận: “Tay tôi như có ai cầm/ Thì ra một lá me nằm trong tay”. Vời vợi tình cảm. Khó quên.

So với mấy mươi năm trước, Sài Gòn nay đã khác nhiều lắm. Những con phố, những con đường, những ngõ hẻm, những tòa nhà cao ốc, những dòng kênh… đã thay đổi từng ngày. Một Sài Gòn đã hoàn toàn khác trước. Nhưng tính cách của người Sài Gòn liệu có thay đổi?

Sài Gòn nhìn lâu càng đẹp - 3

Theo tôi, vẫn là không. Câu chuyện dài dòng này, có thể phân tích từ khuya đến sáng vẫn chưa hết, ở đây, tôi chỉ nêu một thí dụ nhỏ. Đó là thùng nước trà đá mát lạnh do người hảo tâm nào đó đặt ngay trên lề đường, ai thích thì xin mời. Trưa hè nắng gắt, lúc dừng chân đợi đèn xanh đèn đỏ, thuận tay với lấy ly nước mát rười rượi, há chẳng phải khoái trá lắm sao?

Đã có lần, thật lòng suy nghĩ: “Sau này, đi nhiều nơi, tôi nhận ra rằng, Sài Gòn vẫn là nơi dễ sống nhất. Anh em, bầu bạn chơi với nhau, có thể cả đời chưa ai ghé thăm nhà ai, chỉ gặp nhau ngoài quán nhậu nhưng đã thân tình thì rất mực. Mà thật lạ, dù sinh ra ở vùng miền nào nhưng lập nghiệp ở Sài Gòn, hầu như ai ai cũng có được đức tính ấy. Nghĩa là tính cách địa phương bị bào mòn dần để “ai sao mình vậy”, chan hòa, thu hẹp khoảng cách”.

Bây giờ, tôi vẫn nghĩ thế.

Theo Khám phá



Bài viết cùng chuyên mục