Đã khá lâu rồi màn ảnh rộng mới xuất hiện một tác phẩm kinh dị- giật gân xuất sắc khiến khán giả phấn khích tột độ như Kẻ Vô Hình. Ngay trong cuối tuần đầu tiên ra mắt, tác phẩm mới của đế chế kinh dị Blumhouse đã chứng minh sức hút của mình bằng danh hiệu số một phòng vé. Tại Bắc Mỹ, Kẻ Vô Hình có màn “chào sân” hoành tráng với doanh thu 29 triệu đô la, vượt cả con số mà các chuyên gia trước đó đã dự đoán. Còn tại Việt Nam, bộ phim cũng giữ vị trí số một tại các rạp chiếu. Với 49 triệu đô la toàn cầu, Kẻ Vô Hình đã có “bội thu” gấp 7 lần kinh phí sản xuất chỉ sau 3 ngày.
Kẻ Vô Hình là tác phẩm kinh dị, giật gân mang màu sắc khoa học giả tưởng về nhân vật huyền thoại ra đời từ cách đây gần 100 năm. Nhân vật vốn được biết tới trong văn hóa đại chúng là một nhà khoa học điên rồ, đã tìm ra cách khiến bản thân tàng hình và từ đó nhúng tay vào những vụ án ghê rợn. Với phiên bản tái sinh lần này, Kẻ Vô Hình lấy bối cảnh hiện đại và xoay chuyển toàn bộ góc nhìn của bộ phim. Nếu như trong các phiên bản trước, khán giả thường được theo chân tên phản diện điên loạn thì lần này, câu chuyện được kể từ góc nhìn của nạn nhân xấu số. Cecilia Kass là một nữ kiến trúc sư trẻ, đang sống chung cùng người bạn trai là thiên tài hàng đầu thế giới. Cuộc sống hàng ngày của cô như một cơn ác mộng vì phải hứng chịu sự bạo hành từ gã bạn trai giàu có, quyền lực. Một ngày, Cecilia tìm cách trốn khỏi căn nhà của hắn dưới sự giúp đỡ của em gái và bạn thân. Những tưởng cô đã thoát được sự kiểm soát khi nghe tin hắn tự vẫn. Nhưng kể từ đây, hàng loạt hiện tượng kỳ lạ xảy ra khiến Cecilia nghi ngờ bạn trai chưa hề qua đời. Cái chết giả chỉ là cái cớ để tên hắn tiếp tục ám ảnh và kiểm soát cô.
Ý tưởng về một người có khả năng tàng hình và lợi dụng khả năng này để rình rập người khác là nền móng ấn tượng cho một tác phẩm kinh dị, giật gân ăn khách. Nhưng không chỉ có vậy, Kẻ Vô Hình chính là ẩn dụ cho hành vi kiểm soát nạn nhân của một kẻ bạo hành thực sự. Khi lựa chọn góc tiếp cận từ phía nạn nhân, đạo diễn kiêm biên kịch Leigh Whannell đã nghiên cứu rất nhiều câu chuyện và bài phỏng vấn với các chuyên gia về bạo hành gia đình. Trong phim, khán giả không được chứng kiến tận mắt cảnh Adrian bạo hành Cecilia khi hai người chung sống. Nhưng tất cả vẫn toát lên vô cùng chân thực từ sự ám ảnh tâm lý mà nhân vật Cecilia thể hiện.
Phối hợp hoàn hảo với kịch bản vô cùng chân thực của Leigh Whannell là diễn xuất đỉnh cao của nữ chủ nhân giải Quả Cầu Vàng Elisabeth Moss. Nữ diễn viên giàu kinh nghiệm trong dạng vai phụ nữ bị bạo hành đã giành rất nhiều tâm sức cho vai diễn này. “Bộ phim kể về một gã vô hình, người ta không thể thấy hắn. Cô ấy khẳng định rằng hắn ở đó, hắn tấn công, bạo hành, thao túng cô nhưng những người xung quanh chỉ an ủi rằng chẳng có chuyện gì hết. Cô liên tục nói rằng hắn đang làm chuyện này với tôi nhưng không có ai tin”, Elisabeth Moss mô tả.
Cho đến hiện tại, Kẻ Vô Hình vẫn giữ vững điểm số 90% chứng nhận “tươi” trên chuyên trang Rotten Tomatoes. Hàng loạt trang tạp chí uy tín dành nhiều lời có cánh ngợi khen Kẻ Vô Hình và những mô tả xuất sắc và chân thực về nạn bạo hành dưới lớp vỏ một bộ phim kinh dị hấp dẫn. Một lần nữa, nhà sản xuất lừng danh Blumhouse ghi dấu thành công ở thể loại giật gân này.
Theo BaoMoi