Sau Signal của đài tvN đầu năm ngoái, người Hàn hiện đang phát cuồng với một bộ phim hình sự khác đến từ OCN mang tên “Voice”.
Đầu 2016, đài cáp tvN thành công rực rỡ với hit drama Signal, một bộ phim thuộc thể loại hình sự pha yếu tố giả tưởng khi để các nhân vật ở quá khứ và hiện tại liên lạc với nhau thông qua một chiếc điện đàm bí ẩn. Khoản lợi nhuận mà Signal mang về cho tvN chắc chắn là cực kì khủng khiếp khi mà rating của phim đã lên tới con số 12.5%, đối với một đài cáp thì kết quả này quả là quá dữ. Về phần vinh danh giải thưởng, đây chính là Bộ phim của năm tại Baeksang Arts Awards lần thứ 52, trong khi kịch bản của nó đã giúp cho biên kịch Kim Eun Hee đoạt giải Biên kịch xuất sắc nhất năm tại cùng lễ trao giải.
Sau những gì đã làm được, Signal hoàn toàn xứng đáng với việc được người Hàn nhắc tới liên tục cùng những lời ca ngợi trong suốt một năm qua. Những tưởng sẽ phải mất thêm một thời gian nữa để khán giả tìm được “hậu duệ” của bộ phim trên màn ảnh xứ kimchi, khi mà trong 12 tháng vừa rồi, quả thực chưa có một drama hình sự nào xứng tầm để có thể đặt cạnh tượng đài này. Ấy vậy mà, sau đúng một năm kém 8 ngày, đã thực sự xuất hiện một siêu phẩm “tẩm ngẩm tầm ngầm”, dù mới lên sóng được hai tập nhưng cũng đủ khiến các tờ báo Hàn phải giật tít tràn đầy kì vọng về một “Signal thứ hai”. Đó chính là Voice, đại diện mới nhất tới từ người anh em của tvN – đài cáp OCN.
Sở hữu tựa phim ngắn gọn và bắt mắt, Voice (Giọng Nói) sớm gây tò mò cho người xem khi khai thác một đề tài còn khá lạ lẫm trên truyền hình Hàn, xoay quanh những cảnh sát thuộc Trung tâm cuộc gọi khẩn cấp, sử dụng thông tin từ những cuộc gọi tới đầu số 112 để xác định vị trí của nạn nhân và tội phạm gây án. Hai nhân vật chính của Voice là Moo Jin Hyuk (Jang Hyuk) và Kang Kwon Joo (Lee Ha Na), vừa đủ một nam một nữ nhưng tất nhiên, chẳng có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ trở thành một cặp đôi yêu nhau mùi mẫn trong bộ phim hình sự này cả.
Moo Jin Hyuk là một cảnh sát có tiếng, song một biến cố xảy ra cách đây 3 năm đã làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của anh ta, biến anh ta trở thành một gã đàn ông nóng tính, nhạy cảm và đôi chút lôi thôi. 3 năm trước, người vợ của Moo Jin Hyuk bị một kẻ lạ mặt tấn công sau khi cưỡng hiếp không thành. Trong lúc hoảng loạn chạy trốn, cô ta đã gọi điện cho đầu số khẩn cấp 112 để tìm kiếm sự giúp đỡ. Thế nhưng, trước khi cảnh sát kịp tìm ra vị trí của cô hiện tại, người phụ nữ xấu số đã bị giết chết tại chỗ sau 30 phát đánh vào đầu bằng một quả tạ của tên biến thái, khuôn mặt biến dạng hoàn toàn.
Đau đớn trước cái chết của vợ, Moo Jin Hyuk càng trở nên giận dữ sau khi Kang Kwon Joo, nhân chứng duy nhất của vụ án, người đã nhận cuộc gọi của vợ Moo Jin Hyuk và lắng nghe tất cả những âm thanh kinh sợ nhất đêm đó, đã bất ngờ phủ nhận cáo buộc tên côn đồ Go Dong Chul (Seo Ho Chul) chính là kẻ sát nhân. Bằng những gì mình nghe được, cô ta khẳng định giọng nói của Go Dong Chul và hung thủ thực sự là không giống nhau.
Kang Kwon Joo tin rằng, kẻ đã gây nên cái chết cho người phụ nữ và kẻ đã giết hại người cha cảnh sát của cô ít lâu sau đó chính là một người. Thế nhưng, đoạn ghi âm trong vụ án thứ hai đã bị tuyên bố không tồn tại, và Kang Kwon Joo trở thành kẻ nói dối trong mắt Moo Jin Hyuk.
Vụ án khép lại cùng sự biến mất của Go Dong Chul, còn Kang Kwon Joo thì lên đường sang Mỹ du học trước những con mắt nghi ngờ của nhiều người. Quay về Hàn Quốc sau khi đã trở thành một chuyên gia phân tích giọng nói, cô đề nghị thành lập một đội điều tra mang tên Golden Time, với tham vọng giải cứu thành công nạn nhân trong vòng 10 phút kể từ thời điểm bất kì cuộc gọi nào được gửi tới 112.
Trong 2 tập đầu tiên, Golden Time đã nhận được 2 cuộc gọi. Từ một người coi hành động của Kang Kwon Joo là lợi dụng chính cái chết của cha mình để thăng tiến, Moo Jin Hyuk đã bất ngờ trở thành đồng đội của cô, sau khi anh nhận ra những gì đang xảy đến với những nạn nhân kia chính là thứ mà vợ mình đã phải trải qua 3 năm trước.
Không xoay quanh những cuộc điều tra phá án kéo dài nhiều ngày với những tình tiết, manh mối mới xuất hiện dồn dập qua mỗi tập, Voice vẫn khiến người xem phải tim đập thình thịnh vì những cuộc giải cứu nạn nhân đầy kịch tính gói gọn trong từng tập phim của mình. Mỗi vụ án của phim đều là một cuộc chạy đua căng thẳng giữa ba bên. Một là nạn nhân – người đang rút hết sự can đảm và bản năng sống sót để không thể chết. Hai là người phạm tội – kẻ chẳng có gì ngoài mục tiêu tìm lại con mồi vừa để “sổng” mất. Cuối cùng là lực lượng cảnh sát đang có mặt tại trụ sở của 112 – những người sẽ lắng nghe trực tiếp từng lời kêu cứu của nạn nhân để đưa ra phán đoán chính xác nhất, trước khi kẻ ác kịp quay lại và biến tất cả trở thành một kí ức kinh hoàng không thể nào quên.
Voice như một cuộc chơi trốn tìm kinh dị, nơi từng bước chân của những tên săn mồi là nỗi ám ảnh đối với không chỉ nạn nhân hay cô cảnh sát Kang Kwon Joo, mà còn cả với những khán giả theo dõi bộ phim qua màn ảnh nhỏ. Là người trực tiếp theo dõi toàn bộ hành động của cả ba tuyến nhân vật, người xem như thể đang được “live stream” một vụ án thực sự mà không bị biên kịch “ém hàng” bất kì một tình tiết nào cho tới phút cuối.
Khán giả có thể đặt mình vào vị trí của 112, nơi tiếp nhận cuộc điện thoại của nạn nhân, nhưng mặt khác cũng có thể có cảm nhận như chính nạn nhân lúc này vậy! Làm thế nào để chạy trốn? Trốn ở đây có an toàn không? Hắn đã nhìn thấy mình chưa? Hắn sẽ làm gì với mình? Cảnh sát, họ đã đến đâu rồi? Với Voice, người xem như thể được trải qua cảm giác căng thẳng hay sợ hãi tột độ của nhân vật. Bởi thế cho nên, chưa cần tới sự xuất hiện của bất kì tên tội phạm tinh vi nào, Voice cũng đã khiến các khán giả của mình phải nhiều phen toát mồ hôi hột khi theo dõi.
Giống như cái tên của mình, một điểm cộng rõ nét của Voice nằm ở phần âm thanh trong phim. Từng giọng nói hổn hển của nạn nhân hay chết chóc của kẻ giết người, từng tiếng động dù chỉ là chậm rãi cũng có thể trở nên đáng sợ, tất cả đều được đội ngũ biên tập thực hiện một cách chỉn chu nhằm mang tới hiệu ứng mạnh mẽ cho diễn biến câu chuyện. Hình ảnh trong phim cũng là một yếu tố được chăm chút kĩ lưỡng, trong khi việc chuyển cảnh luôn được đạo diễn tính toán hợp lí sao cho chẳng cần quá đột ngột cũng đủ khiến người xem phải lạnh sống lưng.
Một ưu điểm khác nữa của Voice, liên quan tới phần nội dung, chính là nó không bị nhồi nhét bởi yếu tố melo đã quá đỗi quen thuộc trong phim Hàn. Thay vì lạm dụng những phân cảnh lấy nước mắt mà đôi khi có thể khiến câu chuyện trở nên lê thê, biên kịch Ma Ji Won để chính cá tính của các nhân vật, đặc biệt là Moo Jin Hyuk do Jang Hyuk thủ vai, làm nhiệm vụ dẫn dắt cảm xúc người xem tới sự đau đớn, cảm thương và phẫn nộ. Điều này được thể hiện rõ nét ở phân đoạn nhân vật Moo Jin Hyuk nằm bên thi thể của vợ mình.
Vì là phim của OCN, một nhà đài chuyên trị phim hình sự, các khán giả cũng sẽ không phải lo lắng trước màn thể hiện của các cảnh sát trong phim. Không có những cảnh loay hoay với tội phạm hay chạy lạch bạch như mấy anh nghiệp vụ yếu kém trên phim của đài công cộng, cảnh sát của Voice ít nhất là nhanh nhẹn hơn, đánh đấm đã hơn và chuyên nghiệp hơn.
Cũng giống như khá nhiều tác phẩm gần đây của Hàn, Voice sử dụng yếu tố thiên tài/ siêu năng lực khi để nhân vật Kang Kwon Joo là một người có khả năng nghe được những âm thanh mà người thường không nghe thấy được. Chi tiết thiên tài/ siêu năng lực trong drama Hàn thường khá bắt mắt nhưng lại gây ra không ít nhiều khó chịu cho người xem, khi các biên kịch thường quá lạm dụng yếu tố này để xoay chuyển câu chuyện một cách dễ dãi. Tuy nhiên, có vẻ như biên kịch của Voice sẽ không để câu chuyện của mình bị lệ thuộc vào năng lực đặc biệt của nữ chính. Sai lầm vẫn có thể xảy ra kể cả khi bạn nghe được những tiếng động nhỏ nhất. Các khán giả đang tò mò không biết, liệu Kang Kwon Joo sẽ có thể vận dụng khả năng khác người của mình đến như thế nào để đối phó với những vụ án càng về sau càng trở nên phức tạp của phim.
So với Signal có Jo Jin Woong, Kim Hye Soo và Lee Je Hoon, dàn cast của Voice không ấn tượng bằng với Jang Hyuk và Lee Ha Na, đều là hai thực lực diễn xuất nổi bật của Hàn Quốc nhưng lại không phải là những “cỗ máy rating” ăn tiền. Thật ra, vai nữ chính từng được gửi lời mời tới hai nhân vật tiếng tăm của màn ảnh rộng là Bae Doo Na và Chun Woo Hee, phần nào cho thấy sự tự tin của biên kịch Ma Ji Won vào kịch bản của mình, song cả hai diễn viên cuối cùng đều từ chối nhận vai.
Tuy nhiên, Lee Ha Na không hề là một lựa chọn tồi. Với những trải nghiệm sau hai tập phim đầu tiên, người hâm mộ có thể yên tâm vào màn thể hiện của nữ diễn viên sinh năm 1982 cho 14 tập còn lại của Voice. Về phía Jang Hyuk, nam diễn viên Beautiful Mind tiếp tục làm hài lòng khán giả bởi diễn xuất dạn dày, “điên điên” cùng chất giọng trầm đặc trưng đầy thu hút. Về phần nhìn, bộ đôi của Voice còn gây ấn tượng khi cả hai đều sở hữu nhan sắc “băng lãnh” cực hút mắt.
Theo AGB Nielsen Hàn Quốc, rating của Voice đã tăng từ 2.346% ở tập 1 lên 2.986% ở tập 2, một khởi đầu đầy khả quan cho sản phẩm của đài cáp OCN. Sau những gì đã thể hiện trong 120 phút đầu tiên, đây thực sự là tác phẩm đáng xem trong số những bộ phim hiện đang lên sóng. Nếu như bạn đang hoang mang vì Weightlifting Fairy Kim Bok Joo đã hết còn Goblin cũng sắp sửa hạ màn, hãy cho Voice một cơ hội. Bộ phim hiện đang được phát sóng vào thứ Bảy – Chủ Nhật hàng tuần trên đài OCN.
Theo Tri thức trẻ