MooAV trông giống như một con bọ máy khổng lồ, nhưng nó có thể là chiếc xe của tương lai.
Xe tự hành của MooVita đang được thử nghiệm. Nguồn: Innovate Singapore.
Dillip Limbu, giám đốc điều hành của MooVita, tiết lộ rằng thiết kế kỳ quặc của MooAV, là có chủ đích.
“Với mục đích tạo sự khác biệt với các phương tiện thông thường khác, MooVA, cần phải có thiết kế gây ấn tượng mạnh ngay từ cái nhìn đầu tiên, và nổi bật hơn hẳn các mẫu xe khác”, ông chia sẻ.
Cuối năm 2017, Singapore đã khai trương Trung tâm thử nghiệm và nghiên cứu xe tự lái (Cetran) nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ tự lái. Nằm trong khuôn viên của Đại học Công nghệ Nanyang, Cetran có diện tích hơn hai hecta, được thiết kế giống như một hệ thống giao thông đường bộ thực sự, có đầy đủ các cột đèn tín hiệu giao thông ở các giao lộ, các vạch kẻ băng qua đường dành cho người đi bộ, các trạm xe buýt. Cetran cũng có thể mô phỏng các điều kiện thời tiết nhiệt đới bao gồm mưa và lũ lụt giống như khí hậu ở Singapore và các nước trong khu vực.
Cetran là sáng kiến của chính phủ Singapore, được thiết kế và xây dựng bởi Cục Quản lý giao thông đường bộ Singapore (LTA), Cơ quan Phát triển hạ tầng và công nghiệp nhà nước Singapore (JTC) và Đại học Công nghệ Nanyang.
Trung tâm thử nghiệm và nghiên cứu xe tự lái (Cetran)
Đến nay, Cetran đã thu hút hơn 10 công ty khởi nghiệp ở Singapore và trên thế giới đưa xe của họ đến thử nghiệm. Các xe tự lái tham gia hoạt động thử nghiệm Cetran phải được gắn một hộp đen thu thập 17 loại dữ liệu (góc lái, tốc độ, băng ghi hình…) và gửi hầu hết các dữ liệu này về cho LTA theo thời gian thực.
Các dự án như đường chạy thử nghiệm ở Đại học Công nghệ Nanyang đã giúp Singapore trở thành một trung tâm phát triển xe tự lái của thế giới.
“Dân số Singapore đang già với tốc độ nhanh hơn bất cứ nơi nào trên thế giới, vậy nên công nghệ xe tự lái thực sự thuận lợi giúp người già đi lại dễ dàng hơn”, Subodh Mhaisalkar, giáo sư phụ trách tại Viện Nghiên cứu Năng lượng của Nanyang, cho biết. Ngoài ra, việc thiếu hụt tài xế trong tương lai cũng là một lí do để phát triển loại hình giao thông công cộng mới này.
Tại Singapore, xe tự lái đang chạy xen lẫn với xe truyền thống trên một số tuyến đường và khu vực được chỉ định riêng. Để đảm bảo an toàn, chính phủ Singapore đã áp đặt các giới hạn cho xe tự lái chạy thử nghiệm.
Chẳng hạn, luật Singapore yêu cầu xe tự lái chạy thử nghiệm cần phải có một tài xế bên trong xe để giám sát và sẵn sàng can thiệp vào những tình huống mà xe tự lái chưa xử lý được. Ngoài ra, xe tự lái bị giới han tốc độ 30km/giờ trở xuống. Các rủi ro liên quan đến thử nghiệm xe tự lái trên đường phố công cộng gây sự chú ý trên toàn cầu khi một phụ nữ bị xe tự lái của Uber đâm tử vong tại bang Arizona (Mỹ) hồi năm ngoái.
Xe tự lái đang được thử nghiệm tại Cetran
Trong hai năm qua, công ty tư vấn KPMG đã xếp hạng Singapore là quốc gia thứ hai có sự chuẩn bị tốt nhất cho các phượng tiện tự hành sau Hà Lan khi xét đến những tiến bộ công nghệ, chính sách của chính phủ, lợi ích người tiêu dùng và các yếu tố khác.
Chiếc MooAV, vẫn đang trong tình trạng nghiên cứu và phát triển, hoạt động như một chiếc xe bình thường trên đường chạy thử của đại học Nanyang.
Theo Limbu, những chiếc xe như MooAV sẽ trở thành một cảnh tượng phổ biến tại Singapore trong việc chở khách trên các tuyến đường cố định trong một vài năm tới.