.
.

Sinh viên khởi nghiệp công nghệ và những kỹ năng để ‘sống sót’


Nhiều doanh nhân “lăn lộn” trong hoạt động khởi nghiệp chia sẻ, sinh viên muốn làm startup cần phải có 3 kỹ năng: học tập trên internet, ngoại ngữ và kỹ năng mềm.

Sinh viên khởi nghiệp công nghệ và những kỹ năng để 'sống sót' - 1

Sinh viên trường ĐH sư phạm kỹ thuật TP.HCM chia sẻ về chủ đề khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ thông tin tại một sự kiện cộng đồng của Hội tin học TP.HCM. Ảnh: HCA.

Theo một thống kê, tính đến tháng 4 năm 2017, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam đạt mức 18,000 đơn vị. Đặc biệt, khởi nghiệp về công nghệ thông tin được xem là một trong những mũi nhọn trong phong trào phát triển này.

Song, theo tỷ lệ sống sót của startup Việt đã được công bố, 80% doanh nghiệp không tồn tại quá 2 năm hay chỉ có 3% doanh nghiệp là thành công thực sự. Đa số doanh nghiệp khởi nghiệp đều thiếu người dẫn đường, vì họ đều thiếu kinh nghiệm, thiếu định hướng, kiến thức lẫn kinh nghiệm từ những người đi trước.

Hiểu được thực tế này, Hội tin học TP.HCM nhiều năm qua đã tổ chức các chương trình chia sẻ về chủ đề khởi nghiệp, các xu hướng công nghệ, những câu chuyện khởi nghiệp thành công, thất bại, những kĩ năng mềm dành cho sinh viên…

Năm 2018, Hội tin học TP.HCM đã tổ chức một chuỗi các hoạt động cộng đồng với chủ đề “Khởi nghiệp sáng tạo trong kỷ nguyên số” với sự tham gia của 10 trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP.HCM. Hoạt động thu hút, gần 6000 sinh viên, 50 doanh nghiệp công nghệ thông tin tham gia giao lưu; hơn 30 diễn giả đến từ các doanh nghiệp; 10 gương mặt trẻ đại diện cho lĩnh vực khởi nghiệp chia sẻ về Hành trình từ khởi nghiệp đến doanh nhân.

Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng thư ký Hội tin học TP.HCM cho biết, hiện thành phố có khoảng 30 cơ sở ươm tạo và 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Số lượng và hoạt động của nhà đầu tư thiên thần ở Việt Nam bắt đầu có xu hướng tăng. Đây là một tín hiệu tốt thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam.

Chuỗi hoạt động năm nay với các câu chuyện thành công – thất bại trong “Hành trình từ khởi nghiệp đến doanh nhân” đến từ các gương mặt trẻ nội bật trong giới khởi nghiệp sẽ là làn gió mới giúp truyền cảm hứng và khích lệ các bạn sinh viên dám nghĩ dám thực hiện các ý tưởng của mình.

“Trong những năm gần đây với tốc độ bùng nổ về công nghệ và ứng dụng công nghệ mới trong phạm vi toàn cầu cùng với việc rất nhiều quỹ đầu tư của nước ngoài tìm kiếm tài năng trong lĩnh vực R&D (nghiên cứu, triển khai). Chúng tôi đẩy mạnh thêm các nội dung về khởi nghiệp sáng tạo, tầm nhìn và tiêu chuẩn của công dân toàn cầu cho toàn bộ sinh viên”- ông Tuấn nói.

Ông Phí Anh Tuấn, Tổng giám đốc công ty tư vấn P.A.T Consulting, người có gần 20 năm kinh nghiệm khởi nghiệp trình bày quan điểm, sinh viên không chỉ nên phấn đấu lúc đi làm mà cần phải phấn đấu từ quá trình học tại trường.

“Bên cạnh việc học chuyên môn là chuyện mặc nhiên, các bạn sinh viên cần mở rộng kiến thức chuyên sâu thông qua Internet, giỏi ngoại ngữ và thành thạo các kỹ năng mềm”- ông Tuấn nói.

Ông cũng khuyến nghị, mọi công dân ở tất cả các quốc gia đều bình đẳng trước làn sóng công nghệ mới, điều đó bắt buộc các bạn sinh viên phải tìm cách thích ứng. Sinh viên phải dám suy nghĩ sẽ trở thành một công dân toàn cầu sẵn sàng làm việc trong môi trường quốc tế dù học tập tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Thu Sang, Giám đốc truyền thông Mạng xã hội kinh doanh AZIBAI bày tỏ mong muốn đẩy mạnh việc hợp tác với các trường đại học, cao đẳng tạo điều kiện cho các bạn sinh viên của trường có cơ hội thực hành trên hệ sinh thái nền tảng số Azibai.

“Bên cạnh đó Mạng xã hội kinh doanh Azibai sẽ tạo điều kiện và hỗ trợ sinh viên của trường đến tham quan thực tế quy trình làm việc, tham gia kiến tập, thực tập và thực hành các dự án môn học chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực Công nghệ thông tin và Đa ngành”- bà Sang nói.

Theo Khám Phá



Bài viết cùng chuyên mục