Luật sư Trịnh Anh Dũng chỉ rõ, dù tác giả các ca khúc bị Sơn Tùng M-TP đạo không lên tiếng, nam ca sĩ này vẫn có thể phải chịu án phạt từ cơ quan chức năng.
Sơn Tùng đạo có chủ đích
Kể từ khi mới bước chân vào nghề cho tới khi xác định đi theo con đường ca hát chuyên nghiệp và trở thành thần tượng của hàng triệu khán giả trẻ, Sơn Tùng tiếp tục hành vi đạo nhạc. từ ‘Em của ngày hôm qua’, ‘Cơn mưa ngang qua’, ‘Nắng ấm xa dần’…cho tới ‘Chắc ai đó sẽ về’ và mới đây nhất là ‘Chúng ta không thuộc về nhau’.
Từ đạo vì yêu mến các tác phẩm đó nên tìm cách bắt chước, Sơn Tùng chuyển sang đạo một cách có ý thức, có chủ đích rất rõ ràng, thậm chí, còn có cả một chiến lược để đạo đúng ca khúc đang làm mưa làm gió trên thị trường âm nhạc thế giới và tung sản phẩm đạo đúng vào thời điểm MV bản gốc được tung ra toàn cầu (phần audio đã được ra mắt trước đó gần nửa năm).
Ca khúc mới nhất của Sơn Tùng ‘Chúng ta không thuộc về nhau’ được cho là đạo bài ‘We don’t talk anymore’ của Charlie Puth và Selena Gomez
Hàng loạt các nghệ sĩ có tên tuổi và chuyên môn như nhạc sĩ Phó Đức Phương, Trương Ngọc Ninh, Dương Khắc Linh, Trần Minh Phi tới các ca sĩ như Tùng Dương, Vũ Cát Tường….đều xác định được các sáng tác của Sơn Tùng là sản phẩm ăn cắp.
Công chúng cũng không khó khăn trong việc trong việc phát hiện những trùng lặp trong sáng tác của Sơn Tùng M-TP với các sản phẩm nước ngoài.
Tuy nhiên, giọng ca người Thái Bình vẫn không bị xử lý, để rồi hết lần này tới lần khác, anh ngang nhiên vay mượn chất xám của các nghệ sĩ khác, để xây dựng nên sự nghiệp cho mình.
Tùng Dương lên tiếng gay gắt trước vấn đề đạo nhạc của Sơn Tùng M-TP
Việc Sơn Tùng cần phải bị xử lý là điều nhiều người nghĩ tới, tuy nhiên, xử lý như thế nào là điều khiến nhiều người bối rối, nhất là khi giọng ca sinh năm 1994 chỉ đạo những tác phẩm của các nghệ sĩ nước ngoài.
Xử lý Sơn Tùng: Khó nhưng có thể làm được
Dưới góc nhìn về luật pháp, luật sư Trịnh Anh Dũng (Văn phòng luật sư Trịnh) đã chỉ ra những khía cạnh pháp lý để cho thấy, mặc dù hành động đạo nhạc của Sơn Tùng M-TP là rất khó để xử lý nhưng nếu chúng ta cương quyết, Sơn Tùng vẫn có thể phải nhận án phạt từ hành động ăn cắp bản quyền.
Luật sư Trịnh Anh Dũng có những chia sẻ dưới góc độ pháp lý về vấn đề đạo nhạc của Sơn Tùng M-TP
Theo Luật sư Trịnh Anh Dũng, quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam ban hành năm 2006, đạo nhạc được hiểu là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, mà cụ thể là xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc dưới hình thức ‘Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả’ và ‘Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả’.
Những đối tượng vi phạm luật sở hữu trí tuệ có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự, tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm.
Luật sư Trịnh Anh Dũng phân tích, hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm ở Việt Nam có thể bị xử lý hình sự nếu hành vi này được thực hiện với quy mô thương mại.
Tuy nhiên, do khái niệm ‘quy mô thương mại’ chưa có văn bản hướng dẫn nên trên thực tế, chưa có cá nhân nào bị xử lý hình sự về hành vi này.
Biện pháp dân sự chỉ được tiến hành khi tác giả có tác phẩm âm nhạc bị xâm phạm khởi kiện lên tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Điều này đồng nghĩa với việc, Sơn Tùng chỉ có thể đối mặt với biện pháp xử lý dân sự, nếu như tác giả các ca khúc mà anh đã ‘đạo’ khởi kiện. Điều này khó có khả năng xảy ra vì Sơn Tùng đã rất khôn ngoan khi ăn cắp chất xám của các nghệ sĩ nước ngoài. Những người này ít có khả năng biết tới hành động của anh, hoặc nếu biết cũng có thể bỏ qua.
Theo luật sư Trịnh Anh Dũng, nếu bị kết luận đạo nhạc, khả năng lớn nhất Sơn Tùng sẽ phải chịu biện pháp xử lý hành chính.
Theo quy định của pháp luật, biện pháp này được áp dụng theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra hoặc đôi khi là chỉ cần tổ chức cá nhân phát hiện hành vi xâm phạm hoặc cơ quan có thẩm quyền chủ động phát hiện.
Như vậy, ngay cả khi tác giả không có đơn yêu cầu, nhưng nếu tổ chức, cá nhân khác hoặc cơ quan có thẩm quyền chủ động phát hiện hành vi xâm phạm, thì việc đạo nhạc của Sơn Tùng cũng có thể bị xem xét xử lý hành chính.
Hình phạt này có thể là ‘nhẹ’ so với hành vi của Sơn Tùng. Tuy nhiên, nó có thể phần nào ngăn chặn việc anh ngang nhiên ăn cắp sản phẩm của các nghệ sĩ khác hết lần này tới lần khác mà không phải gánh chịu bất cứ hậu quả nào.
Hơn nữa, nó cũng sẽ là tiếng chuông cảnh tỉnh cho các nghệ sĩ trẻ khác, đừng chọn con đường để được nổi tiếng theo cách của Sơn Tùng M-TP.
Sơn Tùng có thể bị phạt ngay cả khi tác giả những ca khúc mà anh đạo không lên tiếng
Theo luật sư Trịnh Anh Dũng, đã đến lúc, dư luận cần phải lên tiếng mạnh mẽ và các cơ quan có thẩm quyền cũng nên vào cuộc để tránh tình trạng đạo, ăn cắp bản quyền âm nhạc một cách ngang nhiên và công khai như hiện nay.