“Trong cái nghề này, cho dù bạn có thành công ở vai diễn này, vai diễn sau bạn thất bại thì người ta vẫn đánh giá bạn là một người thất bại” – diễn viên Thái Hòa trải lòng.
Bước ngoặt cuộc đời
Tôi nghĩ tính cách mình được hình thành từ nhiều câu chuyện lớn nhỏ xảy đến trong cuộc sống. Một trong những biến cố quan trọng nhất đối với cuộc đời tôi là năm tôi học trong trường Sân khấu.
Lúc mới vào trường, gia đình tôi khá giả lắm. Tôi còn có chiếc honda 89 – 70 để chạy, giá khoảng 4 cây vàng. Thời điểm đó, xe cộ không chỉ là phương tiện mà còn là tài sản rất là quý giá. Tôi chưa có thích nghề diễn ngay đâu, chỉ vô học theo lời mẹ tôi gợi ý. Tính tình ham vui, cộng thêm trong trường có nhiều cô gái đẹp, rồi thoải mái quậy phá thì mình thích thôi. Nhưng đến khi bắt đầu học thì mình bắt đầu cảm thấy có đam mê với kịch hơn.
Rồi đến giai đoạn gia đình dần làm ăn thất bại, bị suy sụp về kinh tế. Lúc đó, tôi không còn được chu cấp để có tiền ăn học nữa. Tuy vậy mẹ vẫn ráng chừa cái xe máy cho tôi để tôi đi học, nhưng rồi tôi làm mất. Khi làm mất chiếc xe, tôi thấy khủng khiếp lắm, không thể nào gọi điện mở lời nói chuyện với mẹ được vì cái xe lúc đó là tài sản rất lớn còn lại của gia đình. Vậy nên lúc đó, tôi quyết định bỏ đi luôn không về nhà nữa.
Từ một thằng công tử được mẹ cho tiền, được xe cộ, được mọi thứ hết thì lúc đó tôi phải bắt đầu tự bản thân mình bươn chải đi kiếm tiền để mà có tiền ăn, ở, tiền đóng học phí… Làm một ngày chỉ có 20 ngàn thôi, có khi chỉ có 10 ngàn, mà lúc đó một dĩa cơm mà 5 ngàn rồi.
Lúc đó sống khó khăn lắm, vì không phải ngày nào mình cũng có tiền ăn cơm. Có khi vô trường chỉ có hai ngàn trong túi thôi, mà hai ngàn lúc đó mua được một xô trà đá với lại hai, ba điếu thuốc. Xong rồi ngồi hút thuốc, uống trà đá thay cơm. Thí dụ đói quá uống trà đá vô nó lạnh làm mình bớt đau bao tử, cứ “nạp” vô xin thêm nước. Căng quá thì mua thêm xô nữa.
Tôi còn nhớ lúc làm soát vé ở sân khấu hài 135 thì có một hôm gặp mấy đứa bạn vô xem. Mình cũng đứng soát vé, cũng chào hỏi bình thường nhưng mà mấy đứa bạn lại cảm thấy tội nghiệp cho tôi. Sau này khi tôi có chút được thành công thì chính mấy bạn đó kể lại “Lúc đó tụi tao nhìn mày thấy tội nghiệp lắm, tụi tao không có dám nói với mày, tụi tao chỉ là đi vô trong rồi nói chuyện với nhau thôi”.
Tôi thì đơn giản nghĩ, dù cho có làm những công việc chẳng cao sang gì nhưng mà nó có thể nuôi sống mình là được. Với lại tôi rất thích làm công việc đó, vì được ngồi gần cánh gà sân khấu coi đàn anh đàn chị diễn và được nói chuyện với mấy anh chị trong đó mình cũng cảm thấy vui lây. Nó cũng rất cần thiết cho cái nghề mình nên tôi rất vô tư, không nghĩ gì hết.
Tất cả trải nghiệm đó là bước ngoặt rất quan trọng trong đời tôi. Giống như nếu mà không trải qua giai đoạn đó chưa chắc mình đã nên người. Nó làm cho tôi tự nhiên đùng một cái phải biết lo, biết sợ cho bản thân mình hơn và quý trọng đồng tiền mà mình làm ra. Tại vì lúc trước, tôi cũng đi chơi với bạn bè khắp nơi, đua xe, đánh lộn rồi thậm chí là đi giật dọc… Nhưng dần cảm thấy chơi với đám bạn vậy mình cũng hòa theo họ thì nguy hiểm quá. Chỉ cần trong một lần đua xe gây tai nạn, hoặc là quậy phá, đâm chém, đánh lộn thì tôi nghĩ có thể mình sẽ ngã qua cái hướng giống như là giang hồ luôn.
Bỏ nghề
Từng hai lần tôi có ý định bỏ nghề. Lần đầu tiên là khi tôi học năm nhất, được thầy Công Ninh dẫn đi xem chú Thành Lộc diễn vở Dạ Cổ Hoài Lang. Tôi nghĩ trong đầu: “Trời, sao ổng diễn được như vậy hay vậy trời, hát cũng được, múa cũng được, cái gì cũng làm được hết trơn. Còn mình thì hát mới thi được một học kỳ, học kỳ hai đã bị cấm thi rồi. Múa thì người mình cứng ngắt. Vậy sao mình được như ổng, học làm chi?”. Vậy là tôi có suy nghĩ không biết mình có nên dừng lại hay không. Về sau tôi có một cơ hội để “thoát” ra khỏi bế tắc đó cũng nhờ chú Thành Lộc.
Một lần thứ hai là vào năm tôi 24 tuổi. Lúc đó nghĩ về tương lai thấy bấp bênh quá, một ngày đi làm có khi còn không được 5 ngàn để ăn cơm. Thế lại nghĩ đến việc dừng lại. Tôi có khấn Tổ rằng: “Tổ thương con thì cho con thấy một dấu hiệu gì đó, giống như Tổ có nhìn con, rồi sống chết gì con cũng đi theo cái nghề này”. Vậy là năm đó, tôi và đám bạn làm vở kịch “Phòng trọ 3 người” đi thi sân khấu kịch toàn thành chuyên nghiệp với mục đích kiếm tiền vì nguyên đám ai cũng nghèo. Kết quả, vở này giành được giải B với tiền thưởng 10 triệu đồng và giới chuyên môn khen ngợi nhiều. Bản thân tôi lại được giải “Diễn viên trẻ triển vọng” nữa. Cảm giác như đây chính là dấu hiệu mà tôi được cho thấy để tiếp tục đi với nghề, đúng vào năm 24 tuổi.
Sau thành công đó, tôi nhận được một vai cho một bộ phim truyền hình mà có mơ tôi cũng không nghĩ mình có cơ hội được giao. Cảm giác thực sự sung sướng khi một người không thân thích nhìn nhận năng lực và tin tưởng giao cho mình một vai diễn trước nhiều diễn viên khác mà họ có thể chọn.
Bẵng đi sau đó, mọi việc trở về bình thường. Tôi tiếp tục làm nhiều công việc khác để kiếm tiền. Trong số đó có công việc nhắc tuồng tại sân khấu Idecaf. Tôi muốn được có cơ hội gần hơn với chú Thành Lộc cùng những anh chị khác kỳ cựu trong nghề để mở mang kinh nghiệm trong nghề. Vì tôi biết trong đầu vẫn còn nhiều khúc mắt sau lần xem vở “Dạ Cổ Hoài Lang” của chú Lộc. Dần dần tiếp xúc và làm việc, tôi có được sự bình tĩnh hơn, nhìn ra được điểm mạnh của chú là gì, điểm yếu của mình. Từ đó biết chọn lọc những điều có học hỏi cho bản thân và bù đắp cho những gì thiếu sót. Chính cái duyên làm việc ở đây cũng giải tỏa trong tôi những vấn đề của giai đoạn đầu tiên tôi từng muốn bỏ nghề.
Lặng lẽ đeo khẩu trang vào rạp, vào toilet nghe phản hồi về phim
Tôi vốn rất sợ xem những suất phim công chiếu với báo chí hoặc chỉ toàn với anh em trong nghề. Bởi thứ nhất, những ngày ra phim là thời gian tôi rất căng thẳng; thứ hai là khi mình đã căng thẳng vậy mà mình vô ngồi trong không khí chỉ toàn là những người xem với con mắt chuyên môn cảm thấy rất là mệt.
Vì vậy thường phim ra xong, tôi chọn xem suất nào chỉ có khán giả bình thường, lặng lẽ đeo khẩu trang vô rồi ngồi coi. Đối với tôi, trên đường đi ra khỏi rạp hoặc ở trong toilet là ở những chỗ tôi nghe người ta phản hồi về phim chính xác nhất, quý báu nhất. Tôi thích nghe những lúc đó nhất, đặc biệt là những phim mang tính giải trí.
Đối với những lần nghe khán giả nhận xét phim của mình là hài nhảm, tôi cảm thấy rất buồn, rất đau. Tại vì khi mình bỏ công sức, tâm huyết vô rất nhiều để rồi bị nhận xét vậy, mình đau lắm. Và cứ như vậy, tôi ôm cái buồn, cái đau đó mà không thể nào nói được với ai hết.
Với tôi, “cái nhảm” là những phim mình làm dễ dãi, tâm lý nhân vật cũng dễ dãi, bối cảnh trong phim cũng dễ dãi, âm nhạc dễ dãi, quay phim dễ dãi, dựng dễ dãi, các diễn viên ra thoại thì lắp ba lắp bắp, hay là không đầu tư tới nơi tới chốn thì đó mới là nhảm. Còn với những bộ phim hài về sau này làm giống nhau riết rồi người ta hay có thói quen giống như ờ mấy phim hài là hay nhảm nhảm. Riết rồi cứ định nghĩa hài là nhảm.
Trước những lời nói đó mình không thể nào đứng ta phản bác lại được hết. Vì càng thanh minh, giải thích phim cặn kẽ phim mình như thế này thế kia, cứ thấy nó trẻ con và “hèn hèn” sao đó. Đối với tôi như vậy là không hay. Chính vì vậy mỗi khi đọc những lời bình luận tích cực, bênh vực từ khán giả giống như đang có người chìa tay kéo mình lên vậy, mừng lắm. Cảm giác có thêm động lực để cố gắng hơn nữa.
Trong cái nghề này có một cái mà luôn khiến cho mình phải cố gắng nhiều hơn nữa, đó là cho dù bạn có thành công ở vai diễn này, vai diễn sau bạn thất bại thì người ta vẫn đánh giá bạn là một người thất bại, là một người chưa hề có cái gì hết. Thành thử ra không có thể nói mình đã thành công vai diễn này, mình đã ở vị trí như vậy rồi thì những vai diễn sau mình sẽ được trên đỉnh cao.
Bản thân người làm nghề cũng phải tỉnh táo nữa vì không phải lúc nào lời khen, tiếng chê cũng đúng hết. Thí dụ như có những cái khen nó sẽ làm mình bị chủ quan, hoặc là có những cái chê mà theo cái kiểu hơi vùi dập nó sẽ làm mình mất lòng tin vào bản thân luôn.
“Ông hoàng phòng vé” – Tôi nghĩ cái đó là thành quả và sự cố gắng cho cái sự liều lĩnh của mình.
Bản thân tôi thực sự không quan tâm đến danh xưng “ông hoàng phòng vé”. Đối với tôi, cái đó nó giống như là nói chơi cho vui, để giật tít hay là để làm cái gì đó khiến người ta chú ý thôi. Tôi luôn muốn hướng đến chuyện khán giả thấy mình thế nào trong sản phẩm đó, muốn thấy người ta sẽ tin là Thái Hòa đang xuất hiện trong sản phẩm được đầu tự đàng hoàng, kĩ lưỡng, chất lượng.
Hồi xưa không có điều kiện, bị ràng buộc về kinh tế quá mạnh thì mình không có lựa chọn, cái gì cũng phải làm, phim nào người ta kêu mình cũng phải đóng để mình kiếm tiền. Nhưng mà bây giờ thì áp lực về tiền bạc không còn lớn nữa, mình có thể xoay sở được. Mình không đến nỗi quá đói nếu không đóng phim này hay phim kia, thì mình phải lựa chọn kỹ hơn.
Tôi muốn khi thấy mình khán giả sẽ tin được đây là phim sẽ được đầu tư đàng hoàng, kĩ lưỡng hay là công phu và làm có tâm huyết của anh em trong nghề bỏ vô đàng hoàng chứ không phải là mình xuất hiện trong những phim theo kiểu làm ẩu, quay nhanh để kiếm lời.
Trong cái nghề này, tôi không nghĩ hiện tại mình thành công, hay những cái mà mọi người cho rằng tôi thành công, tôi không nghĩ đó là thành công. Phải đi qua hết một chặng đường làm nghề, tôi mới có thể khẳng định nó thành công hay không. Còn những gì diễn ra hiện giờ cũng chỉ là từng bước, từng cột mốc của từng giai đoạn mà thôi.