Hãy quên gấu mẹ của Leo đi, Baloo mới là chú gấu chiếm trọn trái tim khán giả trong năm 2016.
Ra mắt ngày 15 tháng 4 ở Bắc Mỹ, The Jungle Book nhanh chóng càn quét phòng vé với doanh thu 103 triệu USD trong cuối tuần đầu tiên. Ở Việt Nam, tác phẩm của Disney cũng được khán giả ủng hộ vì hình ảnh đẹp, câu chuyện giàu ý nghĩa cùng vô số nhân vật đáng nhớ. Trong số đó, chú gấu Baloo có vẻ như là nhân vật được yêu thích nhất với tính tình dễ mến, vô tư lự.
Không những có thế, nếu xét kỹ mạch phim, việc Baloo xuất hiện chính là sự kiện có ý nghĩa bước ngoặt trong hành trình của Mowgli. Chú gấu lợn tưởng chừng như vô lo vô nghĩ đó đã biến một cậu nhóc đầy sợ sệt trở thành một người tự tin, dám thể hiện chính mình. Có thể nói, nếu không gặp được Baloo, Mowgli sẽ mãi mãi không thể trưởng thành, không thể bước ra khỏi vùng an toàn của mình.
Mowgli và Baloo
Hãy cùng nhìn lại cuộc sống của Mowgli trước khi tách bầy. Bầy sói do Akela chỉ huy đã nuôi dưỡng cậu bé, nhưng đồng thời cũng siết chặt cậu vào khuôn khổ. Chú báo Bagheera cũng có cùng quan điểm. Ngay sau cảnh tập luyện đầu tiên, Bagheera đã nói với Mowgli: “Ta biết con không phải sói, nhưng ít nhất con cũng phải cư xử giống sói chứ”.
Mowgli có thể không có thể chất như loài sói nhưng lại có trí tuệ của một con người, thể hiện qua cách cậu bé chạy trên cây đã cho thấy sự sáng tạo vượt trội so với các anh em. Bằng bản năng của mình, Bagheera có thể chỉ cho Mowgli biết cành cây nào đã mục, nhưng chỉ có một bộ óc của loài người mới có thể tận dụng dữ kiện ấy để lừa hổ Shere Khan.
Và rồi khi muông thú đến uống nước, Mowgli đã chế tạo ra một chiếc gàu để múc nước. Vừa nhìn thấy, Raksha đã gạt phắt ý tưởng này và bắt cậu phải vục mồm uống như lũ dã thú. Điều buồn cười là sói mẹ không hề giải thích gì về lệnh cấm này mà chỉ nói đơn giản rằng đó là mánh khóe, và mánh khóe thì không được chấp nhận trong rừng.
Suy rộng ra, bầy sói giống như một công ty “hoàn hảo” với kỷ luật nghiêm minh từ trên xuống dưới. Chúng tồn tại nhờ tuân phục răm rắp theo lệnh của “cấp trên”, dạy gì nghe nấy, bảo gì làm nấy, không ý kiến nhiều lời. Tinh thần này cũng thể hiện qua bài tuyên truyền được cả đàn học thuộc suốt bao thế hệ.
Thế nhưng công ty đó không khuyến khích sự sáng tạo của các nhân viên. Những người giỏi nhất như Mowgli luôn có khuynh hướng tìm ra cách thực hiện công việc tốt hơn, nhưng thật đáng tiếc, bầy sói đã tước đi khả năng đó của cậu. Tất cả chỉ vì họ hài lòng với tình trạng hiện tại và không muốn bất kì sự thay đổi nào.
Mowgli chia tay Raksha
Sự thiếu quyết đoán của bầy sói còn được thể hiện trong cách đương đầu với Shere Khan. Rất nhiều thời gian được ném vào những cuộc hội họp (như phần đông các tổ chức của chúng ta), và rồi cuối cùng Mowgli đã phải ra đi. Bầy sói đã chọn cách xua đuổi thành viên xuất sắc nhất của mình để bảo vệ phần còn lại, nhưng điều này hóa ra cũng chỉ vô ích. Hổ Shere Khan vẫn tấn công và Akela đã mất mạng. Khi mất đi người lãnh đạo, một tập thể vốn chậm thích nghi như bầy sói gần như bị tê liệt. Trên thực tế, chúng gần như nằm im chịu trận từ đó đến gần cuối phim.
Trên bước đường lưu lạc, Mowgli gặp gấu Baloo và mọi chuyện thay đổi 180 độ. Ngay sau khi cứu mạng Mowgli, Baloo đã đòi trả ơn bằng cách… bắt cậu trèo lên lấy mật. Vốn dĩ tổ của bầy ong nằm ở một vị trí cheo leo mà không ai tiếp cận được (ngay cả những chú khỉ cũng phải bó tay), song với sự khéo léo của mình, Mowgli đã hoàn thành nhiệm vụ. Cậu chế tạo ra những công cụ đơn giản để treo mình trên cao, giải pháp mà chỉ có một con người mới có thể nghĩ tới.
Ngay cả như vậy, Mowgli vẫn chưa tin tưởng vào bản thân mình. Cậu vẫn cảm thấy có chút gì đó sai trái vì đã dám “sử dụng” mánh lới. Khi đó, gấu Baloo đã nói rằng: “Cách của sói, cách của Mowgli, cách của Baloo, cách của chúng ta, đó là cách chúng ta làm việc”. Baloo sau đó thậm chí còn khuyến khích Mowgli sử dụng những cách “tà đạo” của mình. Kết quả là phối hợp cùng nhau, họ có được một số mật khổng lồ, nhiều hơn tất cả những gì Baloo kiếm được trong suốt quãng đời trước đó của mình.
Trong bộ phim hoạt hình năm 1967, Baloo thậm chí còn chỉ cho Mowgli cách chiến đấu. Chi tiết này đã bị lược bỏ ở phiên bản mới nhất.
Baloo giống như hình mẫu một người thầy, một người hướng dẫn tốt. Đó phải là một người có tầm nhìn và thấu hiểu được năng lực của kẻ khác. Chỉ qua một nhiệm vụ, Baloo đã nhận ra điểm mạnh và điểm yếu của Mowgli, qua đó giúp cậu phát huy tối đa sở trường về đầu óc.
Chú gấu già có đầu óc thực dụng và cách tân, cũng như biết trọng dụng những người giỏi nhất. Khi Mowgli hoàn thành xuất sắc công việc, Baloo đã không tiếc lời khen ngợi cậu bằng những mỹ từ như: “Trong đời ta chưa thấy ai làm được như cậu”. Mowgli cảm thấy thành quả của mình được trân trọng và đánh giá cao và hoàn toàn gắn bó với Baloo.
Một phẩm chất nữa của người thầy tốt là quan tâm đến “đệ tử”. Trong bầy sói, Akela và Raksha là những hình mẫu cha mẹ cứng nhắc, ít khi vui đùa cùng Mowgli. Baloo thì khác, vài ba câu chuyện hài hước không đâu vào đâu, những buổi du sông tưng bừng cùng bài hát The Bare Necessities đã tạo được không khí vui vẻ giữa chú và Mowgli. Ai cũng thích những “bề trên” dễ gần và không ai muốn làm việc với những người có cái tôi quá lớn. Vì vậy, đừng hỏi sao Mowgli chỉ ở với Baloo vài ngày mà Bagheera đã phải thốt lên ngậm ngùi: “Bây giờ nó chỉ tin ông thôi”.
“Cặp đôi hoàn hảo” của khu rừng?
Baloo có phải một người hướng dẫn hoàn hảo không? Hẳn nhiên là không. Chú gấu già không có tham vọng gì ngoài việc… tích trữ mật để ăn dần. Mục đích của đời chú chỉ có thế chứ không có gì to tát cả. Baloo cũng không hoàn toàn trung thực, lúc đầu chú thậm chí còn lừa Mowgli về chuyện mình có ngủ đông. Thế nhưng, tình cảm của chú gấu với cậu bé người là không thể phủ nhận. Mowgli giúp chú có lương thực, đổi lại Baloo cho cậu bé một mái ấm và dùng sức mạnh bảo vệ cậu khỏi những mối đe dọa.
Baloo có thể là một người sống đơn giản và vô tư lự, nhưng chắc chắn không phải kẻ vô tâm. Thực tế là chú gấu đã ba lần liều mạng cứu Mowgli (đương đầu với trăn Kaa, khỉ Louie và cọp Shere Khan). Khi đối diện với kẻ thù mạnh hơn rất nhiều là Shere Khan, Baloo cũng dũng cảm bước lên đầu tiên (còn bầy sói phải đợi có người xông ra trước mới dám hành động). Sự hy sinh của gấu Baloo chắc chắn xuất phát từ mối chân tình không vụ lợi, và cũng như báo Bagheera, có lẽ lúc này chú gấu lợn đã xem Mowgli như một người con trai của mình.
Có thể nói, mối quan hệ giữa Baloo và Mowgli chính là đường dây chính của The Jungle Book, cột mốc đánh dấu sự trưởng thành của Mowgli. Baloo lúc đầu định đưa cậu bé về làng, nhưng rồi lại thuyết phục được Mowgli rằng “ở trong rừng cũng có thể làm người”. Trước khi gặp Baloo, Mowgli chẳng là gì cả, chỉ khi ở cạnh chú gấu, cậu bé rừng xanh mới được sống đúng với bản chất của mình. Chỉ khi có một người dẫn dắt tốt, con người mới phát huy hết tiềm năng của mình.
Theo Trí Thức Trẻ