Đó là chia sẻ của chị Lê Thanh Hiền (người con đã bị trao nhầm ở nhà hộ sinh Đống Đa). Bấy lâu nay, chị vẫn luôn đắn đo về người phụ nữ tên T.T.T – sản phụ cùng phòng đẻ với mẹ Hoa của chị 29 năm trước.
Sau trường hợp gia đình bà Tạ Thị Mai Hạnh bị
suốt 42 năm ở nhà hộ sinh Ba Đình (Hà Nội), ngày12/3, dư luận lại ngỡ ngàng khi xuất hiện thêm một câu chuyện đau lòng của gia đình bà Phan Thị Tuyết Hoa (Q.Đống Đa).
4h35 phút sáng ngày 12/12/1987, bà Phan Thị Thuyết Hoa sinh con đầu lòng tại nhà hộ sinh quận Đống Đa, ngõ Thổ Quan, phố Khâm Thiên. Sau khi sinh, bà Hoa chưa được nhìn con mà chỉ nghe thông báo của y tá rằng mình sinh con gái. Vào thời điểm đó, có một sản phụ khác cùng phòng và sinh trước bà Hoa khoảng 15 phút (tức là 4h20 phút).
Đến 8h sáng, bà Hoa được nhận lại con và phát hiện số ký hiệu trên đùi con rất mờ và có hỏi lại chồng: “Sao số trên đùi con mờ thế?” thì chồng bà nói: “Nó vừa được tắm rửa, thay tã. Người ta đưa con thì anh biết bế thôi”.
Khi đó, nhìn đứa bé da trắng, môi đỏ, bà Hoa hạnh phúc vì mình đã sinh được một cô con gái xinh đẹp chứ không ngăm đen như bố mẹ và đặt tên con là Lê Thanh Hiền.
Chị Lê Thanh Huyền và em gái hồi nhỏ. Ảnh nhân vật cung cấp
Vì nhiều lời bàn tán, trêu trọc và từ chuyện không cùng nhóm máu với bố mẹ và anh em trong nhà, tháng 5/2013, chị Hiền quyết định đi giám định ADN và bàng hoàng khi nhận được kết quả mình không phải là con đẻ.
Từ đó, chị Hiền đã tìm lại và biết được có 6 trường hợp cũng sinh con tại nhà hộ sinh này từ ngày 9-12/12/1987. Tuy nhiên, việc tìm kiếm rất khó khăn và mọi sự tập trung của chị vẫn xoay quanh sản phụ cùng phòng với bà Hoa sáng hôm đó.
Khả năng đã có chuyện đánh tráo?
Xúc động trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, chị Hiền nói: “Từ ngày biết sự thật, tôi luôn cố gắng đi tìm mẹ và vẫn rất đắn đo về người phụ nữ cùng phòng sinh với mẹ Hoa vào sáng 12/12/1987.
Khi xem ảnh, tôi cảm thấy cô ấy có nhiều điểm giống mình. Nhưng khi hỏi thì cô ấy lại nói là không hề sinh con vào thời điểm đó và cũng không có người con nào sinh ở Việt Nam. Nhưng theo những nguồn tin tôi tìm được thì tất cả 4 người con của bà ấy đều sinh ở Việt Nam và có một người con trai sinh năm 1988.
Trong hồ sơ đẻ thì có ghi người đó là T.T.T (22 tuổi), làm ở công ty xây dựng và sinh khó lần thứ 3. Tôi đã tìm khắp Hà Nội và rất ít người có tên như vậy. Nhưng khi tìm được cô T này, cũng làm ở công ty xây dựng thì cô ấy lại không đồng ý giúp tôi! Cô ấy khăng khăng nói là không sinh con ở Việt Nam bao giờ. Anh trai của cậu bạn sinh năm 1988 đó đã nói rằng bạn ấy lại sinh ở bệnh viện khác.
Trong khi đó, theo cảm quan của tôi và mọi người trong gia đình thì người con trai sinh năm 1988 đó lại rất giống với anh em, họ hàng bên nội của tôi; còn người phụ nữ ấy thì lại có nhiều điểm rất giống tôi. Biết là mọi thứ chỉ có thể chắc chắn khi có xét nghiệm, giám định chính xác nhưng người ta vẫn nói “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh” nên tôi vẫn luôn đau đáu! Nhưng khi liên hệ thì rất tiếc là cô ấy từ chối nên cũng không thể tìm hiểu thêm được gì.
Cái tên T.T.T rất đặc biệt, theo những gì tôi tìm hiểu thì ở Hà Nội rất ít người có tên như vậy. Nhưng mọi thứ đều rất lu mờ, hồ sơ đẻ ghi rất chung chung nên rất khó tìm”.
Chị Lê Thanh Hiền và người mẹ Phan Thị Tuyết Hoa. Ảnh nhân vật cung cấp
Chị Hiền chia sẻ: “Tôi cũng rất băn khoăn và đặt ra nhiều vấn đề. Bởi vì ngày đó không có siêu âm và mẹ chỉ nghe thông báo từ y tá là con gái hay con trai. Không thể đảm bảo cả hai người đã sinh con gái và cũng không ngoại trừ khả năng đã có chuyện đánh tráo.
Nhưng, nếu như có chuyện đánh tráo thì tôi cũng không bao giờ oán trách mẹ đẻ. Cơ duyên tôi được đến với mẹ Hoa bây giờ đã rất tuyệt vời rồi và tôi chỉ muốn tìm lại người thân sinh ra mình thôi.
Dù cuộc đời mẹ đẻ tôi trước đây như thế nào đi chăng nữa thì đó là câu chuyện và cuộc đời của bà. Nếu như có chuyện đó thì chắc chắn là khi ấy bà cũng đã bị rơi vào hoàn cảnh như thế nào đó thì bà mới như vậy, nên dù có thật thì tôi cũng sẽ không oán trách bà.
Tôi cảm ơn trời phật khi đã cho tôi đến với mẹ Hoa. Nếu như tìm lại được mẹ đẻ thì rất tốt, còn nếu không thì tôi sẽ dành hết tình cảm của mình đối với người mẹ bây giờ…”.
N.Thuyết/Báo Gia đình & Xã hội