Nuôi con nhỏ ở tuổi ngoài 60, nam diễn viên chịu nhiều áp lực về kinh tế. Anh làm việc cật lực để kiếm tiền, không nề hà bất cứ vai diễn nào.
Sau thời gian dài vắng bóng, thời gian gần đây, anh lại tất bật với phim ảnh cùng dự án xuất bản hồi ký về cuộc đời mình. Động lực nào khiến anh trở lại làm việc hăng say như vậy?
– Thời gian vắng bóng đó tôi về nhà ở Phan Rang cùng ba mẹ, khi đó ba tôi ốm nặng. Ông mất được hơn một năm, sau đó mẹ tôi khá suy sụp. Vì là con trai cả, lại không vướng bận gia đình, tôi dành phần lớn thời gian ở bên mẹ. Cuộc sống độc thân không nhiều vướng bận cho đến khi tôi biết tin mình có thêm con gái ở tuổi không còn trẻ. Vậy là tôi phải làm việc để kiếm tiền lo cuộc sống hằng ngày cho hai má con nó, lo thêm cả khoản tiền tiết kiệm sau này cho con nếu chẳng may tôi ra đi sớm.
Ngoài nghề diễn, tôi không biết làm gì để kiếm tiền. Dù lúc đó, cảm hứng với vai diễn đã gần như nguội lạnh, nhưng tôi cố vực mình dậy, lấy con gái làm động lực để làm việc. Thật may là sau một vài phim, tôi thấy lại được trong mình sự yêu nghề, có cảm xúc với nhân vật.
Diễn viên Thương Tín (vai Sáu Tâm) trong phim Biệt động Sài Gòn.Trước kia anh được đánh giá là một diễn viên khá độc lập, khá kén vai. Sau thời gian đỉnh cao, anh quay trở lại điện ảnh với tâm thế như thế nào?
– Ngày trước, tôi là người xung phong đứng ra để sửa đổi một kiểu diễn mà tôi cho là khuôn cứng. Những vai sĩ quan cộng hòa được biên kịch, đạo diễn tạo hình… ác như quỷ sứ, với đủ thói hư tật xấu như ăn trộm, hiếp dâm. Tôi cho rằng có thể họ sai về lý tưởng nhưng hành động họ không đến mức như vậy. Tôi nói: “Mấy ông đưa nghệ thuật lên cao, đẩy họ xuống thấp, lấy đâu ra chiến thắng vinh quang. Mình chỉ làm sao cho khán giả xem để thấy, hoàn cảnh đẩy họ vào như thế, chứ bản chất họ không phải ai cũng xấu. Con người ai cũng muốn hướng thiện”. Tôi nói sửa kiểu này tôi mới đóng, nếu không anh mời người khác.
Giờ thì tôi chạy nhiều phim cùng lúc, từ vai lớn đến vai nhỏ mà không nề hà, cự cãi nữa. Ở tuổi này, hăng say làm việc kiếm tiền vì tương lai của một đứa nhỏ do mình tạo ra, tôi thấy khá thú vị.Tôi chẳng quan tâm đến danh hiệu ngôi sao điện ảnh trong quá khứ. Giờ tôi đùa bạn bè, mình là “ngôi sao điện lạnh”.
Anh đón nhận tin vui làm cha thế nào ở tuổi gần 60?
– Nói thật là cả hai đứa con tôi có đều nằm ngoài dự định của tôi, khiến tôi bất ngờ lâm vào tình thế đã rồi. Có thể tôi nói ra điều này khiến con tôi sau này lớn lên sẽ buồn và oán hận ba, nhưng tôi là người không thể che giấu cảm xúc.
Việc vợ có thai là ngoài ý muốn của tôi. Tôi đã khuyên mẹ con bé không nên giữ cái thai lại bởi cô ấy sẽ thiệt thòi nhiều. Tôi giờ đây đã lớn tuổi, không còn danh phận, tiền bạc hay hào quang như thủa trước. Cô ấy miệng nói đồng ý nhưng vẫn giữ đứa bé lại và một lần nữa tôi lại đón nhận trách nhiệm làm cha ở tuổi không còn trẻ. Tuy nhiên, lần làm cha này lạ lắm. Đi diễn, tôi nhớ con da diết. Một cảm giác rất lạ, rất ngộ. Không phải nhớ vợ, nhớ người tình mà là nỗi nhớ với một đứa con nít, vì nó mà mình làm tất cả, quên cả tuổi tác, sức khỏe.
Mỗi khi về Phan Rang thăm con, tôi khó mà rời đi bởi sự quấn quít và ánh mắt con bé mỗi khi tôi chào tạm biệt. Lâu dần, sợ không có thời gian về thăm con, tôi đã đưa cả hai mẹ con lên TP HCM ở cùng mình.
Tại sao đến giờ anh mới đưa vợ con lên sống cùng?
– Một phần vì vợ tôi phải ở quê chăm sóc bà ngoại của cô ấy. Vợ tôi sớm mồ côi, được bà ngoại nuôi nấng từ nhỏ. Ở quê còn nhà cửa, đất cát, bà ngoại cũng đang mắc nhiều bệnh tuổi già, cần sự trông nom của người thân. Điều đó làm tôi lấn cấn nhiều trong việc đưa mẹ con cô ấy từ quê lên TP HCM sống cùng.
Trước khi đưa hai mẹ con lên, tôi sống một mình trong một căn phòng trọ nhìn khá tồi tàn. Tôi sống chung cùng công nhân và những người lao động nghèo, do đi diễn suốt nên tôi chỉ về phòng trọ để ngủ. Đến mức nhiều người nhìn thấy còn không nghĩ tôi là diễn viên Thương Tín. Điều kiện đó khiến tôi không thể đón hai mẹ con lên ngay được. Tôi phải dành dụm tiền sắm thêm một số đồ đạc phục vụ cho cuộc sống gia đình như máy lạnh, máy giặt, tủ lạnh, bát đĩa, bếp núc, nồi niêu xoong chảo để đón hai mẹ con lên ở cùng.
Cuộc sống có thêm thành viên mới của anh thay đổi thế nào trong căn phòng trọ chật hẹp?
– Cũng không có nhiều thay đổi lắm ngoại trừ việc tôi chăm chỉ về nhà hơn để chơi với con, ăn cơm cùng vợ con. Tôi sống chỉn chu hơn và ý thức mình là trụ cột của gia đình để làm chỗ dựa cho hai mẹ con cô ấy.
Người thân chia sẻ thế nào với niềm vui này của anh?
– Con trai tôi luôn tôn trọng mọi quyết định của bố, nên ít can thiệp vào cuộc sống của tôi. Về phía gia đình, ban đầu mẹ tôi phản đối kịch liệt. Tôi phải ra sức thuyết phục rằng bà cũng là phụ nữ nên thấu hiểu và thông cảm cho người đã sinh cháu cho mình.
Hơn nữa, gia đình tôi cũng hiếm muộn nên việc tôi thuyết phục bà nhận dâu, nhận cháu cũng dễ dàng hơn. Khi mẹ tôi đã xuôi lòng một chút thì bà lại để ý chuyện lời ăn, nết ở của con dâu. Tôi lại phải giải thích rằng cô ấy còn trẻ, chưa va vấp, làm sao bắt cô ấy phải thế này, thế kia để vừa lòng mọi người. Tôi rất thương mẹ tôi bởi thời điểm đó ba tôi mới mất, mẹ tôi gần như mất đi một điểm tựa tinh thần. Đó là thời điểm tôi thấy căng thẳng nhất khi đứng giữa vợ và các thành viên trong gia đình. Bây giờ thì quan hệ mẹ chồng – con dâu đã tốt đẹp lên nhiều.
Khi nào anh mới tổ chức đám cưới với mẹ của con gái mình?
– Chắc sẽ không có một đám cưới nào dù tôi có đưa vợ đi đẻ, lên ủy ban làm khai sinh cho con. Cuộc đời tôi có nhiều nghịch lý, trên phim tôi làm đám cưới đến 5 lần nhưng ngoài đời, tôi chưa hề có đám cưới nào chính thức. Lý do vì một phần tôi tin vào tâm linh, không muốn chống lại sự sắp đặt của số phận. Dù tôi từng có nhiều mối tình với phụ nữ nhưng tôi quan niệm hôn nhân phải trải qua một quá trình tìm hiểu kỹ càng, nghĩa là kết hôn trong một tâm trạng, điều kiện thật thoải mái. Sự ra đời của cô con gái là điều nằm ngoài dự tính của tôi, sự đã rồi, tôi phải có trách nhiệm với giọt máu của mình và người phụ nữ đã sinh con cho tôi. Vợ tôi thấu hiểu suy nghĩ đó nên tôi không quá bị áp lực chuyện đám cưới.
Có thể thấy anh khá vất vả khi cáng đáng thêm hai thành viên mới trong gia đình. Anh nghĩ sao về sự chia sẻ của khán giả với khó khăn của nghệ sĩ như trường hợp diễn viên Chánh Tín
– Nếu con tôi bị bệnh hiểm nghèo, khánh kiệt, cần tiền chữa trị, để cứu mạng sống của con mình, tôi sẵn sàng nhờ sự trợ giúp của khán giả. Còn những lý do khác thì không. Khổ thì mình làm mình tự chịu chứ, sao lại phải đi tìm sự thương hại của dư luận, của những khán giả từng yêu mến mình.
Nói rằng sự có mặt hai con đều nằm ngoài ý muốn của mình rồi chuyện không làm đám cưới với vợ trẻ, anh có sợ làm tổn thương những người thân của mình?
– Tính cách tôi là vậy, có sao nói vậy. Tôi không thể sống dối lòng mình.Thà trắng phớ ra hơn là dành cho nhau những lời tốt đẹp rồi sau đó, họ phát hiện ra sự thật, họ còn đau lòng hơn. Ngày trước, ai cũng nghĩ tôi là ngôi sao điện ảnh, cát-xê cao lắm. Nhưng so với mức chi tiêu của tôi thời đó, thù lao đóng phim không đủ. Tôi sống khỏe, có xe chạy, sinh hoạt như công tử là nhờ lòng tốt của những người phụ nữ yêu tôi. Trong đời tôi, tôi nhớ nhất một người, nay cô ấy đã mất. Tôi nói thẳng với cô ấy là tôi không yêu cô ấy, nhưng người phụ nữ này rất mạnh mẽ. Cô ấy khẳng định, chỉ cần anh để cho em yêu anh là đủ và cô ấy thể hiện tình yêu bằng cách chăm lo cho tôi về vật chất. Đó là một trong nhiều người phụ nữ đi qua cuộc đời mà tôi sẽ trần tình hết trong cuốn hồi ký sắp phát hành. Mọi sự thật đều được nói trắng phớ trong đó về cuộc đời tôi.
Anh kỳ vọng gì ở cuốn hồi ký của mình?
– Tôi là người không bao giờ “ăn mày dĩ vãng” nên quyển sách không phải là cách để tôi sống lại những ngày vinh quang của mình. Tôi chỉ hy vọng khán giả hiểu hơn những góc khuất của một nghệ sĩ, khát khao làm nghệ thuật của tôi trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Từ chuyện tôi bị bán vào chùa khi nhỏ ra sao, đến chuyện tôi bỏ nhà theo một gánh hát cải lương khi vừa mới lớn…
Ở tuổi này rồi, tôi luôn chuẩn bị cho mình một tấm vé cho chuyến bay cuối cùng của đời mình. Vì vậy, trước khi rời xa trần thế, tôi muốn được một lần tri ân với khán giả, với chính mình qua cuốn hồi ký này.
Theo Tri Thức Trẻ