Dù bị chê thảm hại tả tơi cả về diễn biến lê thê nhàm chán cho đến cái kết trớt quớt, series “Tình yêu không có lỗi, lỗi ở bạn thân 2” vẫn hút view ầm ầm và tạo nên một làn sóng trong cộng đồng người hâm mộ.
Quá thừa khóc lóc, đánh đấm, chơi xấu, và quá ít những đổi mới, diễn biến phim lặp đi lặp lại, cá tính lẫn cách giải quyết của nhân vật quá khó hiểu, nhiều lỗi lắm sạn,… có đến hàng tá lời chê bai thất vọng của người xem đối với dự án phim đầy kỳ vọng này.
Cái bóng xuất sắc của phần 1
Chỉ vỏn vẹn trong 4 tập phim, mỗi tập phim kéo dài chưa tới 1 tiếng, nhưng vẫn truyền tải đầy đủ hỉ nộ ái ố của cuộc tình tay ba trong phim. Bộ phim mới ra mắt đã gây một cơn shock mạnh với người xem và nhanh chóng tạo thành một làn sóng trong cộng đồng yêu phim. Vốn quen với mô típ Tấm thảo hiền – Cám đanh đá đã thành nhàm chán, người xem thích thú với hình tượng Katun vừa đanh đá ghê gớm, chất chơi sành điệu nhưng cũng lại hết sức giàu tình cảm, chung thủy và thẳng thắn.
Lối xây dựng nhân vật mới lạ cùng với dàn diễn viên trẻ đẹp, diễn xuất tốt khiến cho người xem dán mắt vào màn hình thích thú, và thòm thèm khi bốn tập phim kết thúc quá nhanh chóng. Cơn sốt thời đó của Tình yêu không có lỗi khiến cho các nhà làm phim phải nhanh chóng thức thời để lên kế hoạch dựng ngay phần 2 “ăn theo” thành công quá vang dội của phần 1.
Phần 1 bộ phim gọn đến không thể gọn hơn nhưng lại hết sức gay cấn, hấp dẫn, đối lập hoàn toàn với phần 2 vừa dài dòng lê thê giống món lẩu nhạt vị.
Phần 2: Nồi lẩu nhạt vị
So với phần 1, Tình yêu không có lỗi, lỗi ở bạn thân 2 có thời lượng dài gấp gần 4 lần, tuy nhiên câu chuyện phim lại không được làm dày lên tương ứng với thời lượng. Chính vì vậy, khán giả dễ dẫn đến cảnh nhìn thấy quẩn quanh bốn nhân vật chính Katun, Lee, Man, Nat loay hoay ngang dọc hết tập này đến tập khác.
Để khắc phục nội dung loãng, các nhà làm phim cũng nỗ lực thêm các tuyến nhân vật mới, nhưng lại không xây dựng được câu chuyện hấp dẫn cho họ, khiến cho bộ phim biến thành nồi lẩu thập cẩm nhưng lại thiếu gia vị đậm đà. Những nhân vật có tầm đóng góp quan trọng như Nat, cặp đôi Mo – Katai tuy có chỗ đứng trong tuyến truyện nhưng cá tính lại quá nhạt nhòa, thiếu màu sắc. Còn tuyến nhân vật phụ như Ae, Pink, team Ben, team Po có màu sắc hơn thì lại sa đà vào những câu chuyện tọc mạch nhảm nhít vô vị. Tất cả nhóm nhân vật thêm thắt này đều không đủ đặc sắc để gánh đỡ cho thời lượng dài dòng của bộ phim.
Nếu như ở phần 1, khi mọi chuyện xảy đến thì Katun, với tính cách nóng nảy và thẳng thắn của mình, cô luôn đối diện thẳng vào vấn đề và giải quyết rốt ráo khiến cho tình tiết phim được đẩy cao và quyết liệt, tạo sức hấp dẫn. Thì phần 2 vì muốn kéo dài bộ phim, các nhà làm phim để các nhân vật có thái độ lờ nhờ không rõ ràng, dẫn đến cá tính nhân vật thành ra nhạt nhẽo, thiếu sức hút.
Diễn biến tâm lý nhân vật không logic, thái quá và gượng ép
Người ta nói một lần dẫm phải rắn 10 năm sợ dây thừng, nhưng nữ chính Katun lại không hề biết rút kinh nghiệm từ sai lầm quá khứ mà vẫn để cho cô ả bạn cũ xấu tính Lee quẩn quanh trong cuộc đời mình, thái độ thiếu quyết liệt đó không phù hợp với hình ảnh Katun của phần 1, mà giống như một sự gượng ép của nhà làm phim dành cho nữ chính để thời lượng phim được dài ra một cách hợp lý hơn.
Dù đã từng xây dựng Katun như một cô gái có phần ngây thơ, ngốc nghếch, ứng xử thẳng thắn phóng khoáng và có chút gì đó đanh đá, nhưng cho đến phần 2 thì mọi nét tính cách này đều được phóng đại đến quá đà, trước khó khăn Katun không có cách giải quyết nào khác ngoài liên tục nóng nảy dùng bạo lực đấm đá thô bạo. Lúc đầu người xem thấy thỏa mãn khi thấy nhân vật phản diện bị cho lên bờ xuống ruộng, nhưng lâu dần sự quá đà của Katun chỉ khiến cho khán giả mệt mỏi và có phần hơi… sợ với phong cách “đầu gấu” thái quá của cô nàng.
Trong khi đó Lee ban đầu chỉ là hình tượng cô gái nết na hiền lành lần đầu vùng dậy lộ mặt phản trắc, thì càng về sau càng được dựng lên như một con ả xấu xa đàng điếm đủ đường, chỉ ngày ngày ăn ngủ rồi nghĩ cách hại người khác, dùng thân xác đánh đổi lấy mọi điều mình muốn. Sự phát triển tính cách này của Lee về sau đã được các nhà làm phim lý giải nhưng dường như lý do đó không đủ mạnh để phát triển tâm lý nhân vật đến tầm đó.
Mâu thuẫn quẩn quanh, kết thúc trớt quớt
Thay vì dựng lên nhiều hơn các tuyến nhân vật và các câu chuyện mới, nhà làm phim chọn cách lặp đi lặp lại những mâu thuẫn, khiến cho mạch phim ngày càng rối rắm và quẩn quanh. Dù các nhà làm phim cũng nỗ lực biến tấu nó đủ loại thì những chiêu chơi xấu của Lee dành cho Katun cũng chỉ có 2 loại: chơi xấu trong công việc, và quyến rũ Nat, có vậy thôi nên khán giả theo dõi đến một nửa phim là đã kêu trời vì bực.
Làm sao không bực cho được khi suốt 14 tập phim phải căng mắt xem hai nữ chính nghiến răng nghiến lợi đánh chửi nhau, các nam chính mờ nhạt chỉ biết phản ứng yếu ớt và ba phải trước cuộc chiến giữa các cô nàng. Xong đùng một cái tất cả kết thúc vội vàng, giải quyết tất cả mọi chuyện trong có một tập phim khiến cho khán giả vẫn ngơ ngác chẳng hiểu gì.
Tuy nhiên, dù mắc cả một tá chê trách đi chăng nữa thì không thể phủ nhận sức hút khó cưỡng nổi của bộ phim. Nó cuốn hút khán giả ngay từ những phút đầu tiên cho đến kết thúc nhưng đồng thời cũng khiến khán giả tức anh ách, vừa xem phim vừa chửi. Càng xem càng chửi nhưng không thể dứt ra được, cứ hóng từng tuần phim chiếu để xem phim rồi… chửi tiếp.
Chỉn chu về hình ảnh
Nếu như khi xưa phim Hàn Quốc gây nên cơn sốt trong cộng đồng yêu thích phim truyền hình nhờ có những khung cảnh long lanh, sang chảnh, dàn diễn viên xinh đẹp dáng chuẩn cùng với những mẫu mốt thời trang hiện đại, sành điệu nhất… thì giờ đây phim Thái cũng vậy. Khi bộ phim Tình yêu không có lỗi ra mắt công chúng, người xem không khỏi ngất ngây trước những hình ảnh, cảnh quay, cùng diễn viên tuyệt đẹp của bộ phim.
Những diễn viên Gybzy Wanida Thermtanaporn (vai Katun) hay Apinya Sakuljaroensuk (vai Lee) đều nhanh chóng trở thành thần tượng của giới trẻ không những bởi sắc dẹp và tài năng mà còn vì gu ăn mặc cực kỳ “chất lừ”. Rất nhiều các shop đã nhanh chóng cho các bộ váy áo nhái theo các mẫu mốt của các diễn viên mặc trong bộ phim.
Còn các anh chàng đóng vai chính trong phim như ca sĩ/diễn viên Bie_KPN (vai Nat), Pitchaya Nitipaisankul (vai Man) hay Pathompong (vai Mo, em trai Lee) đều sở hữu ngay một lượng fan hâm mộ lớn, dù trong phim, những nhân vật do các diễn viên này đóng đều bị đả kích dữ dội.
Rõ ràng sức hút từ phần nhìn của bộ phim là không thể chối từ, và cũng là một lý do lớn khiến cho các khán giả dù chê trách vẫn mê mải xem phim không bỏ sót một tập.
Kịch bản phim gần gũi với cuộc sống
Không quá lãng mạn ngôn tình kiểu Hàn Quốc, cũng không hoành tráng, độc đáo nhu phim Mỹ, phim Thái thường có kịch bản phim rất gần gũi với đời sống tình cảm, đời sống học đường và công sở của những người bình thường. Các hình tượng nhân vật trong phim Tình yêu không có lỗi đều quen thuộc lấp ló đâu đó trong cuộc sống thường nhật của chính chúng ta, như một gã đồng nghiệp xấu tính, một ông sếp háo sắc, một cô nàng hay ghen tuông vô lối,…
Dù hình ảnh thì lung linh sang chảnh nhưng câu chuyện phim lại vô cùng giản dị, gần gũi và dễ hiểu, không đòi hỏi phông văn hóa cao cấp gì khi thưởng thức, Chính sự quen thuộc đó đã khiến cho bộ phim tiếp cận được với đông đảo khán giả. Câu chuyện trong phim cũng đề cập đến một vấn đề gây sốt trong tình yêu mà hầu như ai cũng từng trải qua hoặc chứng kiến qua đâu đó: một cô gái nhìn thì tưởng ngoan hiền nết na mà ghê gớm thu đoạn, một cô bạn thân xấu tính lật mặt như chảo chớp, hoặc hiện tượng cướp người yêu của chính bạn thân.
Chính khán giả Việt Nam vẫn ưa thích những dạng phim như vậy
Rõ ràng qua những bộ phim đang làm mưa làm gió ở Việt Nam như Cô dâu 8 tuổi của Ấn Độ, Sự quyến rũ của người vợ của Hàn Quốc, hay đơn cử gần đây Việt Nam cũng có bộ phim đạt tỷ suất người xem cao vượt bậc Hai người vợ, chúng ta có thể nhận thấy những bộ phim này đều có điểm chung với Tình yêu không có lỗi, đó là những tình tiết dài dòng, lê thê, nhân vật nhẫn nhịn gây ức chế, những gã đàn ông tệ hại, phụ nữ ghen tuông, giành giật, làm khổ lẫn nhau.
Những bộ phim dạng tâm lý tình cảm này đã đánh trúng được tâm lý của phụ nữ khi không cố truyền tải những thông điệp chính trị xã hội khô cứng, mà tập trung khắc họa những vấn đề rất đỗi đời thường và giản dị: những rắc rối trong tình cảm, công việc, những mối quan hệ tay ba tay tư,… Ngay cả sự dài dòng gây ức chế cũng khiến cho người xem phải cố theo dõi tiếp để xem diễn biến phim sẽ còn ra sao, kẻ xấu sẽ bị trừng phạt như thế nào, nên người xem chửi vẫn chửi,nhưng không thể ngừng hóng được. Âu đó cũng là cái tài của nhà làm phim.
Dẫu nói gì thì nói, phần 2 bộ phim Tình yêu không có lỗi dù bị chê bai nhưng vẫn đạt thành công vượt bậc so với phần 1, và đạt tỉ suất người xem cao không kém gì những tác phẩm có đầu tư lớn và dàn diễn viên tên tuổi khác. Mong rằng điện ảnh Thái sẽ đem đến cho người xem Việt Nam nhiều hơn những bộ phim hấp dẫn như vậy.
Theo Saostar