Ông Mantosh Malhotra, Giám đốc Qualcomm khu vực Đông Nam Á cho rằng, Việt Nam có thể không triển khai 4G sớm nhưng có thể phổ cập nhanh đến người dùng vì lợi thế đi sau như giá thiết bị đầu cuối, đi thẳng vào công nghệ mới… Tuy nhiên, không nên chậm trễ việc này nữa.
Ông Mantosh Malhotra cho biết, hiện nay trên thế giới có 521 mạng 4G/LTE đã thương mại hóa và khoảng 5.600 thiết bị hỗ trợ 4G. Mức giá của các thiết bị khá phù hợp với người tiêu dùng. Tổng số lượng thuê bao 4G trên toàn cầu là 1,29 tỷ. Tất cả những con số này cho thấy tình hình triển khai 4G LTE trên thế giới đã đạt độ chín muồi. Đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam triển khai 4G. “Một số người quan ngại rằng Việt Nam chậm chân triển khai 4G hơn các thị trường khác. Nhưng không hẳn như vậy, vì hiện nay hệ sinh thái di động đã đủ để thúc đẩy ứng dụng rộng rãi. Hiện người dùng có nhu cầu và kỳ vọng về thông lượng rất cao từ 4G để chạy những ứng dụng mới. Vì vậy, thách thức đầu tiên là người dùng có kỳ vọng rất lớn và nhà mạng phải đáp ứng nhu cầu đó. Đây là thời điểm phù hợp để Việt Nam triển khai 4G, các nhà mạng nên hợp tác với các nhà cung cấp giải pháp và thiết bị để triển khai”, ông Mantosh Malhotra nói. Ông Mantosh Malhotra cũng đưa ra khuyến cáo rằng Việt Nam có lợi thế có thể đi ngay lên công nghệ hiện đại nhất hiện nay là 4G Advance để mang đến chất lượng vượt trội và thực hiện nhiệm vụ chiến lược đưa Internet băng rộng đến 95% dân số vào năm 2020. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam nên sớm cấp thêm băng tần đã được duyệt cho 4G với các băng tần 2.6 GHz và 2.3 GHz để các nhà mạng có thể đưa ngay dịch vụ 4G Advance đến với người dùng. Muốn phổ cập 4G rộng hơn, Việt Nam có thể cấp phép băng tần thấp cho 4G như băng tần 700MH sau khi số hóa truyền hình. Như vậy, Việt Nam có thể không triển khai 4G sớm nhưng có thể phổ cập nhanh 4G đến người dùng. Việt Nam có thể đi ngay lên công nghệ hiện đại nhất hiện nay là 4G Advance để mang đến chất lượng vượt trội. Ông Mantosh Malhotra cho biết thêm, chi phí để nhà mạng cung cấp dịch vụ 4G rẻ hơn so với 3G do giá thành sản xuất cùng một lượng dữ liệu trên 4G rẻ hơn. Vì vậy, các nhà mạng cần sáng tạo hơn trong việc đưa ra gói cước cho người dùng. Ví dụ, có những người dùng sẵn sàng dùng gói cước trả sau, nhưng nhiều người thích sử dụng gói cước trả trước. Thị trường cước trả trước của Việt Nam vẫn rất phổ biến. Nhiều nhà mạng đưa ra gói cước tùy theo ứng dụng. Về phương diện thiết bị đầu cuối, hiện nay đã có nhiều thiết bị hỗ trợ 4G có mức giá dưới 100 USD, thậm chí chỉ từ 60 – 70 USD. Mức giá phù hợp của thiết bị đầu cuối cũng giúp cho người dùng sẵn sàng sử dụng dịch vụ 4G. Bình luận về việc triển khai 4G tại Việt Nam, Tiến sĩ Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT (nay là Bộ TT&TT) cho rằng, việc triển khai chậm mạng 4G có những cái lợi và hại nhất định. Trong đó, cái lợi là có thể tạo điều kiện giúp doanh nghiệp Việt Nam đưa ra mức cước rẻ hơn. “Tuy nhiên, tôi cho rằng năm 2016 là thời điểm tốt nhất để Việt Nam cung cấp dịch vụ 4G và không thể chậm hơn được nữa”, Tiến sĩ Mai Liêm Trực khẳng định. Theo nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng, dù việc triển khai mạng 4G LTE sớm hay muộn phụ thuộc chính sách của cơ quan quản lý và nhu cầu của các doanh nghiệp nhưng năm 2016 là thời điểm chin muồi để triển khai mạng 4G và không thể chậm hơn nữa. Ông Lê Nam Thắng phân tích, thông thường trên thế giới một công nghệ mới được xác định bắt đầu phổ cập là khi công nghệ này chiếm khoảng 10-15% số thuê bao. Do đó nếu chọn thời điểm này triển khai sẽ hạn chế được rủi ro công nghệ. Hiện nay số thuê bao di động trên thế giới là gần 7 tỷ thuê bao, trong đó thuê bao 4G năm 2015 khoảng 700-800 triệu năm và dự báo năm 2016 có khoảng trên 1 tỷ thuê bao tương đương 10-15% tổng số thuê bao di động trên toàn cầu nên năm 2016 là thời điểm có thể chính thức triển khai công nghệ này từ góc độ tiêu chí mức độ phổ cập của công nghệ. Về vấn đề băng tần, có nhiều nước phải quy hoạch dọn dẹp để có băng tần cho 4G. Ở Việt Nam, về cơ bản thì việc quy hoạch và dọn dẹp băng tần cho 4G đã thực hiện xong. Trên thế giới sử dụng băng tần cho 4G thì thông dụng nhất là băng 1.800 MHz mà chúng ta đang dùng cho 2G, nhưng Bộ TT&TT đã có thông tư cho phép sử dụng 4G trên băng tần đó, còn 3G có thể chuyển xuống dùng các băng tần thấp hơn như băng 850 Mhz, 900 Mhz. Chúng ta cũng quy hoạch và dọn dẹp xong băng 2.3 MHz, 2.6 MHz cho 4G. Đồng thời, đang thực hiện số hóa truyền hình để giải phóng băng 700 Mhz cho 4G. Như vậy về tổng thể băng tần cho 4G ở Việt Nam đã sẵn sàng. Ông Lê Nam Thắng phân tích tiếp, xét về yếu tố thị trường, trong thời gian qua nhu cầu sử dụng băng rộng của khách hàng tăng cao. Hiện có khoảng 30- 40% khách hàng sử dụng dịch vụ data, trong một vài năm tới khả năng lưu lượng data sẽ vượt quá lưu lượng thoại và khi đó nhu cầu dùng dịch vụ 4G càng tăng mạnh hơn. Do đó, cần sớm triển khai dịch vụ 4G để đón đầu nhu cầu sử dụng data ngày càng tăng với chất lượng tốt và tốc độ cao. Theo ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Phòng Chính sách và chiến lược của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), trong năm 2016 Bộ TT&TT sẽ cấp phép 4G. Hiện 3 mạng di động lớn là VNPT, Viettel, MobiFone sử dụng băng tần 1800 MHz để chuẩn bị cung cấp dịch vụ 4G. Năm 2016 là thời điểm chín muồi để đưa công nghệ mới 4G vào thị trường với mức độ phổ cập tốt nhất. Theo Thái Khang (ictnews)
|