Tùng Linh kể lại quá khứ tay ngang không qua trường lớp nhưng dám liều mình bước lên sân khấu diễn hài. Anh còn tiết lộ những ngày tháng đi diễn đầy ắp kỷ niệm cùng ba nuôi Tùng Lâm.
Sao Nối Ngôi đêm chủ đề Muôn màu cuộc sống, Tùng Linh khái quát lại quãng thời gian theo học nghề khí công, ngày ngày xuôi ngược trên những chuyến đò qua tiết mục Tuổi thơ vào đời. Với nét diễn duyên dáng tự nhiên, những câu thoại tưởng ngô nghê nhưng chứa nhiều tâm sự, anh kể về chính anh thời đi làm bằng xe đạp, trong túi anh chỉ vỏn vẹn 2000 đồng, đắn đo giữa việc qua đò, hay dùng chính số tiền đó mua một ổ bánh mì thịt vì đói.
Bên cạnh tiếng cười dí dỏm, khán giả, giám khảo cảm thông khi nghe Tùng Linh tâm sự trên sân khấu. Giám khảo Bạch Tuyết cho biết tiết mục khơi lên thông điệp: “Con người bằng nhau không phải vì tài sản, mà bằng nhau ở chỗ nhận ra mỗi người đều người tốt như nhau”. Anh nhận được tổng số điểm là 39,45, đứng thứ hai trong đêm thi.
Lần đầu tiên liều mình bước lên sân khấu diễn hài
Tùng Linh (tên thật Lê Thanh Liêm) cho biết anh là một tay ngang khi gia đình không có ai tham gia nghệ thuật riêng anh máu sân khấu thấm vào từ bao giờ anh không biết.
Lúc nhỏ, Tùng Linh ở Nhà Bè, nhà thời đó nghèo. Anh muốn đi học vẽ nhưng không có điều kiện, vô tình có một ông thầy đến vẽ bảng hiệu nơi miếu chùa gần chỗ anh ở. Thầy thấy thằng nhóc là anh ngày ấy tháo vác lanh lẹ, hay mang nước đến nên thương nhận dạy nghề. Thầy có tiệm ở đường Trần Xuân Soạn. Tùng Linh học nghề được một thời gian thì thầy ấy ra nước ngoài định cư. Nghề vẽ của anh cũng lận đận không đi đến đâu từ đó.
Anh cho biết bản thân dù lưng lửng “nghề không ra nghề” nhưng vẫn làm liều xin việc ở một tiệm vẽ bảng hiệu. “Thường thì thợ vẽ phải biết cắt chữ trước khi vào cọ nhưng tôi lại không biết. Người chủ thương làm sẵn chữ cho tôi, dần dần tôi cũng biết được nghề vẽ quảng cáo, hộp đèn, chữ nổi. Đi làm thì đâu dám ra giá lương bổng, chỉ biết họ nhận tôi đã là một hạnh phúc”, anh nói.
Do thương Tùng Linh ngày ngày cuốc bộ đi làm, người chủ cho anh mượn chiếc xe đạp để đi lại. Ngày xưa, để đến tiệm phải qua cầu ở quận 4 ở bến đò Xuân Kiểng (ngày nay là cầu Kênh Tẻ). Anh vẫn nhớ xe đạp cà tàng ngày ấy với kỷ niệm vui nhất. “Tôi nhớ người và xe qua đò phải là 1,500 đồng trong khi ổ bánh mì thịt khi đó là 2000 đồng, bánh mì chan nước là 1,500 đồng. Nếu tôi dùng hết sức lực, không đi phà chạy xe dọc cầu thì sẽ có bánh mì ăn. Thời tuổi trẻ, tôi chấp nhận đạp xe để ăn ổ bánh mì chứ đâu để mình bị đói được”. Trải qua những giai đoạn gian khó, đến bây giờ anh mới cảm thấy bình thản kể lại.
Đến 21 tuổi, Tùng Linh có lần nhận vẽ quảng cáo cho đoàn ca nhạc tạp kỹ xiếc. “Dù trước đó chưa đi diễn lần nào nhưng bỗng nhìn thấy chữ tấu hài trên pa nô của đoàn Ngọc Viên, tôi đánh liều nói mình từng học trường Sân khấu Điện Ảnh, xin một chú được theo đoàn diễn. Trong đoàn đợt đó có một anh về quê thế là tôi được thế vai”, Tùng Linh kể.
Thời khắc quyết định, anh cho biết tay chân “lắp ba lắp bắp” khi lên sân khấu. Anh diễn hài mà run lập cập, đứng kế một chú tên Xuân Tài, chú ấy vừa diễn vừa lấy tay vịn vai anh. Anh diễn mà không dám nhìn khán giả. Đến tận 3 tháng, anh vẫn còn cảm giác nao nao trong người. Nhớ lại thời gian đó, Tùng Linh cho biết bản thân đã tự tập, đứng “lảm nhảm” trước gương rất nhiều nhưng diễn hài nếu không phối hợp ăn ý với bạn diễn sẽ bị “khớp”.
Làm con nuôi quái kiệt hài Tùng Lâm như một giấc mơ
Năm 17 tuổi, anh có chớm giấc mơ nghệ thuật nhưng nhà không có điều kiện do phải bươn chải. Tùng Linh tranh thủ mỗi ngày vào trường Sân khấu, canh giờ mấy anh chị học và lén lén nhìn vào lớp của nghệ sĩ Minh Nhí dạy. Tùng Linh kể lại thời trẻ hay anh thường hay mua báo Sân khấu cũ vì anh mê nghệ thuật cũng như mê các nghệ sĩ. Anh hiểu rằng các nghệ sĩ phải trải qua một quá trình cực khổ để nổi tiếng.
Đến khi gặp ba nuôi Tùng Lâm trong một đoàn cải lương tạp kỹ, anh bắt đầu cảm thấy quen sân khấu. “Ngày xưa ba diễn chung với bác Phi Thoàn, cha của chị Phi Phụng. Trong đoàn có hai anh, người kia biết diễn nhưng ba chọn tôi bởi lúc đó nhìn tôi trắng trẻo dễ thương. Anh thổ lộ hai ba con có một sự gắn kết bởi từ nhỏ đến lớn anh không biết mặt ba, ba Tùng Lâm lại không có con trai. Những lần ngồi cùng nhau, ông cảm nhận được tình cảm, sự gắn kết của gia đình, thầy trò và hỏi anh có chịu ông làm ba nuôi không?
Từ khi Tùng Linh gặp Tùng Lâm đến hiện tại cũng khoảng 20 năm nhưng anh vẫn nhớ từng kỷ niệm đi diễn cùng ba. “Thời gian đi diễn đầy chua chát và tủi cực. Ở những tỉnh xa, tôi và ba đi chung xe với đoàn, còn ở những địa điểm gần tôi chạy xe máy chở ông đến nơi diễn. Nhiều khi đi gần đến chỗ nhưng người ta bảo không nữa, hai cha con đành lủi thủi chạy xe về”, Tùng Linh ngậm ngùi kể lại.
Những năm ba nuôi bệnh không đi diễn, Tùng Linh gặp cố nghệ sĩ hài Khánh Nam. Anh ấy dìu dắt anh hoạt động chung nhóm khoảng 5 năm. Cố nghệ sĩ Khánh Nam cho Tùng Linh tuồng, hướng dẫn tập vở mới, từ đó cuộc sống anh mới tiến triển hơn. Lần đầu tiên, anh có vai xuất hiện trên truyền hình trong Gương soi phố phường cũng là do Khánh Nam giới thiệu.
Tùng Linh buồn bã khi thời gian trôi qua khắc nghiệt, tuổi già người nghệ sĩ đến khiến ba Tùng Lâm “nhớ nhớ quên quên”. Nghệ sĩ Tùng Lâm hiện tại đã 86 tuổi, bây giờ chỉ còn lưu lại những hình ảnh kỷ niệm cũ thời trẻ. Nhận xét về người cha, anh cho rằng ông là người thẳng tính, giờ giấc nghiêm túc lại thương người. Trong đoàn ai không có điều kiện cưới vợ gả chồng là ông đứng ra cưới hỏi. Dòng họ đệ tử của ông chỉ có một mình anh là họ Tùng.
Tùng Linh thời điểm khi mới nghề chỉ có sân khấu. Anh không được tiếp cận mô hình gameshow nên lần đầu tiên được va chạm rất ngỡ ngàng. Anh không mang nhiều áp lực khi đến với Sao Nối Ngôi, anh chỉ hy vọng những tiết mục trong đêm thi của anh sẽ được khán giả đón nhận bên cạnh những câu chuyện truyền tải trên sân khấu. Bằng nghị lực của mình, anh sẽ cố gắng làm ra những sản phẩm phục vụ khán giả.
Hình ảnh: Trần Huy Tuấn
Bảo Bảo/starpressvn.net