.
.

Vì sao người chết đuối hộc máu tươi khi người nhà đến gần?


Tại sao bị chết đuối người nhà đến gần thì lại hộc máu tươi? vẫn là một câu hỏi bí ẩn nhưng chúng ta luôn tin đó là sự thật, vậy nguyên nhân do đâu.

Trước những câu hỏi được đặt ra xung quanh việc người chết không nhắm mắt và những bí ẩn xung quanh người chết ít nhiều có yếu tố oan khuất, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Vũ Dương, nguyên Viện trưởng viện Giám định pháp y Quốc gia về vấn đề này.

Cơ chế bệnh lý của người chết

Thưa tiến sỹ, hiện tượng người chết không nhắm mắt liệu có phải do yếu tố oan khuất như dân gian vẫn thường đồn đại hay còn một vấn đề nào khác ở đây?

Đây là hiện tượng không phải hiếm trong đời sống. Tuy nhiên, nó thường được thêu dệt cho thêm phần kỳ bí, rùng rợn. Nhưng ở góc độ khoa học, nó lại rất dễ giải thích.
Thứ nhất, hiện tượng này có thể diễn ra ở những người chết vì bị ngộ độc thuốc co cơ như ăn phải mã tiền chẳng hạn.

Thứ hai, ở những người chết rất bất ngờ, trong khoảng thời gian ngắn ngủi giữa sự sống và cái chết đã ở một trạng thái ngạc nhiên, sốc tạo nên một phản xạ mở mắt phản ứng trước khi ngưng thở.

Thứ ba là những người chết trong các cơn co giật như bị phong đòn gánh, bị chó dại cắn. Tất cả những trường hợp đó sẽ tạo nên hiện tượng người chết không nhắm mắt hoặc chỉ nhắm một phần. Xét trên cơ sở khoa học, đó là hiện tượng co cơ chứ hoàn toàn không phải yếu tố tâm linh gì.

người chết đuối
Tiến sỹ Vũ Dương, nguyên Viện trưởng viện Giám định pháp y Quốc gia 

– Vậy còn những hiện tượng mà người đời vẫn thường đồn thổi về người chết oan, chỉ “trở lại” sau khi được rửa oan, ông nghĩ sao về điều này?

Với công việc của mình, chúng tôi gặp không ít những trường hợp như thế. Thực tế, hiện tượng hộc máu sau khi chết là một biểu hiện về bệnh lý. Người ta thường bảo, người chết đuối oan chẳng hạn, khi người thân như vợ, chồng, con cái, cha mẹ đến thì hộc máu ra.

Thực ra, với người chết đuối, thời điểm bị ngạt nước, họ hít vào quá mạnh làm vỡ các phế nang khiến cho nước có thể tràn vào trong máu. Khi nạn nhân uống nước quá nhiều dẫn đến co cứng thì nước có thể chảy ra mang theo máu. Đây là hiện tượng thường gặp với tất cả người chết đuối chứ không hẳn chỉ là người chết oan, có điều thời điểm tràn máu ra sớm hay muộn, nhiều hay ít mà thôi.

Cụ thể như trường hợp cháu  H. ở quận Tân Phú, TP.HCM, nhiều lời đồn thổi rằng, sau khi các thầy cô giáo ở trường đến viếng và nói sẽ kỷ luật giáo viên…, ngoài việc ộc máu ra, trên đầu cháu còn tự hiện ra vết bầm và cho rằng đó là cách để cháu “báo” cho mọi người biết?

Tôi có đọc về trường hợp này qua báo chí. Có thông tin là cháu bé từng có tiền sử bệnh động kinh. Nếu đúng như vậy thì có thể quá trình cô giáo đánh cháu trùng hợp với thời điểm cháu lên cơn động kinh.

Với những trường hợp này, thường các bác sỹ phải lấy vật gì đó chắn ngang miệng để bệnh nhân không cắn vào lưỡi do bị co rút lưỡi. Còn vết bầm trên người cháu bé, theo pháp y chúng tôi gọi là vết hoen tử thi. Có thể khi bị đánh, cháu bé nằm sấp, cùng lúc lên cơn động kinh thì đập đầu vào nền cứng nào đó, sau một thời gian thì vết bầm mới thâm lại chứ hoàn toàn không liên quan gì đến tâm linh.

Chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên

người chết đuối

Ảnh minh họa

– Liệu có tồn tại một sợi dây tâm linh nào đó giữa người chết với môi trường sống quen thuộc của mình và người thân hay không? Ví dụ vụ xác chết trôi về đúng gần nhà mình?

Đây chỉ là một trường hợp đơn lẻ, tôi cho rằng, đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên thôi. Xác thanh niên này được đựng trong bao tải, khi đã nổi lên và trôi đi thì có thể xem như một chiếc phao trôi theo dòng nước.

Ở đây, phải tính đến hướng dòng nước cuốn, dòng nước xoáy, hay dòng nước hai chiều… tác động trực tiếp lên bao tải này. Vì vậy mới có hiện tượng lấy sào đẩy bao tải đi rồi, bao tải vẫn trôi về chỗ cũ. Thực tế, trên sông nước, có những cái hõm nước như vậy, các thứ trôi nổi thường dạt về. Xác chết trôi cũng vậy thôi

.– Ông có thể giải thích một cách khoa học và cụ thể hơn?

Con người khi mới chết đi, có những cái thuộc về cơ thể vẫn sẽ còn thay đổi trong một thời gian nhất định. Vì vậy, phải tính đến các yếu tố ảnh hưởng tới cái chết như nguyên nhân chết là gì? Do bị co giật, giãn cơ, co cơ hay rút cơ? Nguyên lý chết do bệnh gì? Nhiệt độ ở thời điểm chết, môi trường diễn ra cái chết ra sao? Với người có kiến thức sẽ thấy rằng, những cái chết và hiện tượng xung quanh cái chết là có quy luật, nhưng là quy luật của tự nhiên, của bệnh lý chứ không phải tâm linh.

Người Việt Nam có truyền thống tôn trọng người đã khuất, tuy cái xác người chết còn nguyên vẹn hay đã bị mất mát, họ vẫn đem về nhà, đặt ở nơi trang trọng nhất. Cũng vì sự trang trọng đó mà nhiều khi, người ta hay thổi phồng sự việc lên. Người nghe, người chứng kiến vì vậy cũng phải “tỉnh” để nhìn nhận vấn đề.

Giống như việc cho rằng, ông bà, cha mẹ, người thân mất đi mà một người nào đó trong nhà chưa kịp về thì vẫn mở mắt để đợi. Nhưng thực ra, quá trình đó, nếu có ai đó vuốt mắt, mắt xác chết vẫn nhắm lại bình thường. Bởi tác động của cơn co cơ chỉ ở trong một thời gian nhất định, ở thời điểm người ta ngưng thở. Nếu không có ai vuốt mắt xuống thì mắt vẫn mở chứ không thể tự động khép được.

Không thể dựa trên những trường hợp đơn lẻ mà đã kết luận cho cả một hiện tượng rộng lớn. Cũng như trước kia, nhiều lần truyền thông tung hô về các nhà ngoại cảm đi tìm mộ liệt sỹ, nhưng cũng chính thời gian gần đây, sự thực xung quanh một số ngoại cảm rởm cũng được khui ra. Vì vậy, tất cả mọi việc đều phải suy xét trên cơ sở khoa học.

Theo baoventd.



Related articles
Bài viết cùng chuyên mục