Khách đến vườn dâu tây New Zealand này, ngoài được tự do vào vườn hái và thưởng thức miễn phí còn được chủ vườn hướng dẫn cách phân biệt dâu Đà Lạt với Trung Quốc.
Vườn dâu New Zealand rộng 7.000 m2 của gia đình anh Phan Tuấn Linh (37 tuổi) đã được trồng cách đây 2 năm.
Sau nhiều năm lăn lộn làm việc ở TP HCM, anh Linh, chủ vườn trở về Đà Lạt năm 2013 rồi lập trang trại dâu sạch cung cấp cho thị trường. Chi phí đầu tư mỗi sào (1.000 m2) dâu tây New Zealand lên đến 500 triệu đồng, gồm nhà kính, hệ thống tưới tiêu tự động, giá thể, khung sắt, giống… Trên phần diện tích 1.000 m2, chủ vườn có thể trồng được 8.000 gốc dâu.
Áp dụng công nghệ trồng trong nhà kính, chăm sóc tự động, anh Linh cho biết đây là một trong những điều kiện giúp cho chất lượng quả được đảm bảo. Cây sẽ được trồng trên những giá thể chứa xơ dừa trộn phân, đất mùn. Những giá thể này được treo cách mặt đất từ 50 đến 100 cm để cách ly mầm bệnh.
Từ giữa tháng 11.2015, chủ vườn dâu quyết định mở cửa nông trại và dành ra 1.000 m2 trồng dâu tây để khách thăm vườn có thể hái, ăn tại chỗ. Khách còn được được chủ vườn hướng dẫn cách phân biệt dâu Đà Lạt với dâu Trung Quốc.
Dâu trồng trên phần diện tích 6.000 m2 còn lại sẽ được bán cho khách đến thăm vườn nếu có nhu cầu mua và cung cấp cho thị trường. Giá bán lẻ mỗi kg dâu tại vườn là 250.000 đồng. Trong khi đó, ở thị trường hà Nội, dâu tây gắn mác Đà Lạt lại đang được bán với giá 150.000-200.000 đồng/kg.
Trang trại dâu này còn cung cấp hàng cho một số siêu thị, cửa hàng ở Đà Lạt, TP HCM. Mỗi năm, trừ mọi chi phí đầu vào, anh Linh thu về khoảng 150 triệu đồng tiền lãi cho 1 sào. Chủ vườn cũng khá cởi mở giới thiệu khách về quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, đóng gói dâu tây một cách khoa học để đảm bảo có được sản phẩm tươi ngon, sạch nhất cung cấp cho người tiêu dùng.