Nghị định 100/2019/NĐ-CP về việc xử lý người uống rượu bia tham gia giao thông của Chính phủ có hiệu lực từ 1/1/2020 đã tạo ra một cơn “địa chấn” đối với xã hội, đặc biệt là với dân bợm nhậu. Nhưng nó, lẽ ra phải thực hiện từ lâu rồi…
Chưa rõ lâu dài như thế nào, nhưng những ngày đầu ra quân rầm rộ, xử phạt những ca nghe đã muốn đau tim thì tôi tin rằng, nghị định này không chỉ mở ra một hướng mới đầy khả quan giúp cải thiện tình hình tai nạn giao thông ở Việt Nam nói chung mà còn củng cố lòng tin cho những người vợ, người mẹ có con, chồng thường xuyên phải sử dụng rượu bia làm công cụ giao tiếp.
Chưa thấy có ai uống rượu bia đi xe đạp bị phạt đến 600 nghìn đồng, nhưng đã có người bị phạt đến 35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng.
Nghe mức phạt đã thấy… rùng mình. Nhưng như ai đó đã nhận định, không có mức phạt nào cao bằng tính mạng con người. Ở Việt Nam, nói không ngoa, ra đường gặp tai nạn. Tất nhiên, nguyên nhân thì có nhiều, nhưng đau lòng nhất vẫn là những vụ tai nạn giao thông xuất phát từ cốc bia, chén rượu. Sẽ chẳng vui gì nếu Việt Nam được xếp vào một trong những quốc gia tiêu thụ rượu bia nhiều nhất thế giới và đi sau đó lại có “số má” trong vấn đề tai nạn giao thông.
Lẽ ra, nghị định này phải áp dụng từ lâu và người uống rượu bia cũng phải biết sợ từ lâu rồi chứ không phải giờ mới hoang mang tìm cách. Tuy nhiên, những gì xảy ra vài ngày qua vẫn là những câu chuyện đáng buồn.
“Xe tôi chỉ khoảng 5 triệu mà với mức phạt mới này thì chắc tôi bỏ xe luôn quá. Phạt vậy là quá nặng”, một người vi phạm tỏ ra bức xúc sau khi bị lập biên bản xử phạt 4,5 triệu đồng, giam xe 7 ngày và tước bằng lái 17 tháng theo quy định mới.
Thậm chí, có những người thay vì chấp hành, họ tìm mọi cách chống đối lại lực lượng cảnh sát giao thông suốt 2 tiếng đồng hồ khi bị tuýt còi sau những lon bia: “Tôi biết ngành luật, tôi làm ở Bộ Giáo dục – đào tạo , tôi dạy học sinh, sinh viên…, gọi luôn bộ trưởng đây này…”.
Cũng phải thôi, chẳng ai trong số họ nghĩ về an toàn của người khác khi họ uống rượu bia và leo lên xe. Vì lúc đó, ngay chính bản thân họ cũng có quan tâm đến tính mạng của họ đâu!
Chẳng vậy mà, họ còn “ủ mưu”, chỉ nhau cách “thoát án” rượu bia khỏi những chốt công an, nghe vừa hài hước, vừa đau lòng.
Từ quán trà đá vỉa hè đến quán cafe, anh em rỉ tai nhau: “Trót uống rượu, thì cứ thấy chốt lại xuống dắt xe, đi qua rồi mình lại tính”. Lại nghe phong thanh đâu đó, các “anh hùng” bàn nhậu còn rủ nhau mua quần áo grab để né khi sử dụng rượu bia.
Tôi nghĩ, không cấm nhậu đã là quá mừng vui rồi. Chỉ là, khi ngồi nhậu người ta không còn hỏi nhau mấy chén? uống chén hay cốc hay bát? Mà sẽ là một câu hỏi thân thương mang tính quan tâm hơn: Tí anh đi về như thế nào?
Và khi 1 “cánh cửa” khép lại, thì rất nhiều “cánh cửa” khác mở ra. Nhưng việc chọn những “cánh cửa” mang tính chất chống đối thì thật không hay ho gì. Đi như nào là như nào? Nếu không có người thân đưa đón, gọi taxi đi về nhà chứ còn như nào nữa?
Trong lúc nhà nhà thay thế xe máy bằng ô tô thì đây hẳn là cơ hội dành cho taxi, bất kể là taxi truyền thống hay taxi công nghệ.
Anh nào sợ taxi truyền thống như sợ xe ôm truyền thống, sợ bị đẩy giá, cướp bóc… thì chịu khó tải phần mềm để đặt taxi công nghệ. Như vậy sẽ được đón tận nơi, giao về tận nhà và không còn lo lắng xem “ai đưa em về”.
Nếu sợ rằng trong cơn say mèm không có khả năng gọi taxi, tôi nghĩ rằng các nhà hàng, quán nhậu nên yêu cầu nhân viên phải có phần mềm gọi taxi để hỗ trợ khách khi cần thiết. Bởi nếu nhà hàng không “nhiệt tình”, dân nhậu có lẽ nếu không ở nhà ăn cơm với vợ cũng mời khách về nhà để thết đãi.
Ngoài các dịch vụ đi xe, giao hàng, giao đồ ăn… taxi công nghệ nên có hẳn dịch vụ chở người say. Mức giá cho dịch vụ này có thể cao hơn bình thường, nhưng nếu chi trả nó để người say có thể “gọi Huệ trên xe, có thể chửi bới, được uống nước chanh giải rượu, sử dụng khăn ướt hay được đưa vào tận nhà để giao cho… vợ một cách an toàn nhất thì cũng xứng đáng.
Đường bớt đông, vợ bớt lo âu, không phải đau đầu nghĩ uống rượu rồi ra đường như thế nào, tai nạn giảm, lại tạo cơ hội làm ăn cho người khác, thực là vẹn nhiều đường.
Theo NĐT