Phỏng vấn là một dấu mốc quan trọng trong quá trình tuyển dụng, không chỉ đối với các ứng cử viên mà với cả nhà tuyển dụng. Ở đó, nhà tuyển dụng vừa cần trao đổi, tìm hiểu về ứng viên qua việc đặt ra những câu hỏi cụ thể mà còn cần linh hoạt sử dụng kinh nghiệm và khả năng của mình nhằm khai thác triệt để, hiệu quả nhất đối với mỗi ứng viên. Tiêu chí quan trọng nhất mà doanh nghiệp đặt ra để lựa chọn ứng viên đó chính là mức độ phù hợp, điều này trở nên phức tạp hơn khi phải phỏng vấn rất nhiều người cho cùng một vị trí. Điều này tuy khó nhưng không phải là không thể. Dưới đây là 5 bí quyết giúp bạn đánh giá mức độ phù hợp của ứng viên với văn hóa công ty, hãy cùng tìm hiểu nhé.
Đánh giá mục tiêu nghề nghiệp của ứng viên
Mỗi ứng viên quan tâm và gửi CV về doanh nghiệp đều có những hoài bão và mục tiêu riêng trong công việc. Điều này thể hiện được sức hút đa dạng mà doanh nghiệp tạo ra cho thị trường nhân sự, đồng thời cũng là căn cứ để bạn chọn được ứng viên phù hợp. Bằng cách đọc CV và kết hợp hỏi về những mục tiêu trong tương lai ở vị trí công việc này, kế hoạch phát triển cá nhân… và sau đó đối chiếu với phương hướng chung của doanh nghiệp để so sánh về mức độ tương thích. Bạn chắc chắn sẽ không thể nhận một nhân viên chỉ định làm việc thời gian ngắn trong khi doanh nghiệp đang cần ở vị trí này một nhân sự có thể gắn bó lâu dài.
So sánh các kỹ năng của ứng viên và kỹ năng mà doanh nghiệp cần
Bên cạnh việc đánh giá mục tiêu chung thì bạn cũng cần hiểu rõ doanh nghiệp đang thực sự thiếu sót hoặc cần đẩy mạnh ở những khâu công việc nào để khai thác vào yếu tố kỹ năng. Nếu công ty bạn đang có những dự án lớn đòi hỏi khả năng sáng tạo nội dung cao, ngay lập tức đặt một số câu hỏi để đánh giá kỹ năng này của ứng viên. Ở vai trò của một nhà tuyển dụng, bạn cần ghi nhận và đánh giá câu trả lời trên hoặc thậm chí có thể tham vấn ý kiến từ bộ phận chuyên môn nếu cần.
Kinh nghiệm làm việc thể hiện thói quen
Bất kỳ buổi phỏng vấn nào cũng nhắc tới kinh nghiệm, rõ ràng đây là một chủ đề vô cùng thú vị vì hầu như nó sẽ giúp nhà tuyển dụng biết được những thói quen trong chuyên môn của ứng viên. Bằng cách hỏi về một ngày làm việc điển hình của ứng viên ở vị trí tương đương tại môi trường cũ, bạn sẽ nhìn nhận rõ đâu là thói quen phù hợp và đâu là nếp làm việc không phù hợp với văn hóa công ty để từ đó đánh giá một cách khách quan hơn.
Sự nhiệt tình đối với công việc và doanh nghiệp
Có thể một vài trường hợp sẽ đạt được những tiêu chí trên, song, để tối ưu hóa chất lượng nhân sự bạn cần chú ý đặc biệt vào tinh thần cống hiến thể hiện ở mỗi ứng viên. Tinh thần này biểu lộ thông qua tình cảm dành cho doanh nghiệp, trách nhiệm và lòng khát khao được cống hiến cũng như thái độ và tác phong chuyên nghiệp, đúng mực được thể hiện trong suốt quá trình phỏng vấn. Những điều này thường thấy ở sinh viên mới ra trường và có thể đây sẽ là lực lượng nòng cốt trong tương lai mà bạn cần quan tâm trong khi phỏng vấn.
Ý thức chấp nhận các yếu tố ngoài chuyên môn
Bên cạnh những vấn đề về chuyên môn thì một ứng viên phù hợp cũng phải đáp ứng được các yếu tố song hành mà doanh nghiệp của bạn đề ra. Đó có thể là những yêu cầu đặc biệt cho một số công việc đặc thù hoặc những lưu ý về quyền lợi và nghĩa vụ cũng như chính sách chung mà phòng ban hoặc toàn thể nhân sự phải tuân thủ. Để tránh những phiền toái hoặc hiểu nhầm về sau, bạn nên phổ biến rõ ràng để ứng viên có được cái nhìn minh bạch từ đó quyết định có chấp nhận những yêu cầu trên hay không.
Trên đây là 5 bí quyết giúp bạn đánh giá mức độ phù hợp của ứng viên với văn hóa công ty. Hy vọng thông qua bài viết này sẽ giúp bạn có cái nhìn toàn diện và thêm cơ sở để đánh giá và lựa chọn nhân sự một cách hiệu quả.
Theo Tiến Huy Careerlink