Hiện nay, thông thương giữa các quốc gia ngày càng phát triển, kéo theo số lượng công việc xuất nhập khẩu gia tăng. Để tham gia vào lĩnh vực này, ngoài những bằng cấp đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng về thương mại, dịch vụ và quản trị kinh doanh… bạn cũng cần trang bị cho mình những kỹ năng mềm khác để đáp ứng được yêu cầu công việc của nhà tuyển dụng, cụ thể là 5 điều sau.
Khả năng điều phối, theo dõi quy trình
Khi làm công việc xuất nhập khẩu, bạn cần có kỹ năng điều phối và bám sát chặt chẽ vào từng mốc thời gian của mỗi đơn hàng hay dự án. Đó là lí do vì sao khi tham khảo các mẫu CV xin việc đẹp và chuyên nghiệp cho lĩnh vực xuất nhập khẩu, bạn sẽ thấy kỹ năng này luôn được làm nổi bật.
Với đặc điểm công việc liên quan tới nhiều bên, nhiều tác vụ phối hợp đan xen nhau từ khâu đàm phán hợp đồng, làm thủ tục xuất – nhập hàng, theo dõi hành trình đơn hàng và thanh toán – tất cả đều gắn với một quy trình và các mốc thời gian cụ thể mà nếu không quản lý tốt tiến độ, bạn dễ gặp phải rắc rối.
Kỹ năng đọc hiểu tài liệu chuyên ngành
Một đặc thù trong ngành xuất nhập khẩu đó là việc phải xử lý, làm việc với rất nhiều tài liệu chuyên ngành khá phức tạp như hợp đồng thương mại, chứng từ xuất – nhập khẩu, các loại vận đơn, chứng từ P&L, chứng từ thuế… Với những người mới tìm hiểu thì đây sẽ là cả một mớ bòng bong phức tạp dễ khiến họ rơi vào “ma trận”, nhưng nếu chịu khó học hỏi ngày qua ngày, đọc hiểu và thực hành đủ nhiều thì mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Kỹ năng đọc hiểu tài liệu chuyên ngành là điều kiện cần cho mọi ứng viên khi làm việc trong ngành xuất nhập khẩu bởi đây là bước cơ bản bạn cần nắm vững trước khi tham gia vào các hoạt động khác trong công ty.
Kỹ năng đàm phán
Những hoạt động trong ngành xuất nhập khẩu phụ thuộc phần lớn vào sự trao đổi, thương lượng về điều khoản hợp đồng, mua bán giữa hai bên. Khi thương lượng được một hợp đồng với những điều khoản có lợi cho phía công ty thì đó không chỉ là sự mở đường thuận lợi mà còn là cách để tiết kiệm chi phí, giảm thiểu rủi ro và tăng lợi nhuận.
Bởi không chỉ bộ phận kinh doanh cần phải đứng ra đàm phán, các bộ phận khác như kế toán, giao vận, mua hàng, điều phối… đều cần tham gia vào quá trình thương lượng này để có thể đảm bảo được công việc của mình. Nếu không có kỹ năng đàm phán, bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi làm việc trong ngành xuất nhập khẩu vì khó có thể giành lấy những lợi ích về cho công ty hay đội ngũ của mình.
Am hiểu luật thương mại quốc tế
Đối với nhân sự trong ngành xuất nhập khẩu, bộ quy tắc thương mại quốc tế quy định về trách nhiệm của các bên trong hợp đồng ngoại thương – Incoterm chính là cuốn “sách gối đầu giường”. Họ cần nắm vững 11 điều khoản Incoterms trong lòng bàn tay, kèm vào đó là các bộ luật thương mại quốc tế khác.
Những chuyên gia trong ngành xuất nhập khẩu thường phải học tới 3 bộ luật: luật nước sở tại (Việt Nam), luật tại nơi giao dịch và luật quốc tế dùng để áp dụng trong từng hoàn cảnh cụ thể. Đây là yêu cầu về mặt kiến thức mà các ứng viên trong ngành cần phải đáp ứng nếu như muốn có được cái gật đầu từ phía nhà tuyển dụng.
Thành thạo ít nhất 1 ngoại ngữ
Với đặc thù của ngành bao gồm các hoạt động giao thương, buôn bán với các nước bạn, người làm công việc xuất nhập khẩu nên sở hữu ít nhất một ngoại ngữ để tạo thuận lợi cho công việc của mình.
Có ngoại ngữ không chỉ giúp bạn dễ dàng giao tiếp với đối tác mà còn hỗ trợ bạn trong quá trình làm việc, tìm kiếm thông tin, đọc tài liệu, hiểu về văn hóa các nước… Nhân sự có ngoại ngữ cũng thường có mức lương và phúc lợi tốt hơn người không có ngoại ngữ, theo các khảo sát gần đây tại các công ty xuất nhập khẩu.
Trong bối cảnh hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng trở nên sôi động, ngành nghề này cũng trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các bạn trẻ. Công việc xuất nhập khẩu đòi hỏi kiến thức sâu rộng, kỹ năng tốt về nhiều mặt, tương ứng với mức lương khá tốt và nhiều cơ hội rộng mở cho bạn khám phá. Nếu đầu tư học hỏi và trau dồi kinh nghiệm trong ngành này, bạn sẽ xây dựng được một sự nghiệp khá vững chắc cho mình.
Ngân Linh