Bạn có năng lực và luôn chăm chỉ, cố gắng làm việc. Nhưng nhiều năm trôi qua, sự nghiệp của bạn vẫn cứ trì trệ, “dậm chân tại chỗ”, hầu như không có gì bứt phá? Có thể chính những lối suy nghĩ tiêu cực, mà đôi khi ngay cả bản thân bạn không ý thức được, đã cản trở con đường sự nghiệp của bạn.
Đừng bỏ qua bài viết này để khám phá kiểu suy nghĩ nào đã kìm hãm sự phát triển của bạn trong công việc nhé.
Nghi ngờ năng lực của bản thân
Khi đọc các bản tin việc làm Đà Nẵng, Hà Nội hay TPHCM, bạn tránh nộp đơn vào những công việc mới với thu nhập cao hơn và tính cạnh tranh lớn hơn, hoặc từ chối những lời đề nghị cho các vai trò quan trọng trong công ty vì bạn nghĩ rằng mình không đủ tiêu chuẩn. Đó chính là bằng chứng của việc bạn thiếu tự tin và nghi ngờ năng lực của bản thân.
Một số nghiên cứu cho thấy, phần lớn mọi người từng trải qua “hội chứng” nghi ngờ bản thân này ít nhất vào một thời điểm nào đó trong đời. Đôi khi, những người thành công coi mình là kẻ mạo nhận và cảm thấy thành tựu của họ không được đánh giá cao, mặc dù họ thực sự có năng lực.
Lí do của điều này là họ từng gặp khó khăn, sai lầm trong quá khứ hay tổn thương về tâm lý từ thời thơ ấu.
Vì vậy, không phải lúc nào chúng ta cũng nên tin vào đánh giá của chính mình. Hãy tự hỏi điều gì đang ngăn cản bạn suy nghĩ tích cực đồng thời cản trở cơ hội chứng tỏ khả năng của bạn. “Nếu mình làm được thì sao? Mình có cảm thấy vui không? Mọi thứ có tốt hơn bây giờ không?” Nếu câu trả lời là có, hãy giành lấy cơ hội và nỗ lực vượt qua nỗi sợ để thành công.
Quá cầu toàn
Bạn luôn tìm kiếm sự hoàn hảo và không muốn để bản thân mình thất bại. Mỗi “nước đi” của bạn đều phải được tính toán kỹ lưỡng để không phạm phải sai lầm. Đó là lý do bạn luôn chờ đợi cho đến lúc hội đủ mọi điều kiện mới hành động, và thường đứng nhìn cơ hội vụt qua trước mắt.
Nguồn ảnh : internet
Cuộc sống luôn đầy ắp những điều bất ngờ nên đòi hỏi sự đảm bảo 100% là điều không tưởng. Bạn hãy cho phép mình được sai lầm, và bạn sẽ học được rất nhiều từ đó. Đôi khi những nỗ lực hết mình của bạn vẫn không đủ để đạt được mục tiêu mong muốn. Không sao cả! Cơ hội luôn mở ra cho những ai vững tin và cố gắng. Điều quan trọng là bạn đã chọn dấn thân trải nghiệm và học hỏi.
Ngừng tự nói với bản thân rằng bạn luôn phải đúng. Điều này không chỉ ngăn cản bạn thành công, nó còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mối quan hệ của bạn.
Cố gắng làm hài lòng mọi người
Không có chỗ cho việc làm hài lòng mọi người trong kinh doanh, đặc biệt là ở vị trí lãnh đạo – khi bạn phải thường xuyên đưa ra những quyết định khó khăn. Không phải mọi động thái bạn thực hiện đều sẽ nhận được sự tán thưởng. Và đó là điều bình thường.
Nếu bạn cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người, chắc chắn bạn sẽ phải nhượng bộ, và điều này có thể gây tổn hại cho công việc kinh doanh.
Đôi khi những quyết định của bạn sẽ khiến mọi người không vừa lòng hoặc phản đối. Nhưng, nếu đó là việc phải làm và bạn có lý do để tin như vậy, hãy can đảm thực hiện. Và sẽ tốt hơn nếu bạn có cách ứng xử hài hòa, khiến mọi người dù không đồng ý với mình, cũng không quá căng thẳng.
So sánh bản thân với người khác
Nếu bạn so sánh tình hình tài chính hoặc thành tích của mình với bạn bè hoặc công ty khác, bạn đang tích trữ những suy nghĩ tiêu cực một cách không cần thiết, khiến bản thân mất tập trung khỏi các mục tiêu trước mắt. Điều đó sẽ “ăn mòn” sự tự tin của bạn, khiến bạn luôn cảm thấy bất an.
Chúng ta cần chấp nhận rằng mỗi người có một thế mạnh khác nhau và đôi khi, bạn sẽ không thể nào chiến thắng người khác trong một vài lĩnh vực nhất định. Một chút cạnh tranh có thể tạo động lực cho bạn cố gắng, nhưng sự ganh tị sẽ chỉ đem lại năng lượng tiêu cực.
Vì thế, không cần phải so sánh với người khác mà thay vào đó hãy nghĩ cách để bạn có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Chúng ta hạnh phúc và thành công hơn khi biết mình là ai, vị trí của mình ở đâu và không so sánh bản thân với bất cứ một ai khác.
“Tôi luôn đúng”
Có phải bạn luôn cho rằng mình đúng? Bạn không muốn hay không dám nhìn vào những điểm thiếu sót của bản thân và thường phản ứng gay gắt khi ai đó định góp ý với mình, dù là họ có lý?
Một người thực sự tự tin là khi họ sẵn sàng lắng nghe ý kiến trái chiều của người khác, chứ không phải khăng khăng giữ lấy quan điểm của mình. Không ai luôn sáng suốt trong mọi chuyện, mọi lĩnh vực, và đôi khi “người ngoài” sẽ có cái nhìn khách quan hơn là người trong cuộc.
Thái độ “Tôi luôn đúng” hoặc thiếu khiêm tốn cũng sẽ khiến bạn bị xa lánh và ảnh hưởng đến các mối quan hệ của bạn với đồng nghiệp, đối tác… Hãy nhớ, không ai trên đời có thể làm việc và gặt hái thành công một mình mà không cần đến sự tương tác, hỗ trợ, sẻ chia với người khác.
Kiều Giang