.
.

Bí quyết để học ít nhưng vẫn nhớ lâu


Bạn sẽ không cần mất quá nhiều thời gian để hiểu và nhớ một nội dung nào đó nữa mà có thể dành nó cho những môn học khác nếu nắm được bí quyết dưới đây.

Học thuộc có lẽ là một trong những việc khiến học sinh, sinh viên dễ nản nhất trong quá trình học tập. Không chỉ là việc có đủ kiên nhẫn để học thuộc một khối lượng kiến thức lớn hay không, mà là dù có học nhiều nhưng cũng không nhớ hết được. Có bí quyết gì để học ít nhưng vẫn nhớ lâu được không nhỉ? Để không cần mất quá nhiều thời gian hiểu và nhớ một nội dung nào đó mà có thể dành nó cho những môn học khác.

Câu trả lời là có chứ!

Có bí quyết gì để học ít nhưng vẫn nhớ lâu không? - Ảnh 1.

Đừng học thuộc lòng một cách máy móc

Nhiều người dùng từ “cày” để ví von việc học thuộc. Hãy xác định là càng máy móc cố học thuộc từng dấu chấm dấu phẩy một thì bạn càng chẳng nhớ gì cả đâu. Bên cạnh những nội dung buộc phải thuộc nguyên văn, bạn nên biết cách biên tập kiến thức để nó trở nên dễ hiểu, dễ nhớ hơn. Ví dụ như nhớ những ý chính, triển khai lại nội dung theo cách mình hiểu… Dĩ nhiên là phải đảm bảo được tính chính xác của nội dung mà mình phải học đấy nhé!

Có kỹ năng khái quát, tóm tắt vấn đề

Để vận dụng được tối đa kiến thức đã học, bạn phải biết tóm tắt và khái quát chúng. Bởi vốn lượng kiến thức mà bạn được tiếp nhận mỗi ngày, ở mỗi môn học đã là rất lớn, để nhớ được tất cả chúng không có cách nào dễ hơn là phải tóm tắt, hệ thống lại. Có một bí kíp để rút ngắn thời gian tóm tắt kiến thức là ngay từ khi ghi chép ở trên lớp, hãy dùng bút màu để đánh dấu, ghi nhớ những kiến thức quan trọng.

Có bí quyết gì để học ít nhưng vẫn nhớ lâu không? - Ảnh 2.

Sử dụng kiến thức thường xuyên

Học xong bỏ đó thì dĩ nhiên là bạn sẽ chẳng bao giờ nhớ lâu được rồi. Thế nên hãy thực hành kiến thức một cách thường xuyên, liên tục để đảm bảo rằng những điều bạn đã bỏ thời gian và công sức ra học, tổng hợp, ghi nhớ không bị bỏ phí. Và hơn hết là tới lúc cần vận dụng, bạn sẽ biết cách sử dụng một cách nhuần nhuyễn, chính xác hơn.

Phân bổ thời gian hợp lý

Chỉ cần trong lúc ôn luyện hoàn toàn tập trung, thì bạn đã dễ dàng tiết kiệm được thời gian mà vẫn rất hiệu quả rồi. Bên cạnh đó, hãy sắp xếp và phân bổ thời gian cho việc học hợp lý. Không gian học tập cũng nên yên tĩnh và tránh tuyệt đối việc bị làm phiền để bạn có thể toàn tâm toàn ý thu nạp kiến thức.

Theo Trí thức trẻ



Bài viết cùng chuyên mục