Điểm mạnh bản thân là tiêu chí để nhà tuyển dụng xem xét và quyết định xem liệu ứng viên đó có phù hợp với vị trí ứng tuyển hay không. Ai cũng muốn bộc lộ hết những ưu điểm của bản thân trong vòng phỏng vấn. Tuy nhiên, làm thế nào để “khoe khéo” được điểm mạnh của bản thân mà không bị đánh giá là người khoe khoang qua những lời nói suông?
Hãy cùng tham khảo một số bí quyết sau từ website kiếm việc CareerLink.vn nhé.
Thể hiện rõ mục tiêu và định hướng công việc
Nguồn ảnh : internet
Một ứng viên hiểu rõ được bản thân, vạch ra hướng đi rõ ràng cho tương lai trong công việc sẽ tạo được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng. Bạn không nên kể lể dài dòng chỉ cần nêu rõ mục tiêu của bản thân và bạn đang theo đuổi nó bằng cách nào, bạn đã nỗ lực ra sao để từng bước thực hiện. Lưu ý là mục tiêu của bạn cần có sự liên quan đến công việc ứng tuyển.
Đây cũng là một cách lồng ghép khéo léo điểm mạnh bản thân bộc lộ được phẩm chất tự tin, quyết đoán, kiên định và hiểu chính mình. Một người có điểm mạnh này sẽ không dễ dàng bỏ cuộc khi gặp khó khăn mà ngược lại họ sẽ nỗ lực hơn trong công việc. Đây chính là một khía cạnh được hầu hết nhà tuyển dụng đánh giá cao.
Tập trung vào kinh nghiệm liên quan đến công việc
Bất kì nhà tuyển dụng nào cũng đề cao yếu tố kinh nghiệm khi tuyển dụng. Một ứng viên có kinh nghiệm sẽ nhanh chóng bắt kịp tiến trình, thực hiện công việc hiệu quả tạo sự yên tâm hơn. Đây là lí do hầu hết các cuộc phỏng vấn đều có câu hỏi về kinh nghiệm ứng viên.
Để lồng ghép khéo léo điểm mạnh về kinh nghiệm, bạn không nên liệt kê hết tất cả các công việc, vị trí mà mình đã làm trước đây. Mẹo là chỉ nên chọn một vài công việc bạn đã từng làm liên quan nhiều nhất đến công việc hiện tại. Hãy đề cập dưới dạng một câu chuyện cực kì ngắn gọn. “Cách khoe khéo” này ngầm cho nhà tuyển dụng biết bạn đã là “người trong nghề”, đã có trải nghiệm hoàn toàn tốt đẹp ở công ty cũ bằng cách giải quyết một số vấn đề và xử lý tình huống liên quan. Bạn hoàn toàn tự tin mình thích hợp với vị trí tuyển dụng này.
Đề cập điểm mạnh qua câu hỏi thăm dò về phẩm chất/ tính cách
Nguồn ảnh : internet
Đôi khi nhà tuyển dụng thăm dò ứng viên qua cách họ bộc lộ tính cách hoặc nêu quan điểm về một vấn đề nào đó. Chẳng hạn với các câu hỏi như Điều gì làm bạn cảm thấy hạnh phúc? Đồng nghiệp cũ/ sếp cũ của bạn thế nào? Nếu như đồng nghiệp của bạn có vẻ nổi trội hơn, được đánh giá cao hơn thì bạn thấy thế nào? Nếu đồng nghiệp nhờ vả một việc gì đó trong khi bạn đang rất bạn rộn thì bạn sẽ ứng xử ra sao?…
Hãy khoe khéo điểm mạnh trong tính cách của mình bằng các câu trả lời nhằm cho thấy bạn là người hoàn toàn hiểu và tin vào bản thân, hài hòa trong các mối quan hệ và luôn nhìn nhận mặt tích cực của người khác, có tính quyết đoán… Ví dụ như “Được làm những điều mình thích mà điều đó lại chính là mục tiêu của mình nữa là một điều hạnh phúc” hay “Tôi luôn thực lòng ngưỡng mộ những người giỏi hơn mình, họ không chỉ là tấm gương để tôi học hỏi mà còn là động lực thôi thúc tôi trở nên tốt hơn từng ngày” hoặc “Tôi có xu hướng làm thật tốt công việc của mình trước, nếu đồng nghiệp cần giúp đỡ tôi sẽ xem xét sự việc đó có thực sự cần thiết hay không, nếu có tôi sẵn lòng nhưng ngược lại tôi sẽ để họ tự giải quyết vấn đề của mình…”
Lồng ghép thế mạnh bản thân qua câu hỏi gián tiếp khác
Nguồn ảnh : internet
Nhà tuyển dụng sẽ đưa ra câu hỏi về điểm mạnh bản thân ứng viên dưới nhiều dạng khác nhau. Đó có thể là câu hỏi trực tiếp “Điểm mạnh của bạn là gì?”. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng qua một số câu hỏi ẩn ý như “Bạn nghĩ rằng điều gì giúp bạn thành công với công việc này? Bạn đã nhận được lời khen nào từ sếp và đồng nghiệp cũ? Lý do để chúng tôi chọn bạn thay vì những ứng viên khác?
Nếu bạn là ứng viên thông minh và khéo léo sẽ tinh ý nhận ra mục đích ẩn sau các câu hỏi này và đưa ra những câu trả lời thuyết phục hơn bằng cách khéo léo lồng ghép điểm mạnh phù hợp của bản thân tùy theo tính chất công việc.
Chẳng hạn với câu hỏi “Bạn cho rằng mình sẽ thành công với công việc này nhờ điều gì?”, bạn có thể trả lời “Với kinh nghiệm 3 năm trong nghề và sự linh hoạt của mình, tôi đã làm tốt công việc này trước đây. Chỉ sau một thời gian ngắn tôi mang về cho công ty ít nhất 10 hợp đồng lớn, mở rộng danh sách khách hàng tiềm năng, nhờ đó lợi nhuận cũng được tăng 20% so với cùng kì những năm trước”.
Hãy để bản thân là một “dẫn chứng” thực tế sinh động và thú vị
Để chứng tỏ bạn có điểm mạnh là kỹ năng giao tiếp tốt, kỹ năng thương lượng, đàm phán hay thuyết phục như những gì bạn muốn thể hiện điều quan trọng nhất và thực tiễn nhất đó là bạn tạo được sự cuốn hút với phỏng vấn viên. Họ chính là người trực tiếp và khách quan nhất khi tiếp xúc với bạn.
Có hai hình thức thu hút người đối diện hình thức và nội dung. Hình thức bao gồm ngoại hình, giọng nói, ngôn ngữ thể, cách trình bày. Nội dung bao gồm vấn đề bạn đang nói đến.
Bạn nên chuẩn bị ngoại hình ổn nhất. Đó có thể là điểm nhấn về gương mặt, mái tóc, phong cách trang phục, phụ kiện; điều chỉnh âm lượng, giọng điệu rõ ràng, dễ nghe; ngôn ngữ cơ thể… để tạo được sự hấp dẫn làm cho người đối diện chú ý. Sau đó là đề cập đến vấn đề mà bạn sẽ nói đến một cách thú vị, gợi sự yêu thích, tò mò của người nghe.
Qua sự chuẩn bị về cả hình thức và nội dung trên cho thấy bạn biết cách làm nổi bật một khía cạnh điểm mạnh của bản thân trên tất cả lời nói suông của bạn. Đây là cách dẫn chứng khoe khéo điểm mạnh hiệu quả nhất.
Trong cuộc phỏng vấn, giỏi thôi chưa đủ, bạn cần có sự khéo léo đưa ra câu trả lời thông minh và biết cách đề cập đến điểm mạnh bản thân mà không bị cho là khoe khoang hay “nổ”. Đó là cả một nghệ thuật ứng xử mà bất cứ một ứng viên nào cũng cần rèn luyện. Hy vọng những thông tin trên giúp bạn áp dụng linh hoạt vào từng trường hợp của mình để có buổi phỏng vấn tốt nhất, thuyết phục được ngay cả những nhà tuyển dụng khó tính.
Đặng Hảo