.
.

Luật sư Trương Thị Hòa bức xúc vì phim ảnh thường chế giễu những người đồng giới


Theo Đạo diễn Lê Hoàng và Luật sư Trương Thị Hòa, việc pháp luật chưa thừa nhận hôn nhân đồng giới sẽ dễ dẫn đến nhiều điều bất công cho những người thuộc giới thứ ba.

Talkshow Chuyện Cuối Tuần, chủ đề “Luật dành cho giới tính thứ ba” phát sóng lúc 21h35 thứ bảy ngày 20/6/2020 trên kênh VTV9. Khách mời đặc biệt tham gia Chuyện Cuối Tuần là Luật sư Trương Thị Hòa. 

Tham gia chương trình, Luật sư Trương Thị Hòa cho biết, hiện tại, trong cuộc sống cũng như nghệ thuật, mọi người đều chấp nhận và không quá dị nghị những người đồng tính, tuy nhiên, về mặt pháp luật thì chưa được như vậy. Dù Hiến pháp chấp nhận việc chuyển đổi giới tính và đã có dự thảo luật chuyển đổi giới tính, tuy nhiên luật đó chưa được thông qua, và vì thế, người thuộc giới thứ ba vẫn chưa chính thức được pháp luật bảo vệ.

LE HOANG VA TRUONG THI HOA (1)

Cũng theo Luật sư Trương Thị Hòa, Luật dân sự của Việt Nam thừa nhận việc chuyển đổi giới tính. Nghĩa là nếu một người sinh ra là nam, nhưng sau đó chuyển đổi giới tính sang nữ thì khi đến nơi làm hộ tịch, họ có thể được làm giấy khai sinh mới. Tuy nhiên, việc chuyển đổi giới tính này nếu thực hiện ở Thái Lan hay các nước khác thì về Việt Nam sẽ khó được công nhận. Ở Việt Nam chỉ có 4 bệnh viện được pháp luật cho phép chuyển đổi giới tính và chỉ khi chuyển đối ở đó thì mới được pháp luật công nhận.

Tuy cho phép người đồng tính được chuyển đổi giới tính, tuy nhiên, Luật pháp Việt Nam hiện tại lại chưa công nhận hôn nhân đồng giới. Tức là nếu hai người đồng giới kết hôn thì họ sẽ không được thừa nhận là vợ chồng. Điều đó có nghĩa là nếu sau quá trình chung sống với nhau mà giữa họ nảy sinh vấn đề mâu thuẫn về tiền bạc thì luật pháp sẽ không xử lý theo luật hôn nhân gia đình mà sẽ xử theo luật dân sự: “Nếu được công nhận là vợ chồng thì tài sản do hai người đồng giới hình thành trong thời kì hôn nhân khi ra tòa ly hôn sẽ chia đều. Còn không được thừa nhận là vợ chồng thì tài sản sẽ chia theo luật dân sự, có tính đến quá trình góp vốn, hay các thỏa thuận khác” – Luật sư Trương Thị Hòa cho biết.

LS TRUONG THI HOA (2)

Cũng theo vị luật sư nổi tiếng này, khi hai người đồng giới sống chung, nếu họ có nhận con nuôi, khi chia tay con nuôi cũng không được thừa nhận là con chung của hai người.  Nếu một trong hai người muốn nuôi con thì phải thỏa thuận với người kia đây là con nuôi riêng của mình: “Luật pháp quy định một người chỉ có thể là con nuôi của người độc thân hoặc là của một cặp vợ chồng. Như vậy, khi hai người đồng giới sống với nhau mà có con thì đứa con đó chỉ được công nhận là con nuôi của một người mà thôi”.

Trước câu hỏi của đạo diễn Lê Hoàng về việc pháp luật chưa thừa nhận hôn nhân đồng giới thì có thiếu thỏa đáng và bất công cho những người thuộc giới tính thứ ba không, luật sư Trương Thị Hòa cho biết, pháp luật sinh ra là để bảo vệ con người. Tuy nhiên, tất cả phải là một quá trình và phù hợp với sự phát triển chung của xã hội. Trước đây, pháp luật cấm hôn nhân đồng giới, tuy nhiên, điều này giờ đã được bãi bỏ. Song để từ cấm đi đến thừa nhận hôn nhân đồng giới thì phải là một quá trình. Và thực tế, trong xã hội tuy đã bớt nhưng không phải là không còn những sự kì thị dành cho người đồng giới. Trong cuộc sống, không hiếm những người đồng tính không dám thừa nhận bản thân thuộc giới thứ ba, họ sợ bị bố mẹ mắng mỏ, bạn bè trêu chọc.

Trên thế giới, việc thừa nhận hôn nhân đồng giới đã được nhiều nước thực hiện, tuy nhiên, ở Việt Nam, theo luật sư Trương Thị Hòa, để đạt được điều đó, cần phải đẩy nhanh việc tuyên truyền, giáo dục để làm thay đổi nhận thức của người dân về điều này. Đặc biệt, trong phim ảnh, hiện tại vẫn còn rất nhiều bộ phim có những vai diễn về người đồng tình được miêu tả rất kì dị, theo kiểu chế giễu, chính điều này đã khiến cho khán giả có cái nhìn sai lệch về giới thứ ba: “Tại sao không xây dựng hình ảnh một người đồng tính giỏi giang, thành đạt, sống đàng hoàng chứ không phải thế này kia?” – Luật sư Trương Thị Hòa nêu vấn đề.

LS TRUONG THI HOA (6)

Luật sư Trương Thị Hòa cũng nói thêm, trong quá trình làm việc ở văn phòng luật riêng, bà từng chứng kiến có rất nhiều những người bố mẹ tìm đến hỏi cách trị bệnh đồng tính của con gái. Khi được phân tích rằng đó không phải là bệnh mà là sự lựa chọn giới tính của mỗi người, người cha đó vẫn không hài lòng và coi việc con gái chỉ thích nữ giới giống như một điều xấu hổ trong gia đình.

Về phần mình, đạo diễn Lê Hoàng cho biết, trong quá trình làm việc, tiếp xúc với giới nghệ thuật, anh nhận thấy có rất nhiều người thuộc giới thứ ba nhưng rất giỏi giang, có tài, được xã hội tôn trọng, tiếng nói của họ có giá trị và vì thế họ có được thu nhập khá cao: “Họ không coi đó là bi kịch mà chỉ có mình thấy đó là bi kịch giùm người ta” – Vị đạo diễn cho biết.

Cũng theo Lê Hoàng, điều quan trọng của một con người không phải là thuộc giới nào mà là đóng góp được gì cho xã hội. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, thì người đồng tính trước tiên phải có tài năng, có động lực phấn đấu, bên cạnh đó họ phải nhận được sự động viên của gia đình, sự cảm thông của bạn bè, xã hội và được pháp luật thừa nhận thì mới có thể sống hạnh phúc và thành đạt.

Bảo Bảo/starpress



Bài viết cùng chuyên mục