Người chuyển giới ghét cơ thể ban đầu mới sinh ra
Sinh ra trong một thể xác khác hoàn toàn với suy nghĩ và tâm hồn, nhiều người chuyển giới luôn cảm thấy bức bách trong vỏ bọc ban đầu. Đặc biệt khi bước đến độ tuổi trưởng thành, ý thức về ngoại hình luôn trỗi dậy mạnh mẽ. Vì thế mà không ít những bạn chuyển giới bước vào thời điểm “biết yêu”, “biết làm đẹp” đã quyết định thay đổi bản thân mình.
Tuy nhiên, một thực tế xảy ra đó là nhiều bạn chuyển giới vấp phải rào cản sự kì thị của xã hội, ám ảnh bị gia đình phát hiện nên không dám bộc lộ bản thân. Nhiều bạn cảm thấy khó chịu với ngoại hình, không thể giải tỏa nên tự… hành hạ cơ thể mình.
Chuyển giới nữ Thái Lan từng mặc cảm về ngoại hình ban đầu.
Với người chuyển giới nữ, dáng dấp đàn ông mạnh bạo, mái tóc ngắn, chái cổ đặc biệt giọng nói trầm ồn khiến họ luôn cảm thấy khó chịu. Trong khi đó, người chuyển giới nam lại thèm khát một cơ thể mạnh mẽ, ghét bỏ bộ ngực và sợ hãi khi đến những ngày chu kỳ kinh nguyệt.
Theo một cuộc khảo sát đưa ra, người chuyển giới nữ thường cảm thấy hài lòng hơn với cơ thể mình, dám sẵn sàng thay đổi để tâm hồn và thể xác thống nhất bằng việc tự trang điểm, mặc quần áo nữ tính, để tóc dài. Đối với chuyển giới nam, xuất phát điểm từ một người con gái, bản tính nhạy cảm, kín kẽ nên không ít bạn tự đẩy mình vào trạng thái trầm cảm, stress vì không dám chia sẻ cũng như mạnh dạn thay đổi mình.
Quang Minh (một chuyển giới nam, Hà Nội) kể: “Những người chuyển giới nữ thường mạnh mẽ hơn. Họ dám đi phẫu thuật chuyển giới khi có điều kiện. Trong khi đó người chuyển giới nam thường ít có điều kiện về kinh tế, chưa kể y học hỗ trợ chưa nhiều. Nhiều bạn chuyển giới nam ghét bộ ngực, tự bó ngực lại để không phát triển. Có trường hợp mình biết, đó là bạn 9X, rất khát khao được thay đổi, mỗi lần đến chu kỳ kinh nguyệt nỗi căm ghét bản thân trỗi dậy, lại uất ức tự soi gương, lấy tay cào cấu, rồi đỉnh điểm tự dùng dao hành hạ phải vào viện cấp cứu.”
Mỹ nhân chuyển giới Thái Lan.
Theo Phạm Hưởng (tư vấn viên trong một tổ chức hỗ trợ cộng đồng LGBT), “Không phải bất cứ bạn nào cũng có điều kiện về kinh tế để sử dụng liệu pháp như tiêm hormone hay phẫu thuật. Và cũng không phải bạn nào cũng dễ dàng được là mình ngay lập tức. Nhiều bạn phải trải qua một thời gian dài đấu tranh với gia đình. Các bạn đó tự sống một mình, không ai chia sẻ, tự gặm nhấm nỗi bực dọc, khó chịu khi hình hài không như ý muốn. Không ít bạn đến xin tư vấn chia sẻ từng trải qua khoảng thời gian dài tự hành hạ bản thân mình. Điều này tác động mạnh đến tâm sinh lý.”
Hiểu cơ thể là cách chữa trị tâm hồn không hạnh phúc
Thực tế, trong cộng đồng người chuyển giới đã có rất nhiều buổi thảo luận chia sẻ về việc làm thế nào để thể xác và tâm hồn hòa hợp với nhau. Nhưng, đôi khi, chính các bạn cũng buộc phải lựa chọn sự thay đổi cơ thể của mình hay chấp nhận nó để tốt cho sức khỏe.
Việc bạn muốn cơ thể của mình trông như thế nào có thể không giống cơ thể của bạn trên thực tế và có thể sẽ hoàn toàn không giống với sự tưởng tượng của bạn. Nhưng quan trọng là bạn cảm thấy thoải mái cả về tư tưởng lẫn thể xác khi sống với nó, ngay cả khi bạn không thấy như vậy. Cứ mong đợi cơ thể thay đổi theo mong muốn của bản thân trước khi tìm hiểu về nó không phải là hành động khôn ngoan. Và điều này không hẳn là bạn không biết bao giờ hay liệu ngày nào mình mới được thay đổi ngoại hình. Có rất nhiều cách để thay đổi bản thân dù không phải là cách hoàn hảo để chữa trị “một tâm hồn không hạnh phúc” nhưng ít nhất nó mang lại cho bạn một cuộc sống lành mạnh, an toàn.
Cặp đôi chuyển giới Việt Nam.
Cảm thấy thoải mái với chính cơ thể thì việc chấp nhận thôi cũng chưa đủ, nó cần nhiều hơn thế. Việc biết và hiểu cơ thể của mình rất quan trọng. Nhiều ý kiến đưa ra rằng, việc thủ dâm ở độ tuổi trưởng thành cũng là cách giúp bạn hiểu cơ thể hơn và giải quyết những bức bách về mặt hình thể.
P.B (nhà tâm lý học, chuyển giới nữ) cho hay: “Các bạn chuyển giới nên dành thời gian luyện tập thể thao. Các bài tập vận động rất có ích cho việc xây dựng mối quan hệ thân thiết giữa thể xác và tâm hồn. Đây là cách tốt nhất để các bạn không rơi vào tình trạng căm ghét cơ thể dẫn đến hành động tiêu cực.”
Tuệ Minh
Theo VNM – PL.XH